Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khi niềm tin không vững

Nữ Quỳnh| 06/10/2012 06:22

(HNM) - Mấy ngày nay, cơn sốt giá vàng lại làm nóng trở lại thị trường kim loại quý này với mức giá bán vượt 48 triệu đồng mỗi lượng. Như vậy là liên tục trong khoảng hai tháng qua, giá vàng trong nước luôn cao hơn giá thế giới trên dưới 3 triệu đồng/lượng.

Song, bất chấp giá cao, bất chấp những khuyến cáo về việc hạn chế đầu tư vàng để tránh rủi ro thì lượng vàng miếng bán ra vẫn cứ cao, và theo con số ước tính vừa được các chuyên gia đưa ra thì lượng vàng hiện được lưu giữ trong dân khoảng 400 tấn, tương đương 22 tỉ USD, xấp xỉ dự trữ ngoại hối của quốc gia.

Nhưng đáng nói hơn là qua nhiều năm vàng liên tục biến động, thì các chính sách quản lý nó cũng liên tục biến động theo. Tháng 4-2012, Chính phủ ban hành Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, được kỳ vọng như "một mũi tên trúng nhiều đích", thống nhất được cách quản lý vàng (độc quyền sản xuất), không chấp nhận vàng là phương tiện thanh toán, xác định cơ chế nhận tiền gửi bằng vàng, chấp nhận quyền sở hữu vàng của người dân. Tuy vậy, đến thời điểm này thị trường vàng trong nước vẫn cứ rối như canh hẹ, giá vàng nhảy múa tuột khỏi tầm kiểm soát. Giới đầu cơ làm giá một cách trắng trợn và độc quyền, hệ quả là chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới quá cao (có lúc đến 4 triệu đồng/lượng). Chỉ còn hơn một tháng nữa là đến thời hạn theo quy định không còn được huy động vàng, sự kiện này cũng đang được các chuyên gia cảnh báo sẽ gây biến động không nhỏ tới thị trường vàng trong nước.

Có lẽ cốt lõi của vấn đề vẫn là câu chuyện niềm tin. Thị trường liên tục biến động, trong lúc chính sách thiếu ổn định là tác động không nhỏ. Một khi cơ quan quản lý nhà nước vẫn "nhìn nhận một vấn đề lớn liên quan đến dân một cách quá đơn giản" như hiện nay thì câu chuyện này sẽ còn "dài kỳ". Giá vàng chênh lệch quá cao, biến thiên phập phù khiến người dân e ngại, vì thế tâm lý giữ trong nhà cho chắc được ưu tiên.

Nói gì thì nói, dù muốn áp dụng cơ chế nào thì cơ quan quản lý cũng cần lưu tâm đến tâm lý của người Việt là cất giữ tài sản dưới dạng vàng, đó là tập quán lâu đời khó có thể thay thế một sớm một chiều. Muốn huy động vàng trong dân ra lưu thông thì cần phải quan tâm đến quyền lợi của dân, làm sao để họ tin tưởng "mở két" mang vàng gửi vào nơi họ tin tưởng, có lãi, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để họ rút vàng về lúc cần. Một khi việc đó có lợi cho kinh tế đất nước thì phải tìm cách để làm. Không nên chỉ vì lợi ích của một nhóm doanh nghiệp, hay sự khó dễ trong công tác quản lý mà đẩy người dân phải "thủ thế". Cần thiết phải cấm dùng vàng làm phương tiện thanh toán, nhưng không nên hạn chế quyền trao đổi mặt hàng này của người dân. Bởi một khi, vàng còn là cách cất giữ tài sản thì dù Nhà nước cấm cũng không được; vàng cất giấu rất dễ, nên cấm buôn bán công khai thì dân sẽ mua chui, bán chui. Dĩ nhiên thiệt thòi sẽ thuộc về Nhà nước, vừa thất thu thuế, vừa khó kiểm soát, gây mất ổn định thị trường. Chỉ cần làm phép tính đơn giản, nếu có chính sách phù hợp, tạo niềm tin để dân đưa một nửa số vàng đang cất giữ nói trên ra lưu thông chúng ta cũng đã có khoảng 10 tỷ USD đưa vào nền kinh tế. Nhất là trong bối cảnh khó khăn hiện nay thì đây là khoản tiền đáng để tính toán…

Xây dựng một chính sách phù hợp, ổn định lâu dài để tạo niềm tin cho người dân trong việc quản lý, lưu thông vàng là điều cần thiết phải được làm sớm. Đừng nên vì "sợ" mà không dám huy động vàng, cũng đừng để thuận cho cơ quan quản lý hoặc vì lợi ích doanh nghiệp mà bỏ quên quyền lợi của người dân và lợi ích của đất nước.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khi niềm tin không vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.