(HNM) - Tuần qua, Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội đã phối hợp với UBND quận Cầu Giấy kiểm tra dự án nhà ở xã hội tại số 30 đường Phạm Văn Đồng, do Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Thương mại dịch vụ Bắc Hà làm chủ đầu tư.
Việc kiểm tra được tiến hành sau khi có dư luận cho rằng nhiều căn hộ liền kề, đứng tên các chủ sở hữu khác nhau, được đập thông, tạo thành những căn hộ có diện tích lớn hơn. Thanh tra Sở Xây dựng khẳng định sẽ xử lý nghiêm theo quy định nếu phát hiện có sai phạm.
Việc đúng, sai ở dự án nhà ở xã hội số 30 - đường Phạm Văn Đồng sẽ có kết luận sau khi kiểm tra. Song trục lợi chính sách phát triển nhà ở xã hội, mua đi - bán lại, có nhà rồi nhưng vẫn làm hồ sơ để mua... thì đã từng xảy ra. Không ít trường hợp, cơ quan quản lý nhà nước thu hồi lại nhà ở xã hội đã bán vì không đúng đối tượng được hưởng chính sách. Một câu hỏi được đặt ra là liệu các quy định xét duyệt mua - bán nhà ở xã hội có chặt chẽ? Trước hết, nhà ở xã hội được hỗ trợ về chính sách để bán với giá rẻ hơn nhà thương mại nên đối tượng thụ hưởng cũng được quy định rất rõ; và khi làm hồ sơ xét duyệt, người mua nhà phải có đủ chứng nhận về thu nhập, chứng nhận tình trạng nhà ở tại nơi cư trú; UBND phường lập hồ sơ quản lý để bảo đảm mỗi cá nhân, hộ gia đình chỉ làm một hồ sơ mua nhà ở xã hội. Chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội sẽ nhận, xét duyệt hồ sơ bảo đảm theo các quy định của Nhà nước. Sau đó, danh sách người đủ điều kiện ký hợp đồng mua nhà được chuyển về Sở Xây dựng hậu kiểm, đăng tải công khai để người dân có thể giám sát.
Thế nhưng, dù quy định có chặt đến đâu thì cũng không thể bao quát hết mọi tình huống phát sinh. Thực tế, có chuyện hộ khẩu một nơi, sống một nơi nên chính quyền địa phương chỉ xác nhận hiện trạng nhà ở nơi đăng ký hộ khẩu, chứ không thể biết được những nơi ở khác. Hay việc hậu kiểm cũng chỉ xác định được trường hợp một người đăng ký mua hai dự án, chứ không thể xét được toàn bộ danh sách chuyển lên có bảo đảm đúng điều kiện hết hay không. Phần lớn các trường hợp vi phạm quy định mua - bán nhà ở xã hội đều do dư luận phản ánh, rồi mới kiểm tra, xử lý. Điều đó cho thấy, việc đúng - sai vẫn phụ thuộc vào ý thức, trách nhiệm của bản thân người thụ hưởng chính sách. Khi người ta cố tình gian dối và nhất là có sự móc ngoặc, tiếp tay của chủ đầu tư, thì chính sách nhà ở xã hội vẫn bị lợi dụng để làm lợi cho cá nhân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.