(HNMO) - Sáng 10-12, Bộ Y tế, Học viện Quân y (Bộ Quốc phòng) và Công ty cổ phần Công nghệ sinh học dược Nanogen tổ chức lễ khởi động thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 vắc xin Nano Covax phòng Covid-19 trên người Việt Nam. Theo danh sách đăng ký, có khoảng 150 sinh viên của các trường y, dược trên địa bàn Hà Nội tình nguyện tham gia thử nghiệm vắc xin phòng Covid-19. Ngày 17-12 sẽ tiêm mũi vắc xin đầu tiên cho người tình nguyện tham gia nghiên cứu giai đoạn 1. Vậy, khi nào người dân được tiêm vắc xin Covid-19 "made in Việt Nam"?
Tạo được đáp ứng miễn dịch, độ an toàn cao
Từ tháng 5-2020, Công ty Nanogen đã bắt đầu tiến hành nghiên cứu và sản xuất vắc xin Covid-19. Đây là dự án theo đơn đặt hàng của Bộ Khoa học - Công nghệ. Vắc xin Covid-19 của Việt Nam có tên gọi Nano Covax, được phát triển theo công nghệ protein tái tổ hợp. Nhược điểm của loại vắc xin này là vấn đề thời gian vì phải tạo dòng và chọn lọc trên tế bào.
Tuy nhiên, ưu điểm lớn nhất của vắc xin Nano Covax là tạo được đáp ứng miễn dịch tốt, độ an toàn cao, ít tác dụng phụ và có điều kiện bảo quản thuận lợi hơn so với các loại vắc xin khác (bảo quản ở nhiệt độ 2 độ C đến 8 độ C).
Theo quy định của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và quy định của Bộ Y tế Việt Nam, các vắc xin đều phải trải qua quá trình thẩm định các giai đoạn phát triển thử nghiệm lâm sàng. Vắc xin Nano Covax phòng Covid-19 đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng pha 1 và 2.
Công ty Nanogen đề xuất thử nghiệm lâm sàng qua 3 giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn 1: Từ tháng 12-2020 đến tháng 2-2021 có 60 người tham gia từ 18-50 tuổi; giai đoạn 2: Từ tháng 2-2021 đến tháng 8-2021, có khoảng 400-600 người tham gia từ 12-75 tuổi và giai đoạn 3: Từ tháng 8-2021 đến tháng 2-2022, có 1.500-3.000 người tham gia từ 12-75 tuổi.
Tại lễ khởi động thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 vắc xin Nano Covax phòng Covid-19 trên người diễn ra sáng 10-12 tại Học viện Quân y, khoảng 150 sinh viên của các trường y, dược trên địa bàn Hà Nội đã tình nguyện đăng ký tham gia thử nghiệm vắc xin ngừa Covid-19. Từ hôm nay, các tình nguyện viên sẽ tìm hiểu về quy trình tham gia thử nghiệm, kê khai thông tin vào phiếu chấp thuận, sau đó sẽ được tiến hành các bước kiểm tra sức khỏe.
Khi được hỏi về lý do đăng ký tham gia thử nghiệm vắc xin Nano Covax, em V.T.T.H, sinh viên năm thứ ba Khoa Dược, Học viện Quân y, chia sẻ: "Em mong muốn trở thành người được chọn tiêm thử vắc xin phòng Covid-19 của Việt Nam. Từ đó, góp phần sớm đưa vắc xin vào tiêm chủng cho người dân, tiến tới chấm dứt đại dịch Covid-19".
GS.TS Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y cho biết, những người tình nguyện tham gia đăng ký giai đoạn 1 sẽ được thăm khám sàng lọc trước khi tiêm theo yêu cầu của Bộ Y tế. Khi được thu tuyển vào nghiên cứu, người tình nguyện sẽ được theo dõi tại Viện Nghiên cứu y dược học Quân sự (Học viện Quân y) trong tối thiểu 72h.
Trong thời gian này, người tình nguyện sẽ được các bác sĩ theo dõi sức khỏe hằng ngày. Sau thời gian theo dõi tại Viện, người tình nguyện sẽ trở về nhà và được hướng dẫn tự theo dõi, tự ghi chép. Hằng ngày sẽ có cán bộ y tế đến thăm hoặc gọi điện thoại.
Nỗ lực sản xuất vắc xin trong thời gian sớm nhất
Để có thể đưa vắc xin Nano Covax vào sử dụng sớm hơn, Bộ Y tế đã và sẽ rút ngắn quy trình về hành chính, khi có 50% dữ liệu giai đoạn 1 sẽ cho phép triển khai thử nghiệm giai đoạn 2 và tương tự với giai đoạn 3. Dù vậy, mọi công đoạn thử nghiệm đều phải tuân thủ đúng quy định, bảo đảm an toàn tuyệt đối.
Theo ông Hồ Nhân, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ sinh học dược Nanogen, công suất hiện tại của công ty có thể sản xuất 2 triệu liều vắc xin/năm. Trong quá trình thử nghiệm lâm sàng, chúng tôi vừa sản xuất, vừa nâng cấp nhà máy để tối ưu hóa công suất lên 20 triệu đến 30 triệu liều/năm, tiến tới công suất lý tưởng là 50 triệu liều/năm.
Đây là vắc xin đầu tiên của Việt Nam đã hoàn thiện quy trình nghiên cứu và đạt kết quả cao trong thử nghiệm tiền lâm sàng, hứa hẹn sẽ là vắc xin Covid-19 "made in Vietnam" đầu tiên đưa ra thị trường. "Chúng tôi đang nỗ lực để có thể sản xuất vắc xin đáp ứng nhu cầu của người dân trong thời gian sớm nhất", ông Hồ Nhân nói.
Ngoài Nanogen, còn hai nhà sản xuất vắc xin có tiềm năng khác. Dự kiến tháng 2 và tháng 3-2021, vắc xin của Viện Vắc xin và sinh phẩm y tế Nha Trang (IVAC) và vắc xin của Công ty Vắc xin và sinh phẩm số 1 (Bộ Y tế) cũng lần lượt được đưa vào thử nghiệm trên người.
Theo Bộ Y tế, việc có đến 3 nhà sản xuất đưa vắc xin phòng Covid-19 vào thử nghiệm trên người đã cho thấy năng lực phát triển vắc xin phòng Covid-19 của Việt Nam. Bởi trong số hơn 200 nhà sản xuất vắc xin phòng Covid-19 trên toàn cầu cho đến ngày 2-12, mới có 51 nhà sản xuất tiến hành thử nghiệm vắc xin trên người.
Từ ngày 10-12, những người muốn tham gia chương trình nghiên cứu lâm sàng vắc xin phòng, chống Covid-19 Nano Covax có thể đăng ký trực tiếp tại Trung tâm Thử nghiệm lâm sàng và tương đương sinh học của Học viện Quân y (số 222 Phùng Hưng, Phúc La, Hà Đông, Hà Nội) hoặc qua số điện thoại: 0388.959.096, 0362.359.084/0353.212.500. Ngoài ra, có thể đăng ký qua email: nanocovax@nanogenpharma.com hoặc trang web: nanogenpharma.com.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.