Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khi nào cần đưa trẻ đi khám viêm gan cấp tính ''bí ẩn''?

Thu Trang| 09/05/2022 19:55

(HNMO) - Căn bệnh viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân đang trở thành nỗi lo mới với thế giới sau khi xuất hiện tại nhiều quốc gia. Trao đổi với báo giới vào ngày 9-5, bác sĩ Nguyễn Phạm Anh Hoa, Trưởng khoa Gan mật (Bệnh viện Nhi trung ương) cho rằng, với tốc độ lây lan như hiện nay, đặc biệt căn bệnh này đã xuất hiện tại khu vực Đông Nam Á, thì khả năng bệnh sẽ xâm nhập vào nước ta là hoàn toàn có thể.

Bác sĩ Bệnh viện Nhi trung ương thăm khám cho một bệnh nhi bị tiêu chảy.

Vi rút Adeno có phải là thủ phạm gây bệnh?

Dù đã phát hiện tới gần 300 trường hợp trẻ mắc viêm gan cấp tính tại hơn 20 quốc gia trên thế giới nhưng bác sĩ Nguyễn Phạm Anh Hoa cho rằng, đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa xác định được nguồn lây, yếu tố dịch tễ cũng như nguyên nhân của căn bệnh viêm gan cấp tính này. 

Một chuyên gia của WHO khẳng định, phải tốn thêm rất nhiều thời gian và tiền bạc để có thể tìm được nguyên nhân. Tuy nhiên, hiện có một số giả thuyết đang được đặt ra về nguồn lây của căn bệnh này.

Giả thuyết đầu tiên là căn bệnh này có thể từ chó, mèo? Về vấn đề này, theo bác sĩ Nguyễn Phạm Anh Hoa, các nghiên cứu trên thế giới chỉ ra có 70% trẻ bị tổn thương gan có nuôi chó cảnh. Tuy nhiên, đây chỉ là ghi nhận, chứ chưa phải kết luận.

Thứ hai, có giả thuyết cho rằng, vi rút Adeno chính là thủ phạm? Theo số liệu đã công bố, vi rút Adeno được phát hiện ở 30% số ca bệnh viêm gan cấp tính chưa rõ nguyên nhân (trên 228 trẻ). Riêng ở Mỹ, cập nhật tới ngày 6-5 có tới 50% ca bệnh dương tính với vi rút Adeno chủng 41. Dù vậy, theo bác sĩ Nguyễn Phạm Anh Hoa, hiện còn quá sớm để kết luận thủ phạm gây ra căn bệnh viêm gan cấp tính là do vi rút Adeno. 

Bởi theo vị chuyên gia này, Adeno là một loại vi rút quen thuộc, được phát hiện từ năm 1953. Vi rút này trong quá khứ chỉ gây viêm gan ở một số ca bệnh tản phát, ở trẻ có miễn dịch yếu, còn lại vi rút chỉ hay gặp ở những bệnh nhân có tổn thương phổi, phế quản. Dịch đau mắt đỏ của Việt Nam thường xuất hiện trong mùa hè cũng là do vi rút Adeno gây ra. 

“Theo một nghiên cứu, ở trẻ từ 0-4 tuổi, đa phần khi kiểm tra kháng thể Adeno trong máu thì đã cho kết quả dương tính. Như vậy, trẻ em thường va vấp một lần với vi rút này. Đây chỉ là một lưu ý về hướng tiếp cận chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh, còn để có kết luận chính xác cần nghiên cứu thêm của các nhà khoa học trên toàn thế giới”, bác sĩ Nguyễn Phạm Anh Hoa nói.

Giả thuyết thứ ba được đưa ra, đó là căn bệnh viêm gan cấp tính này có thể là một trong những di chứng của hậu Covid-19 hay vắc xin Covid-19. Với giả thuyết này, bác sĩ Nguyễn Phạm Anh Hoa cho rằng, khó để khẳng định có mối liên quan. Bởi theo thống kê, chỉ có 10-20% số trẻ mắc bệnh viêm gan này đã từng mắc Covid-19. Ngoài ra, đa phần trẻ bị bệnh dưới 5 tuổi đều chưa tiêm vắc xin Covid-19. 

Tiêm vắc xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2.

Các cách phòng tránh bệnh viêm gan cấp tính 

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, từ đầu tháng 5-2022, Bệnh viện Nhi trung ương đã tăng cường giám sát, phát hiện sớm các ca viêm gan chưa rõ nguồn gốc. Bệnh viện cũng đã xây dựng các bộ câu hỏi ghi nhận, sàng lọc bệnh nhân có biểu hiện nghi vấn. 

Theo bác sĩ Nguyễn Phạm Anh Hoa, các bệnh nhân ở phòng khám nếu có triệu chứng nghi ngờ sẽ làm xét nghiệm liên quan để xác định tổn thương gan. Tùy từng bệnh nhân sẽ làm xét nghiệm chuyên sâu hơn để tiếp cận chẩn đoán, can thiệp kịp thời. Tuy nhiên, hiện bệnh viện chưa ghi nhận trường hợp bất thường, có tổn thương viêm gan cấp tính.

Để tăng cường giám sát, phát hiện sớm căn bệnh viêm gan cấp tính chưa rõ nguyên nhân ở trẻ, bác sĩ Nguyễn Nguyên Huyền, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cho biết, trong quá trình thăm khám tại bệnh viện, các bác sĩ đã khai thác thêm thông tin, cố gắng phát hiện các dấu hiệu sớm, triệu chứng nghi ngờ trẻ mắc viêm gan bí ẩn, nhất là với trẻ có các dấu hiệu nôn, buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy, trẻ có hiện tượng viêm gan hay không (dựa vào xét nghiệm men gan) hoặc trẻ có dấu hiệu tiểu vàng, mắt vàng, suy gan tối cấp...

Do chưa biết rõ căn nguyên lây bệnh, đường lây truyền, nên theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, cách duy nhất để bảo vệ trẻ khỏi căn bệnh này là ngăn chặn ngay từ các tác nhân đã ghi nhận. Nếu tổn thương lây qua đường vi rút như Adeno thì có thể lây qua giọt bắn, chất thải, và bề mặt tiếp xúc, do đó, cần tăng cường vệ sinh cá nhân, bảo đảm nguồn nước sạch, vệ sinh môi trường, xử lý chất thải, vệ sinh bề mặt và sử dụng đồ dùng cá nhân riêng như: Ca, cốc, thìa, khăn mặt… Ngoài ra, để phòng bệnh, người dân cần bảo đảm ăn chín, uống sôi, sử dụng nước sạch…

Bác sĩ Nguyễn Phạm Anh Hoa cũng đưa ra khuyến cáo, với trẻ từ 0 đến 16 tuổi, khi có các triệu chứng sau cần đưa tới bệnh viện để thăm khám: Trẻ sốt nhẹ, buồn nôn, tiêu chảy, mệt mỏi, có dấu hiệu vàng da. Ban đầu, vàng da có thể xuất hiện ở củng mạc mắt. Sự thay đổi màu sắc này dễ dàng nhận biết dưới ánh sáng mặt trời. 

“Việc cảnh giác, cẩn thận hơn trong chăm sóc con em là cần thiết. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh cũng không nên quá hoang mang, lo lắng và tìm kiếm các phương pháp xét nghiệm, điều trị… truyền miệng. Với các trường hợp nghi ngờ, nguy cơ cao bác sĩ sẽ có chỉ định xét nghiệm, điều trị phù hợp”, bác sĩ Nguyễn Phạm Anh Hoa đưa ra lưu ý.

Để tăng cường các biện pháp phòng bệnh, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng yêu cầu các địa phương tập trung vào hoạt động tiêm chủng vắc xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh, trẻ dưới 1 tuổi và các đối tượng có nguy cơ cao, bảo đảm an toàn và đạt tỷ lệ bao phủ theo chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khi nào cần đưa trẻ đi khám viêm gan cấp tính ''bí ẩn''?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.