Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khi “danh” chưa chính, “ngôn” chưa thuận

Hà Phong| 13/10/2012 07:07

(HNM) - Các tổ chức phi chính phủ (PCP) có thể làm gì và đóng góp thế nào để tăng cường minh bạch tại Việt Nam, đang là sự quan tâm không chỉ của các tổ chức PCP mà còn là sự trông đợi của Thanh tra Chính phủ (TTCP).

Một hoạt động truyền thông, tuyên truyền phòng, chống tham nhũng.


Các tổ chức PCP, do những tôn chỉ, mục đích không giống nhau, nên họ có cách tiếp cận riêng, khá sâu đối với các vấn đề liên quan đến tham nhũng. Chẳng hạn, Tổ chức Hướng tới minh bạch đã nghiên cứu tương đối dài hơi về khảo sát liêm chính trong thanh niên; tham nhũng trong giáo dục và y tế; xây dựng phong vũ biểu về tham nhũng ở Việt Nam… Mặc dù việc điều tra, khảo sát mới chỉ được thực hiện trong phạm vi hẹp, kết quả đưa ra những con số cũng rất đáng quan tâm khi 62% người dân đô thị được hỏi nhận định rằng, tham nhũng gia tăng ở Việt Nam; 40,5% người dân đô thị đã từng hối lộ ít nhất một lần trong vòng một năm. Song, điều đáng mừng là 80% người nhận phỏng vấn trả lời "sẵn sàng tham gia vào công tác PCTN" và 67% tin rằng sự hưởng ứng của họ có thể tạo nên những thay đổi trong đấu tranh PCTN.

Không dừng lại ở những điều tra xã hội học, Viện Tư vấn Phát triển (CODE) đã có những nghiên cứu chuyên ngành sâu "Tăng cường minh bạch, quản trị tốt và PCTN trong ngành khai khoáng Việt Nam", vận động Việt Nam tham gia sáng kiến minh bạch công nghiệp khai khoáng, hiện có 36 quốc gia tham gia. Với tinh thần xây dựng và nỗ lực hoàn thiện chính sách, đơn vị  này đã được Ủy ban Khoa học, Công nghệ, Môi trường của QH mời cùng đi giám sát về những tồn tại của ngành khai khoáng tại nhiều tỉnh, TP lớn.

Bàn về vai trò của các tổ chức PCP, GS Nguyễn Minh Thuyết (nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH) cho rằng, có nhiều việc quan trọng mà tổ chức PCP có thể làm được, bao gồm nâng cao dân trí thông qua các hoạt động truyền thông; điều tra nghiên cứu; cung cấp thông tin PCTN nhằm phát huy vai trò của báo chí trong việc phản ánh dư luận xã hội. Trong đó, nâng cao dân trí là vấn đề cần được ưu tiên hàng đầu, vì cuộc đấu tranh PCTN là lâu dài, nhất là khi kinh tế - xã hội đang phát triển nhưng thể chế pháp luật còn lỏng lẻo thì khả năng tham nhũng càng nhiều. Chỉ tiếc là các tổ chức này chưa được quy định chi tiết trong các văn bản pháp luật hiện hành, hay nói cách khác là những luật liên quan chưa khẳng định vai trò của tổ chức PCP để có cơ sở tạo thành một lực lượng đồng thuận làm cho việc tuyên truyền nâng cao nhận thức về PCTN hiệu quả hơn.

Trưởng phòng Nghiên cứu thuộc Viện Khoa học thanh tra Trần Văn Long nhấn mạnh, dù Luật PCTN có dành một chương quy định về vai trò và trách nhiệm của xã hội trong PCTN, nhưng các tổ chức PCP còn thiếu khung pháp lý để hoạt động.

Điều này dẫn đến việc thiếu cơ chế phản hồi từ phía các cơ quan nhà nước trước những điều tra của các tổ chức PCP. Hiện mới chỉ có TTCP tỏ thái độ trông đợi, sử dụng một phần dữ liệu này trong quá trình xây dựng Luật PCTN và các văn bản liên quan. Nhưng trên các diễn đàn lại nhấn mạnh rõ "đây là quan điểm của nhóm nghiên cứu, không phải tiếng nói của TTCP ". Ngoài ra, các đại biểu QH cũng lấy nghiên cứu của các tổ chức PCP, đưa ra trao đổi trong mỗi kỳ họp QH. Thế nhưng, cơ quan chức năng mới chỉ "tiếp thu xong rồi để đấy". Hiếm có bộ, ngành, đơn vị nào phải điều trần trước UBTVQH về các vấn đề tổ chức PCP khai thác được. Do đó, điều các tổ chức PCP mong muốn hơn cả, như một tổng kết ngắn gọn của ông Phạm Quang Tú, Viện phó Viện CODE, là "có một cơ chế để nhà nước, chính quyền nghiên cứu thấu đáo, phản hồi những ý kiến đóng góp mang tính phản biện của các tổ chức PCP".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khi “danh” chưa chính, “ngôn” chưa thuận

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.