(HNM) - Việc Ban Bí thư Trung ương Đảng sớm tổ chức hội nghị cán bộ toàn quốc học tập, quán triệt các nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) của Đảng theo hình thức trực tuyến từ điểm cầu chính tại Hà Nội và các điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, cho thấy yêu cầu cấp thiết và quan trọng của việc sớm đưa các nghị quyết này vào cuộc sống.
Trước hết ở nội dung, Nghị quyết số 26-NQ/TƯ “về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”; Nghị quyết số 27-NQ/TƯ “về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp" và Nghị quyết số 28-NQ/TƯ “về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội” đều là những vấn đề lớn, cụ thể hóa các nhiệm vụ trọng tâm mà Đại hội XII của Đảng đã đề ra.
Ba nghị quyết cũng đề cập tới những việc hệ trọng, vừa cấp bách trước mắt, vừa cơ bản lâu dài, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển bền vững của đất nước, nhưng đồng thời cũng tác động to lớn, sâu rộng, trực tiếp đến đời sống, tâm tư của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân.
Nếu nhìn từ góc độ thực tiễn, nội dung các nghị quyết đều nhằm giải quyết những vấn đề "nóng" hiện nay, mà điển hình là hiện tượng "chạy chức, chạy quyền"; là một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có cả cán bộ cấp chiến lược uy tín thấp, năng lực, phẩm chất chưa ngang tầm nhiệm vụ, thiếu gương mẫu, vướng vào tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm... Tuy chỉ là số ít nhưng những vi phạm này đã khiến niềm tin của nhân dân với Đảng bị bào mòn, giảm sút, nếu không kịp thời khắc phục có thể trở thành nguy cơ ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ.
Gắn với những vấn đề lớn, hệ trọng của đất nước, lại thiết thực với đời sống của cán bộ, công chức, viên chức nên từ khi Trung ương Đảng thảo luận đến khi ban hành, các nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) đã thu hút sự quan tâm không chỉ của đảng viên mà của cả các tầng lớp nhân dân. Các giải pháp đột phá mà Trung ương đề ra trong nội dung các nghị quyết như đánh giá cán bộ xuyên suốt, liên tục, theo tiêu chí cụ thể, bằng sản phẩm cụ thể; hoàn thiện các quy định về cách chức, bãi nhiệm, miễn nhiệm để việc “có lên, có xuống”, “có vào, có ra” trở thành bình thường trong công tác cán bộ; cải cách chính sách tiền lương và nhà ở để tạo động lực cho cán bộ phấn đấu, toàn tâm, toàn ý với công việc...
Đặc biệt, quyết tâm kiểm soát chặt chẽ quyền lực, chấm dứt "chạy chức, chạy quyền"; thực hiện nhất quán chủ trương bố trí bí thư cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương ở những nơi đủ điều kiện... được dư luận đồng tình, đánh giá cao.
Rồi đây, sau hội nghị học tập, quán triệt các nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII), mỗi cán bộ chủ chốt tham dự, không chỉ hiểu, nhận thức đúng về nghị quyết mà còn có trách nhiệm giới thiệu, quán triệt nghị quyết cho cán bộ, đảng viên và nhân dân; đồng thời trực tiếp chỉ đạo triển khai tại địa phương, đơn vị mình.
Chắc chắn ở mỗi đơn vị, địa phương, các cấp ủy đảng, cán bộ chủ chốt sẽ có thêm các hình thức thảo luận, hội thảo chuyên sâu, phân tích kỹ tình hình, đánh giá mặt được, hạn chế, yếu kém, liên hệ với thực tiễn để nhận thức đầy đủ hơn nội dung của từng nghị quyết; dành thời gian thỏa đáng để cụ thể hóa nghị quyết thành các chương trình, kế hoạch hành động phù hợp với thực tiễn địa phương, đơn vị, trong đó xác định rõ việc cụ thể gắn với trách nhiệm cá nhân trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghị quyết. Dư luận nhân dân đang mong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) sớm đi vào cuộc sống.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.