(HNMO) – Khinh khí cầu hoạt động nhờ khí đốt có thể sẽ trở thành bước ngoặt đối với tương lai của hoạt động vận chuyển hàng hóa.
Công nghệ khí cầu trở nên phổ biến vào đầu những năm 1900 trong vận chuyển hành khách, hàng hóa cả trên đất liền và đại dương. Với sự xuất hiện của máy bay, khí cầu dần trở nên tụt hậu. Năm 1937, vụ tai nạn Hindenburg khiến 36 người thiệt mạng đặt dấu chấm hết đối với thời kỳ hoàng kim của loại phương tiện này.
Sự trở lại của khí cầu
Theo CNN, mối quan tâm về khí cầu đang xuất hiện trở lại. Nhờ lượng khí thải carbon thấp và không yêu cầu cơ sở hạ tầng mặt đất đồ sộ, phương tiện này có thể là giải pháp bền vững đối với hoạt động hậu cần toàn cầu.
Flying Whales, một công ty của Pháp cho biết, khí cầu có thể giúp giải quyết vấn đề vận chuyển hàng hóa khi cơ sở hạ tầng còn thiếu hoặc chưa có. Công ty này đang phát triển một khí cầu dài 200 mét hoạt động bằng khí heli và hệ thống điện sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững. Khí cầu này có khả năng vận chuyển 60 tấn hàng hóa, hữu dụng trong trường hợp đường sắt hoặc đường bộ tê liệt.
Lựa chọn nhiên liệu
Flying Whales không phải là công ty duy nhất đang nỗ lực “hồi sinh” khí cầu. Nhiều công ty khởi nghiệp khác như LTA Research (Mỹ) cũng đang khám phá giải pháp vận chuyển ít tác động đến môi trường này, nhưng đang đứng trước khó khăn giữa việc lựa chọn khí hydro hay heli trong vận hành khí cầu.
Khí hydro rẻ, có thể tái tạo và tạo nhiều lực nâng hơn heli, nhưng loại khí này rất dễ cháy và liên quan đến các thảm họa tàn khốc như vụ tai nạn Hindenburg năm 1937. Đó là lý do tại sao hầu hết các công ty, bao gồm cả Flying Whales và LTA Research, đang sử dụng khí heli vốn không bắt lửa.
Heli có mức giá cao hơn; giai đoạn từ năm 2011 đến 2016, giá loại khí này tăng 250% và cao hơn hydro 67 lần vào năm 2020. Quan trọng hơn, nguồn cung cấp heli có thể cạn kiệt.
Với tốc độ khai thác hiện tại, Hiệp hội Hóa học Mỹ (ACS) nhận định, nguồn cung khí heli có thể cạn trong thế kỷ tới. Đây là một vấn đề đáng chú ý vì heli đóng vai trò quan trọng đối với nhiều ngành công nghiệp. Loại khí này là giải pháp không thể thay thế đối với một số trang thiết bị y tế như máy chụp cộng hưởng từ (MRI).
Theo Giáo sư Barry Prentice đến từ Đại học Manitoba (Canada), hydro bắt đầu được sử dụng lại trong vận hành khí cầu. Nhờ sự tiến bộ của khoa học và công nghệ, loại khí này đã trở nên an toàn hơn.
Cục Hàng không liên bang Mỹ (FAA) đưa hydro vào danh sách khí nâng không phù hợp trong tiêu chí chứng nhận khí cầu. Tuy nhiên, quy định cập nhật năm 2022 của Cơ quan an toàn hàng không châu Âu (EASA) cho phép sử dụng mọi loại khí nâng, miễn là các rủi ro liên quan có thể được giải quyết và giảm thiểu thỏa đáng.
Những công ty lựa chọn khí heli tuyên bố, khối lượng cần thiết của loại khí này cho khí cầu là tối thiểu nếu so với nguồn cung. Mỗi khí cầu có thể chứa đầy 180.000 m3 khí heli. Với 160 triệu m3 được khai thác trên toàn cầu vào năm 2021, mỗi khí cầu chỉ chiếm khoảng 0,1% sản lượng heli hằng năm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.