Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khát vọng và tầm nhìn Hà Nội

Thế Nguyên| 27/06/2020 15:23

(HNMO) - "Hợp tác", "phát triển" vừa là thông điệp, vừa là hướng đi để Hà Nội phát huy vị thế của mình, lan tỏa động lực cho các tỉnh, thành phố của cả nước, và hơn thế, trên tiến trình phát triển, tự tin định vị mình là một trong những trung tâm của khu vực Đông Nam Á và Đông Á...

Ảnh minh họa

1. Phát biểu tại Hội nghị "Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và phát triển", Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao nỗ lực, quyết tâm vượt bậc và những thành quả quan trọng mà thành phố đã đạt được, đồng thời gợi mở: Hà Nội ngày nay không nên chỉ khiêm tốn với vai trò trung tâm đầu não về chính trị, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa của Việt Nam. Trong dòng chảy hơn 1.000 năm lịch sử, ở thời đại Hồ Chí Minh, Hà Nội cần được định nghĩa là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của Đông Nam Á. Đến năm 2045, khi Việt Nam ở vị thế nước phát triển, Hà Nội phải đạt tầm nhìn là một trong những trung tâm của Đông Á như khát vọng hùng cường của dân tộc ta.

Mong muốn, kỳ vọng đó của người đứng đầu Chính phủ, bộc bạch qua một hội nghị quan trọng hàng đầu của Hà Nội, với sự tham dự của hơn 1.800 đại biểu, bao gồm hơn 1.300 nhà đầu tư trong và ngoài nước, cũng chính là mong muốn, khát vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô.

Như Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đã phát biểu: Phát huy truyền thống nghìn năm văn hiến, anh hùng, Thành phố Vì hòa bình, Hà Nội quyết tâm phấn đấu xây dựng thành phố xanh, giàu đẹp, văn minh, hiện đại; đến năm 2025, trở thành thành phố có năng lực cạnh tranh cao trong nước và khu vực; đến năm 2030, trở thành thành phố có năng lực cạnh tranh quốc tế; đến năm 2045, trở thành thành phố của nước Việt Nam phát triển, thành phố toàn cầu có thu nhập cao. 

2. Đây là lần thứ tư, Hội nghị "Hà Nội - Hợp tác đầu tư và phát triển" được tổ chức. Thành công của hội nghị, với việc thành phố đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho 229 dự án, tổng số vốn 405.570 tỷ đồng (tương đương 17,6 tỷ USD) với số vốn tăng thêm 270.458 tỷ đồng, bổ sung động lực quan trọng, một nền tảng vững chắc cho Hà Nội trên chặng đường phát triển, hiện thực hóa khát vọng và tầm nhìn của mình. 

Không chỉ chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng cho sự kiện mà như cách nói của Thủ tướng, “diễn ra trong 4 tiếng nhưng chuẩn bị mất hơn 4 tháng”, "hợp tác", "phát triển" đã trở thành một thông điệp, tinh thần lan tỏa và thấm sâu trong đời sống kinh tế - xã hội, trong mối quan hệ giữa thành phố Hà Nội với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, không phân biệt đó là "đại bàng" hay "chào mào, chim sẻ"... Hội nghị cũng nhằm thực hiện "nhiệm vụ kép", vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời là sự tiếp nối quá trình bền bỉ, liên tục thành phố thực hiện đồng bộ các biện pháp nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện chất lượng môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư, mời gọi "các cổ đông" cùng chung tay phát triển Hà Nội. 

Nhìn rộng hơn, bình quân giai đoạn 2016-2019, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội của thành phố đạt 1,74 triệu tỷ đồng. Từ năm 2016 đến nay, thành phố đã thu hút được 24,8 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Năm 2018-2019, Hà Nội dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI. Từ năm 2016 đến tháng 6-2020, có khoảng 125 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, chiếm 37,4% tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn điều lệ là 1,396 triệu tỷ đồng. Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề bởi tác động của đại dịch Covid-19, nhưng 6 tháng đầu năm 2020, Hà Nội có 12.650 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, số vốn đăng ký 175 nghìn tỷ đồng, tăng 9% số vốn so với cùng kỳ. Thu hút vốn FDI đạt 4 tỷ USD. 

 Ảnh: Nhật Nam

Thủ đô Hà Nội tiếp tục khẳng định vị thế là điểm đến đầu tư hấp dẫn và an toàn với thông điệp được lãnh đạo thành phố nhiều lần nhấn mạnh: Hà Nội sẵn sàng chào đón và hợp tác với các nhà đầu tư, các cá nhân, tổ chức, các tỉnh, thành phố trong nước, các quốc gia, vùng lãnh thổ... để cùng phát triển bền vững. 

Đó chính là những bước đi cụ thể, bài bản, là cả quá trình bền bỉ, căn cơ nhằm hiện thực hóa khát vọng và tầm nhìn Hà Nội trong tương lai. 

Tất nhiên, khó khăn và cả thách thức vẫn còn nhiều, như chất lượng tăng trưởng chưa cao, môi trường đầu tư được cải thiện nhưng chưa thật sự hấp dẫn nhà đầu tư tầm cỡ quốc tế; cải cách hành chính còn nhiều trở ngại, sự cộng đồng trách nhiệm trong thực thi công vụ còn chưa thực sự đồng bộ và hiệu quả… Nhắc nhở của người đứng đầu Chính phủ, phản ánh của nhà đầu tư tại hội nghị chính là những vấn đề thực tế đặt ra và đã được lãnh đạo thành phố cam kết giải quyết một cách mạnh mẽ.

3. Gần 1.010 năm trước, trong Chiếu dời đô, Lý Thái Tổ đã chỉ rõ cái thế "rồng cuộn, hổ ngồi" của kinh đô Thăng Long xưa, Thủ đô Hà Nội hôm nay. Thăng Long không chỉ là cái tên, một định danh, mà hàm chứa cả khát vọng và tầm nhìn: Khát vọng bay lên, tầm nhìn về tương lai hùng cường, thịnh vượng.

Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia; là trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước. Hà Nội là trái tim của cả nước, cả nước hướng về Hà Nội. Vị trí đặc biệt, thiêng liêng đó đã được "điển chế" trong luật và khắc sâu trong tình cảm mỗi người dân. "Hợp tác", "phát triển" vừa là thông điệp, vừa là hướng đi để Hà Nội phát huy vị thế của mình, lan tỏa động lực cho các tỉnh, thành phố của cả nước với tinh thần "Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội", và hơn thế, trên tiến trình phát triển, tự tin định vị mình là một trong những trung tâm của khu vực Đông Nam Á và Đông Á...

Thành công của "Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và phát triển" phát huy, khai mở các nguồn lực cho sự phát triển của Thủ đô, minh chứng cho nỗ lực, hiệu quả trong cải thiện môi trường đầu tư của thành phố thời gian qua nói chung, bối cảnh thực hiện "mục tiêu kép" nói riêng. Chính thông điệp và tầm nhìn từ hội nghị này mang đến cho chúng ta kỳ vọng về quá trình hiện thực hóa mong muốn của tiền nhân từ hơn 1.000 năm trước - khát vọng của Hà Nội hôm nay. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khát vọng và tầm nhìn Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.