Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khát vọng thống nhất non sông

Lệ Hằng| 02/05/2012 08:11

(HNMCT) - Lần đầu tiên đến với Quảng Trị, tôi thật sự ấn tượng bởi màu cát trắng chói chang cùng những hàng bia mộ san sát dưới những cội phi lao cằn cỗi ven quốc lộ 1, quanh những làng mạc, khu dân cư...Có cảm tưởng ở nơi đây, sự sống và cái chết không hề cách biệt.

Bãi biển Cửa Tùng. Ảnh Internet


Trải qua những năm tháng khốc liệt của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, mỗi nắm đất ở Quảng Trị đều thấm máu của các anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống vì độc lập-tự do của dân tộc. 21 năm là tuyến lửa, ở Quảng Trị đã xuất hiện hàng loạt kỳ tích oai hùng cùng nhiều địa danh lừng lẫy chiến công, biểu tượng cho chí khí quật cường, quả cảm và niềm tự hào lớn lao của cả dân tộc.

Đặc biệt, với vị trí trọng yếu về địa chính trị, dịa quân sự, sau khi Hiệp định Giơ ne vơ được ký kết, lấy vĩ tuyến 17 và con sông Bến Hải làm giới tuyến quân sự tạm thời, nơi đây đã trở thành nỗi đau chia cắt, khát vọng thống nhất non sông của hai miền Nam-Bắc...

Cuộc đụng đầu lịch sử

Nằm ở địa đầu của hai miền Nam-Bắc, Quảng Trị được 3 lần lịch sử chọn làm thủ phủ. Gắn liền với lịch sử của dân tộc, Quảng Trị được coi là trọng trấn, là trấn biên phía Nam của Tổ quốc, là tiêu điểm ác liệt nhất của cuộc chiến chống xâm lăng. Từ bao đời nay, thiên nhiên khắc nghiệt cùng với những cuộc chiến tranh ác liệt diễn ra trên quê hương đã hun đúc cho người Quảng Trị những phẩm chất đặc thù đáng quý. Ý thức tin tưởng vào ngày mai ''còn da lông mọc, còn chồi nẩy cây'' đã trở thành nền tảng sức mạnh cho người Quảng Trị vượt lên tất cả và chiến thắng.

Trong công cuộc chống Mỹ cứu nước, Quảng Trị trở thành nơi diễn ra cuộc đụng đầu lịch sử giữa một bên là CNXH và độc lập dân tộc với một bên là các thế lực xâm lược, đứng đầu là đế quốc Mỹ; là nơi đọ sức quyết liệt giữa giữa thế lực cách mạng và phản cách mạng...Coi Quảng Trị là trọng điểm bình định ''tái thiết chế độ mới'' nên địch ra sức tuyển dụng, xây dựng bộ máy ngụy quân, ngụy quyền với những phần tử cực kỳ phản động, thẳng tay đàn áp, khủng bố phong trào đấu tranh đòi tự do dân chủ, thực hiện hiếp thương tổng tuyển cử, thống nhất Tổ quốc. Chúng đã xây dựng Quảng Trị trở thành hệ thống căn cứ quân sự liên hoàn, vững chắc, hòng tạo bàn đạp để tiến công miền Bắc XHCN và ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc vào miền Nam. Do đó, chiến tranh đã diễn ra vô cùng ác liệt, Quảng Trị trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã trở thành một chiến trường rất quan trọng, có ý nghĩa chiến lược cả về quân sự, chính trị, ngoại giao...đối với miền Nam nói riêng và cả nước nói chung.

Sau thất bại nặng nề của địch trên các chiến trường ba nước Đông Dương trong 2 năm 1970-1971, tháng 8/1971, Bộ Chính trị ra Nghị quyết mở cuộc tiến công chiến lược năm 1972 trên các hướng Đông Nam bộ, Trị-Thiên, Tây Nguyên; trong đó, lấy chiến trường Trị-Thiên làm hướng tấn công hết sức quan trọng. Quân ủy TƯ chỉ rõ: Chiến dịch Trị-Thiên là một chiến dịch quy mô lớn, một chiến dịch hợp đồng binh chủng, chiến dịch tổng hợp cả quân sự và chính trị. Quân ủy TƯ quyết định thành lập Đảng ủy và Bộ Tư lệnh (BTL) chiến dịch Trị-Thiên 1972 (BTL 702) do đồng chí Lê Trọng Tấn là Tư lệnh, đồng chí Lê Quang Đạo làm Chính ủy; các đồng chí: Hồ Sỹ Thản (Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị), Trần Đồng (Bí thư Khu ủy Vĩnh Linh) được chỉ định tham gia chiến dịch.

Chấp hành mệnh lệnh của Quân ủy TƯ, ngày 24/3/1972, Đảng ủy BTL 702 đã vạch kế hoạch chiến dịch với quyết tâm trong khoảng 20-25 ngày tấn công tiêu diệt cho được từ 4-5 trung đoàn địch, phá vỡ tuyến phòng thủ, nhanh chóng đột phá thọc sâu vào lực lượng địch, đánh tập trung, hiệp đồng binh chủng quy mô lớn, thực hiện quần chúng nổi dậy giành quyền làm chủ, giải phóng Quảng Trị, sau đó tiếp tục phát triển vào hướng Thừa Thiên.

Đúng 11h30' ngày 30/3/1972, lệnh tấn công Quảng Trị được phát ra. Cả mặt trận lao vào chiến dịch. Các cơ sở pháo của ta từ nhiều hướng ở Vĩnh Linh, trân địa miền Tây...bắn mãnh liệt vào các cứ điểm 54, Đồi Tròn, Đầu Mầu, Ba Hồ, Động Toàn, Quán Ngang, Nhĩ Trung, Dốc Miếu, Cồn Tiên, Ái Tử, La Vang...Tất cả 12 căn cứ pháo của địch đều chìm trong biển lửa, dìm đầu quân địch, tạo điều kiện cho bộ binh và xe tăng ta áp sát mục tiêu.

Ngày 30/3/1972, ta diệt các căn cứ địch ở điểm cao 288, 365, Đồi Tròn, vị trí An Nha, đánh thiệt hại nặng lữ đoàn 147 thủy quân lục chiến ngụy.

Ngày 31/3 và 1/4/1972, ta đánh chiếm 2 căn cứ quan trọng của địch là Động Toàn, Ba Hồ, diệt gần hết tiểu đoàn thủy quân lục chiến ngụy, tiêu diệt tiẻu đoàn 3 trung đoàn 6 của ngụy. Sáng ngày 2/4/1972, ta tiến công căn cứ Tân Lâm, căn cứ sở chỉ huy trung đoàn 56 của ngụy...Và đến sáng ngày 27/4/1972, trong lúc địch còn hoang mang, dao động, ta tiến công đợt 2 bằng các trận pháo kích lên các cứ điểm phòng ngự và co cụm của địch ở Đông Hà và La Vang. Sư đoàn 308 được xe tăng, pháo binh, tên lửa yểm trợ đã tấn công từ 3 huớng, tổng công kích vào cứ điểm Đông Hà; đến 15h30' ngày 28/4/1972, ta giải phóng thị xã Đông Hà, đánh sập cầu Lai Phước, chặn đường chi viện của địch.

Sáng ngày 30/4/1972, sau đợt bắn phá hỏa điểm địch, các lực lượng đánh tràn qua sân bay, xông thẳng vào căn cứ Ái Tử chiếm kho xăng và sở chỉ huy sư đoàn 3. Đúng 14h ngày 30/4, quân ta hoàn toàn làm chủ Ái Tử, cờ giải phóng tung bay trên đài chỉ huy sân bay. Ngày 1/5/1972, trung đoàn 9, sư đoàn 304 tiến vào thị xã Quảng Trị, cắm cờ vinh quang của Tổ quốc lên Toà hành chính Quảng Trị, đánh dấu một mốc son vẻ vang trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc.

Sâu nặng nghĩa tình

Là tỉnh đầu tiên của miền Nam được giải phóng, song Quảng Trị còn phải trải qua 81 ngày đêm đẫm máu chống địch tái chiếm, giữ vững vùng giải phóng, bảo vệ Thành cổ...mới cùng cả nước đi đến thắng lợi hoàn toàn. Trải qua hai cuộc kháng chiến cứu nước vĩ đại của dân tộc, lịch sử đã để lại trên mảnh đất Quảng Trị một hệ thống di tích lịch sử cách mạng có giá trị tiêu biểu, mang tầm vóc quốc gia và quốc tế như: Quần thể di tích đường Trường Sơn, tuyến du lịch vùng phi quân sự DMZ, cụm di tích Thành cổ Quảng Trị, khu di tích đôi bờ Hiền Lương, địa đạo Vĩnh Mốc, sân bay Tà Cơn, nhà tưởng niệm cố Tổng Bí thư Lê Duẩn....

Song, cuộc chiến tranh ác liệt, kéo dài ngót 30 năm cũng để lại cho mảnh đất này những hậu quả hết sức nặng nề. Tính đến nay, Quảng Trị có 1.035 Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng; 20.836 người có công với cách mạng. Đặc biệt, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có tới 72 nghĩa trang liệt sỹ với khoảng 53 nghìn mộ, trong đó có 2 Nghĩa trang quốc gia là Nghĩa trang Trường Sơn và Nghĩa trang Đường 9. Dễ hiểu vì sao trong những ngày tháng Tư lịch sử, Quảng Trị đã trở thành điểm du lịch tâm linh sôi động của cả nước và là chốn đi về của các hoạt động uống nước nhớ nguồn diễn ra ngày càng sâu rộng và hiệu quả thiết thực.

Theo thống kê của sở LĐTB&XH tỉnh Quảng Trị, trong vòng 15 năm (1995-2010), toàn tỉnh đã huy động được gần 68,636 tỷ đồng cho công tác đền ơn đáp nghĩa. Trong đó, đã xây mới được 2.887 ngôi nhà tình nghĩa trị giá gần 44,577 tỷ đồng; hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 1.592 căn nhà tình nghĩa trị giá trên 7,865 tỷ đồng; tặng 5.849 sổ tiết kiệm tình nghĩa với số tiền 1,646 tỷ đồng cho các gia đình chính sách gặp khó khăn...Riêng trong năm 2011, Quảng Trị cũng đã huy động được 5,522 tỷ đồng cho Quỹ đền ơn đáp nghĩa; xây mới và sủa chữa gần 300 ngôi nhà tình nghĩa cho các gia đình chính sách. Các chưong trình mục tiêu xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, chính sách đối với đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa được quan tâm và tập trung giải quyết... Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm xuống còn 17,2%.

Tuy nhận được sự quan tâm của cả nước và bằng sự phát huy nội lực để thoát nghèo, song đến nay, đời sống của một bộ phận người dân Quảng Trị vẫn còn rất khó khăn, đặc biệt là ở những hộ gia đình neo đơn, gia đình chính sách...rất cần sự chung tay của toàn xã hội. Nằm trong các hoạt động kỷ niệm 40 năm giải phóng tỉnh Quảng Trị (1/5/1972-1/5/2012), Đảng ủy, Ban Biên tập, Hội CCB báo Hànộimới đã cử các đoàn công tác về thăm lại chiến trường xưa, hoạt động nghĩa tình, tặng quà cho các gia đình chính sách nghèo...

Hôm chúng tôi đến thăm, tặng quà cho các gia đình thương binh nặng tại TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị, mọi người đều không cầm được nước mắt. Anh Nguyễn Sỹ Bốn, thương binh 3/4, bị nhiễm chất độc da cam hiện sống tại khu phố 9, phường Đông Lễ, TP Đông Hà là một ví dụ. Nhập ngũ năm 1972, từng chiến đấu ở chiến trường Đông Nam bộ, sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, anh Bốn trở về Đông Hà xây dựng gia đình, xây dựng quê hương. Tưởng được hạnh phúc sum vầy sau bao nhiêu năm chiến tranh, song với anh, nỗi đau vẫn còn hiện hữu.

Do bị di chứng của chất độc da cam, vợ chồng anh sinh được 6 người con thì 3 đứa đã bị chết từ lúc mới sinh; 1 đứa học rất giỏi, vào được ĐH Bách Khoa Sài Gòn thì đến nay chất độc tái phát, phải nằm điều trị tại bệnh viện Chợ Rẫy; 1 đứa bị mù 2 mắt, hiện không có khả năng lao động và 1 đứa con gái học cấp 2, đang còn lành lặn và là niềm hy vọng duy nhất của cả gia đình. Anh Nguyễn Minh Tứ, Phó Tổng Biên tập báo Quảng Trị đi cùng đoàn chúng tôi kể, những người có hoàn cảnh như anh Nguyễn Sỹ Bốn ở Quảng Trị hiện còn rất nhiều. Vì thế, rất cần có những tấm lòng của đồng bào cả nước hướng về Quảng Trị để tri ân và góp phần xoa dịu nỗi đau...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khát vọng thống nhất non sông

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.