(HNM) - Từ đỉnh thiêng Nghĩa Lĩnh, người con nước Việt dâng nén tâm hương, tri ân công đức các Vua Hùng có công dựng nước và các bậc tiền nhân có công giữ nước.
Ngày Giỗ Tổ 10 tháng Ba là dịp người Việt bốn phương về Đền Hùng tri ân công đức tổ tiên. |
Để hôm nay, trong mỗi chúng ta đều thấy tự hào vì cùng được sinh ra từ lòng mẹ Âu Cơ, chung nghĩa "đồng bào". Quốc Giỗ - thiêng liêng và cao cả, nhắc nhở những người cùng dòng máu Tiên Rồng luôn nhớ về nguồn cội, hiểu về sức mạnh đoàn kết của dân tộc, từ đó nuôi dưỡng khát vọng xây dựng nước Việt Nam trường tồn, cường thịnh.
Điểm tựa tinh thần
Trong đời sống tâm linh của người Việt, Vua Hùng có công mở nước, dựng làng, trở thành ông Tổ của cả nước. Trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước trải suốt hàng nghìn năm, người Việt Nam lấy biểu tượng Vua Hùng làm điểm tựa tinh thần và đức tin thiêng liêng để chiến thắng thiên tai, thắng giặc ngoại xâm, bảo vệ giang sơn bờ cõi. Vì vậy, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có vị trí đặc biệt, vừa thiêng liêng vừa cụ thể trong đời sống tâm linh và tình cảm của người Việt Nam.
Uống nước nhớ nguồn, hơn 90 triệu con Lạc cháu Hồng đã lập hơn 1.400 di tích thờ cúng các Vua Hùng và nhân vật liên quan đến thời đại Hùng Vương đã có công khai sơn phá thạch, chống giặc ngoại xâm, lập nên Nhà nước Văn Lang. Lễ hội Đền Hùng - Giỗ Tổ Hùng Vương chính là điểm tựa tinh thần, cầu nối quá khứ với hiện tại, làm nên sức mạnh vật chất và sức mạnh đoàn kết trong suốt hành trình dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Năm 2012, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Lễ hội Đền Hùng trở thành một trong những lễ hội mẫu của cả nước và là nơi thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương cao nhất của người Việt.
Sức mạnh thời đại Hồ Chí Minh
Có những sự kiện lịch sử ý nghĩa liên quan đến Giỗ Tổ Hùng Vương. 70 năm trước - năm 1946, chính quyền cách mạng tổ chức Giỗ Tổ, cụ Huỳnh Thúc Kháng thay mặt Chính phủ về dự. Khi lễ Tổ, cụ Huỳnh Thúc Kháng đã dâng hai vật báu là thanh gươm và tấm bản đồ Việt Nam, cẩn cáo Vua Hùng, bày tỏ ý chí của Chính phủ và nhân dân ta quyết chống giặc ngoại xâm đến cùng để giữ trọn từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc và cầu cho quốc thái, dân an, thiên hạ thái bình.
Ngày 19-9-1954, sau khi kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gặp gỡ cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Quân Tiên phong tại Đền Hùng. Câu nói bất hủ của Người: "Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước" đã trở thành chân lý của dân tộc và của thời đại Hồ Chí Minh.
Thi làm bánh giầy tại lễ hội Đền Hùng. |
Dựng nước đã khó, giữ nước còn gian khó gấp bội phần. Giữ lấy nước chính là giữ cho đất nước thái bình trường tồn, cường thịnh, sánh vai cường quốc năm châu - như mong ước của Bác Hồ. Dưới ngọn cờ của Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại và bằng sức mạnh đại đoàn kết, nhân dân ta đã "rũ bùn đứng dậy sáng lòa", làm nên những thắng lợi thần kỳ, thu giang sơn về một mối.
Thành tựu có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo trong 30 năm qua đã làm diện mạo đất nước thay đổi rõ rệt… Tất cả đã chứng minh chân lý: Đoàn kết là sức mạnh nội sinh, càng khó khăn thử thách càng đòi hỏi tinh thần đoàn kết, vượt lên. Và, càng khó khăn gian khổ bao nhiêu thì giá trị hiện thực của sức dân, sức nước, của truyền thống nhân văn cao cả vốn được nuôi dưỡng, kết tinh từ lòng mẹ Âu Cơ càng rực rỡ hơn bao giờ hết!
Khát vọng một Thủ đô phồn thịnh
Là Thủ đô của cả nước, Hà Nội đã giành được những thành tựu to lớn trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng, trong xây dựng và phát triển Thủ đô văn minh, hiện đại. Thủ đô đã phát huy sức mạnh đoàn kết của nhân dân, từ đó xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, nâng cao hiệu lực quản lý của các cấp chính quyền, tạo sự đồng thuận giữa Đảng với dân để hướng tới mục tiêu - khát vọng xây dựng Thủ đô hiện đại, xứng đáng là "trái tim", là "đầu tàu" của cả nước trên mọi lĩnh vực và ngày càng phồn thịnh - như mong muốn của Bác Hồ.
Từng năm một, chọn đúng điểm nhấn để bứt phá, tăng tốc, huy động tất cả nguồn lực của thành phố, của cả nước, Thủ đô Hà Nội đã vươn tầm cao mới, sáng đẹp thêm lên qua mỗi ngày. Từng năm một, công tác quy hoạch, quản lý xây dựng theo quy hoạch, quản lý trật tự đô thị, bảo đảm an toàn giao thông được thực hiện đồng bộ và hiệu quả. "Năm kỷ cương hành chính 2013" đã tạo ra chuyển biến rõ rệt. "Năm trật tự văn minh đô thị" 2014-2015 và trong năm 2016 này tiếp tục được Hà Nội lựa chọn thực hiện với quyết tâm chính trị cao: Tập trung chỉ đạo quyết liệt, phát huy nếp sống văn minh, thanh lịch của người Thủ đô và bồi đắp thêm những giá trị văn hóa mới, tạo chuyển biến mạnh mẽ và tỏ rõ một Thủ đô tràn đầy năng lượng và sức sống.
Trên con đường đổi mới và hội nhập kinh tế thế giới, ý thức bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa quý báu của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trong đời sống đương đại cần thiết hơn bao giờ hết. Bởi lịch sử như một dòng chảy liên tục, trải mấy nghìn năm, qua biết bao thăng trầm nhưng trong tâm thức của cả dân tộc, Đền Hùng luôn là nơi con cháu muôn phương trở về chiêm bái, phụng thờ công đức tổ tiên. Để từ điểm tựa tâm linh thiêng liêng ấy, chúng ta có thêm niềm tin vào sức mạnh cộng đồng thực hiện sự nghiệp đổi mới, giữ vững chủ quyền, độc lập của quốc gia, dân tộc; xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng trường tồn, cường thịnh, "Giang sơn nghìn thuở vững âu vàng".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.