(HNM) - Ở Bộ Tư lệnh Thủ đô, có khoảng 600 sĩ quan trẻ tuổi đời từ 35 trở xuống (chiếm gần 40%). Đội ngũ sĩ quan trẻ của Bộ Tư lệnh Thủ đô được đào tạo cơ bản qua các học viện, trường sĩ quan, được sắp xếp đúng cương vị, trong đó sĩ quan chỉ huy chiếm 57%, sĩ quan chính trị 28% còn lại là sĩ quan hậu cần, kỹ thuật chuyên môn khác.
Đại tá Nguyễn Xuân Hà - Phó Chủ nhiệm Chính trị, Bộ Tư lệnh Thủ đô cho biết: "Mặc dù các sĩ quan trẻ đều có bản lĩnh chính trị nhưng cũng không thể tránh khỏi những băn khoăn, so sánh thiệt hơn giữa đời sống trong quân ngũ với các ngành nghề khác. Trong hoàn cảnh đóng quân tại một đô thị lớn như Hà Nội thì cuộc sống vật chất, tinh thần ngoài xã hội có tác động rất nhanh và sâu tới anh em. Hơn ai hết, chúng tôi hiểu những tác động này và chia sẻ băn khoăn với anh em bằng cách động viên kịp thời, giúp anh em thấy được vinh dự, trách nhiệm của mình đối với Tổ quốc, với Đảng, với nhân dân…".
Sĩ quan trẻ Trường Quân sự (Bộ Tư lệnh Thủ đô) trong giờ học thực hành trên mô hình. Ảnh: Bá Hoạt |
Trước thực tế của công việc và cuộc sống, các sĩ quan trẻ quan tâm nhiều đến việc bố trí sử dụng cán bộ cũng như trách nhiệm đặt ra đối với bản thân. Trung úy Nghiêm Văn Quân, Trường Quân sự, đánh giá: Yêu cầu, nhiệm vụ của sĩ quan trẻ hiện có bước phát triển cao hơn trước đây. Ví dụ, trình độ của chiến sĩ hiện nay cao hơn, nên phần lớn sĩ quan trẻ cũng phải tự "nâng tầm" mới đủ sức hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, Quân cũng thừa nhận vẫn còn một bộ phận sĩ quan trẻ "ngại học, ngại rèn, mải chơi, dựa dẫm, ỷ lại". Thượng úy Nguyễn Trung Thuận, Tiểu đoàn Kiểm soát quân sự 103, có quan điểm: "Chiến sĩ trẻ khi mới ra trường thường vấp phải nhiều khó khăn như công việc mới, cương vị mới nên việc vận dụng kiến thức trong nhà trường vào thực tiễn huấn luyện, quản lý bộ đội tại đơn vị đương nhiên khó tránh khỏi những bỡ ngỡ nhất định. Hơn nữa ở Thủ đô, giá cả mọi thứ đều cao trong khi thu nhập lại có hạn đã ảnh hưởng đến việc tìm hiểu, giao tiếp với môi trường xung quanh trong khi tuổi trẻ thì việc giao tiếp với bạn bè là nhu cầu rất cần thiết; việc hòa nhập với cấp trên trong thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt là chưa có nhiều kinh nghiệm làm công tác tư tưởng trong quản lý bộ đội. Tất cả những điều đó phần nào cũng tác động đến tâm tư của đội ngũ sĩ quan trẻ…".
Thiếu tướng Lê Hùng Mạnh, Chính ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô khẳng định, để giải quyết được các vấn đề mà sĩ quan trẻ đang quan tâm hiện nay cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị ở tầm quốc gia. Cùng với việc nỗ lực tháo gỡ dần những khó khăn của cấp ủy, chỉ huy các cấp, thì bản thân mỗi sĩ quan trẻ cần nâng cao bản lĩnh, sức sáng tạo của người trẻ, vượt khó, không ngừng vươn lên tu dưỡng bản thân, tích cực nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao... Đó là con đường duy nhất để mỗi sĩ quan trẻ cống hiến và trưởng thành.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.