Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khát vọng chặng đường mới...

Hồng Sơn| 15/02/2021 13:43

(HNM) - Như vậy là đất nước đã đi qua một năm vất vả, đầy khó khăn, đối diện nhiều thách thức, trong đó chủ yếu do đại dịch Covid-19 gây ra. Những thiệt hại là rất lớn, xảy đến với hầu hết ngành và lĩnh vực, đời sống của người dân bị ảnh hưởng trên diện rộng... Nhưng cũng ở thời điểm trước thềm Xuân Tân Sửu, chúng ta hoàn toàn có quyền tự hào, hãnh diện về những gì đã vượt qua và làm được bằng bản lĩnh và quyết tâm, là hành trang bước vào năm mới 2021 với niềm tin, sự đồng lòng và khát vọng lớn hơn.

Ảnh: Trần Anh

Duy trì tốt vị thế “ngôi sao đang lên”

Năm 2020 vừa qua, dịch Covid-19 đã đẩy cộng đồng doanh nghiệp vào tình thế khó khăn, bất lợi chưa từng có bởi sự đứt quãng nguồn cung và thu hẹp về thị trường tiêu thụ; những ngành bị thiệt hại rất lớn là du lịch, hàng không, dệt may... Trước tình hình đó, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã vào cuộc, với tinh thần sâu sát, đồng hành cùng doanh nghiệp, vì người lao động.

Có thể nói, những gì có thể làm được, vận dụng được nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đều đã được đưa ra bàn thảo trong các nghị trình của các cấp, ngành. Cứ thế, từng bước liên tục, các giải pháp từ cải cách thể chế đến giảm thiểu và rút ngắn thời gian thực hiện nghĩa vụ thuế, hải quan, giảm lãi suất, hoãn một số nghĩa vụ cho doanh nghiệp đã đến với các đơn vị sản xuất, kinh doanh. Đó cũng là sự hỗ trợ, góp phần giảm bớt khó khăn cho người lao động.

Trên thực tế, các doanh nghiệp cũng xác nhận chất lượng môi trường kinh doanh vẫn trên đà cải thiện trong khi Việt Nam duy trì tốt vị thế “ngôi sao đang lên” trong mắt đối tác, nhà đầu tư quốc tế. Nhiều tập đoàn, công ty lớn, tầm vóc thế giới đang tìm đến Việt Nam để hiện thực hóa giấc mơ kinh doanh, vì tiềm năng, nhất là quy mô thị trường cùng khả năng chống chịu của nền kinh tế trước những diễn biến bất lợi đã được khẳng định. Hơn 60% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam xác nhận sẽ tiếp tục mở rộng quy mô hoạt động, trong khi giới đầu tư châu Âu như Đức, Pháp… hay Mỹ chung nhận định Việt Nam là điểm đến hấp dẫn cho việc dịch chuyển dòng vốn; dựa trên cơ sở có mức độ an toàn hơn hẳn so với các khu vực khác trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục hoành hành.

Năm 2020 còn đi vào lịch sử vì thành tích xuất khẩu ấn tượng, với tổng kim ngạch 281,5 tỷ USD và mức xuất siêu hơn 19,1 tỷ USD. Như vậy, nước ta lại ghi dấu ấn đậm nét khi đạt thặng dư lớn trong quan hệ giao thương quốc tế. Ngày càng nhiều con tôm, con cá, hạt gạo, quần áo, máy tính và điện thoại thông minh “Made in Vietnam” đã đến tay người tiêu dùng nước ngoài, kể cả những thị trường khó tính nhất như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản...

“Thân thiện, an toàn và đầy tiềm năng” là cụm từ được giới đầu tư - kinh doanh nhắc nhiều lần về Việt Nam trong năm 2020 và điều đó thể hiện tầm vóc, uy tín của đất nước đang tiếp đà tăng tiến dù trong hoàn cảnh bất lợi. Điều này cũng được thể hiện qua những phát biểu ấn tượng của Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về khát vọng một tương lai hùng cường của đất nước, đi lên từ tổng hòa các nguồn lực, tận dụng cơ hội cũng như đồng hành cùng làn sóng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi số toàn cầu; đặc biệt là cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do mang lại.

Cụm từ “đổi mới thể chế kinh tế” luôn được nhắc đến, là yêu cầu và cũng để thúc giục các cấp, các ngành trong cả năm 2020, để hậu thuẫn cho phong trào khởi nghiệp trên diện rộng, làm bệ đỡ nuôi dưỡng khát vọng vươn lên, vươn xa của cộng đồng doanh nghiệp. Dù gặp khó khăn nhưng "bức tranh" doanh nghiệp vẫn sáng hơn qua từng tháng, từng quý khi cả nước đón nhận khoảng 135 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Rõ ràng, chất lượng môi trường kinh doanh, hiệu quả của các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đang đi vào cuộc sống, phát huy tác dụng. Thực tế trên cũng lý giải vì sao kết quả cải cách thể chế của hầu hết tỉnh, thành phố trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) gần đây đều có sự chuyển biến tích cực. Trong kết quả chung ấy, Hà Nội vẫn duy trì thứ hạng trong nhóm 10 địa phương dẫn đầu cả nước bên cạnh sự quyết tâm hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả, thiết thực hơn trong thời gian tới.

Sẵn sàng cùng bước vào chặng đường mới

Bắt nguồn từ sự đúng đắn trong điều hành, với những quyết sách phù hợp và kịp thời, Việt Nam đã duy trì tốt tốc độ tăng trưởng thông qua phục hồi kinh tế đều qua từng quý. Chủ trương kiên trì mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp từng bước mang lại kết quả đích thực và dư luận quốc tế đã phấn khích khi tiếp nhận thông tin Việt Nam trở thành nước hiếm hoi có thể duy trì mức tăng trưởng dương trong khi hầu hết phần còn lại của thế giới rơi vào cảnh suy giảm. Hơn thế, ngay đầu tháng cuối cùng của năm 2020, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã đưa ra dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng 2,3% thay vì 1,8% như dự đoán trước đó (thực tế, Việt Nam đạt

mức tăng trưởng GDP năm 2020 là 2,91%). Đây là điều thú vị khi một trong những tổ chức kinh tế hàng đầu công bố sự điều chỉnh ngoạn mục này, cho thấy sức vươn của nền kinh tế Việt Nam. Những yếu tố đầu vào được ADB viện dẫn là do Việt Nam tập trung đẩy mạnh đầu tư công, tiêu thụ trong nước cải thiện khá nhanh, xuất khẩu tốt... Đó cũng là những giải pháp mà Việt Nam đã làm khá thành công để bảo đảm “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch vừa hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, duy trì đà tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.

Những ngày cuối năm 2020 cho thấy tình hình đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp nhưng đã xuất hiện một số yếu tố quan trọng có thể mang lại sự lạc quan cho năm kế hoạch 2021. Đó là nhiều quốc gia triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người dân; một số khu vực, nền kinh tế lớn - đầu tàu của thế giới đều có kịch bản cho phục hồi và tăng trưởng; các gói hỗ trợ kinh tế và hướng vào doanh nghiệp sẽ được bung ra...

Trong bối cảnh đó, Việt Nam lại có cơ hội tái khẳng định vị thế là điểm đến cho đầu tư an toàn và thuận lợi nhờ môi trường kinh doanh được cải thiện liên tục theo hướng hội nhập và minh bạch; đơn giản hóa và thân thiện với doanh nghiệp. Đó là yếu tố cần và đủ, là bệ đỡ vững chắc để lan tỏa, phát huy những tiềm năng tổng hợp và cũng là cách triển khai thực hiện yêu cầu kêu gọi đầu tư phục vụ tăng trưởng.

Từ những gì đã đối diện, vượt qua, chúng ta đúc rút kinh nghiệm, củng cố niềm tin để đi tới ngày mai. Ngay thời điểm giã từ năm cũ, ta vẫn nghe tiếng máy âm vang trên công trường, nhiều dự án hạ tầng, khu du lịch tổng hợp đang hồi sinh và cả nước cũng tiếp tục đón nhận nhiều dự án mới triển khai để trở thành động lực bảo đảm quốc kế dân sinh trong tương lai gần.

Tin tưởng rằng, cùng với sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, cộng đồng các doanh nghiệp sẽ tận dụng tốt cơ hội, vượt qua khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng của đất nước. Năm mới Tân Sửu 2021 đang hiển hiện phía trước, với những vận hội mới. Việt Nam cùng thế giới xốc lại hành trang, nuôi dưỡng khát vọng, thể hiện bản lĩnh, sẵn sàng cùng nhau bước vào chặng đường mới với hy vọng mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khát vọng chặng đường mới...

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.