(HNMO) - Ngày 31-3, đoàn công tác của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia), Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thành phố Hà Nội (Ban Chỉ đạo 389/TP) làm việc với Ban Chỉ đạo 389 huyện Phú Xuyên; khảo sát một số làng nghề sản xuất giày da tại xã Phú Yên và làng nghề may mặc tại xã Vân Từ trên địa bàn huyện.
Theo Ban Chỉ đạo 389 huyện Phú Xuyên, lợi dụng tình hình dịch Covid-19 có những diễn biến phức tạp, việc hạn chế đi lại và nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao, các đối tượng đã thực hiện một số hành vi vi phạm pháp luật với nhóm mặt hàng chủ yếu như: Thực phẩm, thực phẩm chức năng, mặt hàng vật tư y tế, quần áo thời trang; trong lĩnh vực thương mại điện tử và dịch vụ bưu chính, chuyển phát hàng hóa, xuất hiện một số đối tượng có hành vi vi phạm buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Bên cạnh đó, các đối tượng buôn lậu tập trung vào các loại hàng hóa có giá trị cao, dễ cất giấu, như: Sản phẩm từ động vật hoang dã, ngoại tệ, mỹ phẩm, tân dược, thực phẩm chức năng, ma túy, điện thoại di động, các mặt hàng trang thiết bị, vật tư y tế thông qua các bưu kiện hàng hóa là quà tặng, quà biếu... được gửi từ nước ngoài về Việt Nam tiêu thụ. Kết quả, dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần, quý I-2022, lực lượng chức năng huyện đã kiểm tra 9 vụ, xử lý vi phạm hành chính 8 vụ, khởi tố 1 vụ. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính 17 triệu đồng. Trị giá hàng hóa tịch thu, tiêu hủy là 19 triệu đồng.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban Chỉ đạo 389 huyện Phú Xuyên Nguyễn Trọng Vĩnh cho biết, hiện nay, tình hình sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng giả mạo nhãn hiệu tại làng nghề của các xã Sơn Hà, Phú Yên và Châu Can đã giảm so với các năm trước. Thời gian tới, các ban, ngành, các xã, thị trấn tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra theo từng chuyên đề như: An toàn thực phẩm, xăng dầu, khí hóa lỏng, hàng nhập lậu, hàng giả, rượu…; chú trọng các địa bàn như xã Sơn Hà (may túi thời trang), xã Phú Yên, xã Châu Can sản xuất giày dép và các hộ kinh doanh túi xách thời trang trên địa bàn tiểu khu Thao Chính (thị trấn Phú Xuyên).
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia Trịnh Mạnh Cường đề nghị, thời gian tới, huyện thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm. Cụ thể, làm tốt công tác điều tra cơ bản, nắm tình hình theo lĩnh vực, địa bàn quản lý; chủ động xây dựng và thực hiện các biện pháp để đấu tranh có hiệu quả đối với hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; thường xuyên nhận diện các phương thức, thủ đoạn mới của các đối tượng lợi dụng để vi phạm...
Địa phương cũng cần chú trọng kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong kinh doanh hàng kém chất lượng và không bảo đảm an toàn thực phẩm; tăng cường kiểm tra, kiểm soát trên các tuyến giao thông, các kho hàng, các chợ, trung tâm thương mại tập trung buôn bán hàng hóa số lượng lớn nhằm ngăn chặn việc vận chuyển, tập kết hàng lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không bảo đảm an toàn thực phẩm...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.