Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khẳng định vị thế Việt Nam trên trường quốc tế

Đình Hiệp| 02/09/2015 06:54

(HNM) -Những thành tựu Việt Nam đạt được trong 70 năm qua không chỉ góp phần đưa nền kinh tế nước nhà phát triển vững mạnh mà còn khẳng định vị thế trên trường quốc tế. Đó là cảm nhận của một số người nước ngoài đang sống và làm việc tại Hà Nội mà phóng viên Báo Hànộimới ghi lại nhân Kỷ niệm 70 năm


Phó Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Jun Yanagi: Vị thế của Việt Nam đã được khẳng định



Lần đầu tiên tôi đến Hà Nội vào năm 1994 khi được tháp tùng Thủ tướng Murayama Tomichi sang thăm Việt Nam. Trở lại Việt Nam 20 năm sau với tư cách là một nhà ngoại giao, tôi thực sự ấn tượng trước sự phát triển của đất nước các bạn cũng như tính cách lôi cuốn không hề thay đổi của con người Việt Nam.

Tôi cũng thực sự ấn tượng với cảnh đẹp ở những khu phố cổ của Hà Nội. Nhật Bản đánh giá cao vai trò của Việt Nam, với tư cách là một quốc gia đóng góp cho sự ổn định của khu vực cũng như trong bảo đảm tính đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN. Nhật Bản tự hào được đóng góp cho sự thịnh vượng và phát triển của Việt Nam trong vòng 20 năm trở lại đây. Việt Nam là nước nhận Viện trợ phát triển chính thức (ODA) nhiều nhất của Nhật Bản, không chỉ trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng mà còn trong việc hỗ trợ người dân, chuyển giao công nghệ. Chúng tôi xác định sẽ tiếp tục hợp tác và phối hợp với Việt Nam trong các lĩnh vực này. Việt Nam ngày nay có vai trò ngày càng lớn trên toàn thế giới, chẳng hạn như các bạn là thành viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc và đã cử lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình. Bởi vậy, chúng tôi đánh giá cao vai trò ngày càng lớn của Việt Nam trên phạm vi lớn hơn.

Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Victoria Kwakwa: Việt Nam đóng góp vào hòa bình, ổn định ở khu vực



Kể từ khi tuyên bố Độc lập năm 1945, Việt Nam luôn chứng tỏ khả năng kháng cự trước các mối đe dọa từ bên ngoài (kể cả tầm vóc quốc tế và trong khu vực), các sức ép từ bên trong và khó khăn về kinh tế. Đặc điểm chủ yếu này cùng với phương pháp ngoại giao khôn khéo chính là cơ sở giúp tạo nên thành công vang dội của Việt Nam trong giai đoạn kể từ khi giành độc lập đến nay.

Vì vậy, có thể nói đóng góp của Việt Nam trước hết và trên hết là bảo đảm thành công hòa bình, ổn định và thịnh vượng cho chính mình. Trên mặt trận kinh tế Việt Nam đã đạt thành tựu tăng trưởng nhanh. GDP đã tăng từ 16 tỷ USD năm 1994 lên khoảng 186 tỷ USD năm 2014. Kết quả đó thực hiện được nhờ quá trình đổi mới đã giải phóng các ngành kinh tế chủ chốt và mở cửa đón đầu tư và thương mại quốc tế. Tăng trưởng kinh tế đã được chia sẻ cho nhiều tầng lớp, giúp đa số người dân thoát cảnh nghèo và tạo cơ sở vững chắc tiếp tục nâng cao thịnh vượng cho nhiều người dân hơn nữa. Tỷ lệ nghèo đã giảm từ 80% đầu những năm 1990 xuống dưới 10% hôm nay. Đây là một kỷ lục hiếm có và đáng ghen tị. Thành công của Việt Nam cũng đóng góp vào thịnh vượng trong khu vực thông qua thương mại và đầu tư; qua đó cũng đóng góp vào hòa bình và ổn định khu vực. Sự đóng góp tích cực của Việt Nam vào hòa bình, ổn định và thịnh vượng khu vực trong 70 năm qua là rõ ràng. Câu hỏi quan trọng là điều gì sẽ tiếp nối trong tương lai? Việt Nam sẽ tự định vị như thế nào để giữ một vai trò lớn hơn nữa đối với hòa bình, ổn định và thịnh vượng khu vực? Điều đó phải được bắt đầu từ những nỗ lực trong nước.

Giám đốc Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam Park Nark Jong: Việt Nam là thị trường đầu tư tiềm năng của khu vực



70 năm sau khi giành được độc lập, đặc biệt kể từ khi thực hiện công cuộc đổi mới, nền kinh tế Việt Nam đã có những bước phát triển nhanh chóng. Việt Nam đã trở thành một thị trường đầu tư tiềm năng của khu vực Châu Á, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trên thế giới, trong đó có Hàn Quốc. Kể từ khi Việt Nam - Hàn Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao (tháng 12-1992) đến nay, quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước không ngừng phát triển. Nếu đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam năm 1992 chỉ đạt 100 triệu USD, đến cuối năm ngoái đã đạt 37,2 tỷ USD. Trong chiến lược phát triển của Hàn Quốc tại Châu Á, Việt Nam là đối tác quan trọng hàng đầu. Hiện có khoảng 140.000 người Hàn Quốc sinh sống ở Việt Nam và khoảng 130.000 người Việt Nam sinh sống tại Hàn Quốc. Trong đó, có khoảng 60.000 cô dâu Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc và 65.000 người lao động Việt Nam đang làm việc tại Hàn Quốc. Vì thế, mối quan hệ giao lưu sôi nổi về mặt con người của hai quốc gia được hình thành dựa trên những điểm tương đồng về văn hóa - xã hội. Dựa trên những điểm tương đồng đó, quan hệ hữu nghị Việt Nam - Hàn Quốc sẽ ngày càng phát triển hơn nữa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khẳng định vị thế Việt Nam trên trường quốc tế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.