(HNM) - Năm 2014, nhận được sự đầu tư của UBND thành phố và sau thời gian dài chuẩn bị, ngành y tế Hà Nội đã thực hiện thành công kỹ thuật ghép thận tại Bệnh viện (BV) Đa khoa Xanh Pôn, trở thành đơn vị thứ 13 trong cả nước thực hiện được kỹ thuật này, góp phần nâng tầm y tế Thủ đô lên một vị thế mới.
Như Phó Bí thư Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định, sự thành công này không chỉ cho thấy quyết tâm của thành phố mà còn tạo được tiếng vang lớn, động lực lớn cho toàn ngành y tế Thủ đô.
Chăm sóc bệnh nhân nặng tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn. Ảnh: Bá Hoạt |
Với mong muốn mở ra hy vọng sống cho các bệnh nhân suy thận, năm 2012, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Sở Y tế Hà Nội, BV Đa khoa Xanh Pôn đã xây dựng kế hoạch và được UBND thành phố cho phép thực hiện ghép thận tại BV. Đây là một phần trong giai đoạn 1 của đề án "Phát triển kỹ thuật ghép bộ phận cơ thể người của ngành y tế Hà Nội đến năm 2015". Tuy nhiên, muốn triển khai đề án, đòi hỏi BV phải được đầu tư đồng bộ từ cơ sở hạ tầng đến trang thiết bị và con người.
Để thực hiện đề án, lãnh đạo BV đã nhanh chóng tu sửa lại cơ sở hạ tầng, xây dựng khu nhà Nội, thành lập đơn nguyên Thận nhân tạo, cải tạo tầng 4 nhà A1 thành khu phòng mổ hiện đại; tiếp đó là đầu tư các trang thiết bị hiện đại và chuẩn bị kỹ lưỡng về nguồn nhân lực. Từ tháng 9-2012 đến 9-2013, gần 100 học viên của BV Xanh Pôn được cử đi đào tạo tại các trung tâm uy tín như: BV Quân đội 103, BV Bạch Mai, BV Hữu nghị Việt - Đức về các lĩnh vực điều trị nội thận, thận nhân tạo, phẫu thuật ghép thận. BV cũng cử 2 kíp cán bộ đi đào tạo tại Viện trường Limoges (Pháp), đồng thời liên tục mời các chuyên gia của BV Bạch Mai, BV 103 và Viện trường Limoges đến giảng dạy. Vào ngày 28-12-2013, BV Xanh Pôn đã thực hiện ca ghép thận đầu tiên, trở thành BV đầu tiên của Hà Nội thực hiện ghép thận. Đến tháng 12-2014, BV Xanh Pôn đã tiến hành ghép thận cho 5 cặp, trong đó 4 cặp ghép là các cặp cùng huyết thống, cặp ghép thứ 5 là cặp không cùng huyết thống đầu tiên được ghép tại BV với sự trợ giúp của các kíp chuyên môn BV Quân y 103. Cả 5 bệnh nhân nhận thận tuổi đều còn trẻ, nhiều nhất là 36 tuổi. Tuổi của người hiến thận cao hơn, từ 29 đến 62 tuổi. Hiện tại, cả người cho thận và người nhận thận sức khỏe đều ổn định. Hằng tháng, bệnh nhân vẫn đến BV theo dõi sức khỏe định kỳ. Một trong 5 bệnh nhân được ghép thận tại BV Xanh Pôn, anh Nguyễn Xuân Điệp (33 tuổi, Thái Thụy, Thái Bình) cho biết, quá trình chạy thận 2 năm khiến thể chất, tinh thần tôi gần như suy kiệt. Nhưng sau khi được ghép thận, anh như được khai sinh lần thứ hai. Đây là một may mắn lớn của bệnh nhân mắc bệnh thận hiểm nghèo.
Việc BV Xanh Pôn thực hiện thành công 5 ca ghép thận chỉ trong vòng một năm cho thấy, các bác sĩ ở đây đã làm chủ được kỹ thuật ghép thận, mở ra hy vọng cho nhiều người mắc bệnh hiểm nghèo này. Đánh giá sự tiến bộ của y tế Thủ đô trong thời gian qua, Phó Bí thư Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng, năm 2014 ngành y tế Thủ đô có những chuyển động tích cực, nỗ lực trong công tác đầu tư trang thiết bị y tế hiện đại, tổ chức khám, chữa bệnh cho hàng triệu người dân Thủ đô, trong đó không thể không kể đến sự thành công trong việc thực hiện kỹ thuật ghép thận của BV Xanh Pôn. Kỹ thuật ghép thận là một kỹ thuật chuyên sâu nhưng với tài năng, trình độ cao, sự đầu tư công sức, thời gian học hỏi của đội ngũ y bác sĩ BV Xanh Pôn, sự phối hợp của các BV khác, BV Xanh Pôn đã triển khai thành công đề án ghép thận do Sở Y tế và thành phố giao. Thành công của BV Đa khoa Xanh Pôn đã đóng góp cho ngành y tế Thủ đô đạt được nhiều kỹ thuật y tế ở mức cao, người dân được hưởng quyền lợi khám, chữa bệnh tốt nhất. Từ những thành công này, Phó Bí thư Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc yêu cầu, trong thời gian tới, BV Xanh Pôn cần cập nhật kiến thức mới để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ khám, chữa bệnh cho nhân dân ngày một tốt hơn nữa, nhất là tiến tới việc triển khai ghép gan vào cuối năm 2015.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.