(HNM) - Thời điểm này, trên một số trang mạng xã hội đã xuất hiện không ít thông tin kích thích sự tò mò của dư luận về nhiều vấn đề liên quan đến Đại hội XII của Đảng, đặc biệt là nhân sự.
Và dường như đã thành thông lệ trước, trong và sau những ngày kỷ niệm trọng đại của dân tộc, những sự kiện có ý nghĩa bước ngoặt đối với đất nước, những đối tượng chống phá chế độ lại tập trung tung tin bịa đặt, xuyên tạc, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bôi nhọ những thành quả, nỗ lực của toàn dân tộc, đổi trắng, thay đen, bóp méo sự thật làm nhiễu loạn đời sống xã hội, gây tâm lý bức xúc trong nhân dân…
Thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch không mới: Vẫn là lợi dụng tâm lý "toàn dân làm tổ chức", tâm lý đám đông, kích thích sự tò mò của dư luận để thông tin một cách "võ đoán" về nhân sự, đặc biệt là nhân sự cấp cao của Đảng, nhằm mục đích gây nhiễu loạn. Vẫn là những tâm thư, thư ngỏ đề cập đến những vấn đề hệ trọng, liên quan mật thiết đến sự vững mạnh của Đảng nhưng thực chất là tung tin bịa đặt, nói xấu, vu oan… gây hoang mang trong dư luận, kích động, gây rối, phá hoại thành công của Đại hội Đảng. Bài bản của những kẻ chống phá là tìm đủ mọi cách, sử dụng mọi thủ đoạn gây chia rẽ nội bộ, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm mất niềm tin của nhân dân với chế độ, làm phương hại đến uy tín của lãnh đạo Đảng, Nhà nước… Thực chất, đây là một thủ đoạn nhằm tạo ra cơ hội chính trị cho chính bản thân chúng.
Điều đáng nói là không ít người vẫn lạc vào mớ bòng bong như ma trận mà những kẻ chống phá chế độ đưa lên mạng xã hội. Thậm chí, vì những lý do cá nhân, nhiều người tiếp tay, phát tán thông tin. Nhiều người dao động, hoang mang, tạo những hiệu ứng tiêu cực trong xã hội. Do vậy, bên cạnh việc mỗi người dân cần nâng cao trách nhiệm xã hội, ý thức công dân để tránh bị các thế lực trong bóng tối lợi dụng, thì việc vạch trần những âm mưu quỷ quyệt của các hội, nhóm lợi dụng dân chủ, phá hoại đất nước, phá hoại chế độ... có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Cùng với đó, các cơ quan chức năng cần khẩn trương truy tìm, xử lý các nguồn phát tán thông tin giả mạo, bịa đặt, sai sự thật… xử lý nghiêm minh những hành vi lợi dụng hệ thống thông tin công cộng để gây rối, chống phá theo đúng pháp luật hiện hành.
Mặt khác, cùng với việc đấu tranh trực diện, phản bác những luận điệu sai trái, thù địch, kịp thời định hướng dư luận, các cơ quan truyền thông, đặc biệt là hệ thống báo chí cần nâng cao trách nhiệm xã hội, tạo thêm những kênh thông tin đa dạng, chuyển tải chính xác, nhanh chóng các thông tin liên quan đến tình hình chính trị, kinh tế, xã hội, đến nhân sự mới ở các cơ quan trung ương và địa phương để đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân. Đồng thời, mỗi người dân cũng cần nâng cao tinh thần cảnh giác, trách nhiệm xã hội, ý thức công dân, có nhận thức đúng để phân biệt, tẩy chay, loại trừ những loại thông tin bịa đặt, xuyên tạc, bóp méo sự thật và không chia sẻ phát tán những thông tin như vậy trên các trang thông tin cá nhân.
Việc lợi dụng mạng xã hội để đưa tin giả mạo, xuyên tạc, bôi nhọ uy tín, danh dự của người khác là hành vi vi phạm pháp luật, cần phải được xử lý nghiêm. Không một xã hội nào chấp nhận những hành vi trái đạo đức, phản văn hóa đi ngược lại lợi ích quốc gia, dân tộc. Để đất nước phát triển bền vững, mỗi người chúng ta cần có nhận thức đúng đắn, cùng nhau loại trừ những yếu tố độc hại và hướng tới những giá trị nhân văn cao đẹp trong đời sống xã hội. Hội nghị lần thứ mười bốn Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã thành công tốt đẹp; công việc chuẩn bị cho Đại hội XII của Đảng đã cơ bản được hoàn tất theo đúng mục tiêu, yêu cầu và kế hoạch đề ra, trong đó công tác nhân sự, đặc biệt là nhân sự cấp cao của Đảng đã được thực hiện bài bản, khoa học. Chính vì vậy, dù thời điểm này, vẫn còn có những luồng thông tin độc hại, trái chiều, song toàn Đảng, toàn dân hoàn toàn có thể tin tưởng về một kỳ Đại hội thành công.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.