Với tinh thần “cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước”, Luật Thủ đô (sửa đổi) tạo điều kiện thuận lợi nhất cho Hà Nội có thể phát triển vượt trội, là Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại.
Luật Thủ đô (sửa đổi) được xác định là một đạo luật đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa chính trị, xã hội sâu sắc; một đạo luật riêng quy định cho Thủ đô Hà Nội, vừa là Thủ đô hành chính của cả nước, vừa là một đô thị đặc biệt của cả nước. Việc sửa đổi Luật Thủ đô lần này với mong muốn làm sao phải có cơ chế đặc thù, vượt trội hơn những địa phương khác, đã tạo cơ chế, chính sách đặc thù để Hà Nội bứt phá đi lên. Luật Thủ đô năm 2012 vẫn được thực hiện có hiệu quả, nhưng việc sửa đổi sẽ bảo đảm thể chế hóa được các chủ trương, nghị quyết của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Nghị quyết số 15-NQ/TW xác định Thủ đô Hà Nội hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh với các khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực. Thông qua việc sửa đổi Luật Thủ đô, tôi mong muốn Hà Nội đạt được sự phát triển như Bắc Kinh, Thượng Hải, Seoul... Chúng ta phải so sánh như thế để Thủ đô Hà Nội phát triển trong 10 năm, 20 năm, 30 năm nữa. Hà Nội bây giờ đã phát triển, nhưng việc sửa đổi Luật Thủ đô sẽ tạo điều kiện để phát triển hơn nữa. Tôi đơn cử, cán bộ của Hà Nội sắp tới phải được đào tạo, chuẩn hóa như thế nào để ngang tầm với các thành phố ở trên thế giới; đầu tư cơ sở hạ tầng như thế nào để Hà Nội ngang tầm với các thành phố trên thế giới. Với giao thông đô thị, cảnh quan, môi trường đô thị, Hà Nội là một trong những thành phố điểm đến du lịch của thế giới. Nếu cảnh quan, môi trường đô thị sáng - xanh - sạch đẹp cộng với những danh lam thắng cảnh thì Hà Nội xứng tầm là nơi đáng đến tham quan, du lịch của du khách quốc tế.
Các quy định trong Luật về cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội cho Thủ đô đã bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, Hiến pháp, đáp ứng nhu cầu quản trị Thủ đô. Những cơ chế, chính sách đặc thù, đồng bộ, toàn diện đó là cơ sở để Hà Nội khắc phục ngay những khó khăn, vướng mắc, bất cập đang cản trở sự phát triển, ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
Các quy định về phân cấp, phân quyền đã đủ mạnh, rõ cơ chế, rõ trách nhiệm, rõ cơ chế kiểm soát quyền lực. Ví dụ như phân cấp cho Thủ đô quyết định về biên chế và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước Trung ương, Ban Bí thư, Bộ Chính trị. Phân cấp thì phải chịu trách nhiệm; phân quyền giữa Trung ương và các cấp chính quyền thành phố sẽ tạo sự chủ động trong tháo gỡ vướng mắc, bất cập, cản trở sự phát triển của Thủ đô.
Với tinh thần “cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước”, Luật Thủ đô (sửa đổi) tạo điều kiện thuận lợi nhất cho Hà Nội có thể phát triển vượt trội, là Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại.
(Trích phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), ngày 20-9-2023)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.