(HNM) - Đất dịch vụ là một phần đất được Nhà nước bồi thường cho những hộ có đất nông nghiệp bị thu hồi theo quy định để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Ở Hà Nội, phần lớn các hộ thuộc diện thu hồi đất nông nghiệp từ cách đây cả chục năm, thậm chí lâu hơn, đều được hưởng đất dịch vụ... Nhưng đến nay, không ít hộ dân vẫn chờ đợi trong sự mỏi mệt kéo dài.
Việc chậm giao đất dịch vụ đến hộ dân đã gây ra nhiều hệ lụy. Dễ thấy nhất là người dân bị thiệt thòi khi đất để hoang hóa, lãng phí, trong khi không có điều kiện xây dựng nhà ở hay cơ sở để phát triển sản xuất, kinh doanh. Chưa kể, quỹ đất dịch vụ còn dễ bị lấn chiếm, sử dụng sai mục đích...
Nguyên nhân phổ biến của việc chậm giao đất dịch vụ là thiếu kinh phí để đầu tư cơ sở hạ tầng; đợi điều chỉnh, rà soát quy hoạch; hệ thống bản đồ địa chính thiếu và không đồng nhất giữa các thời kỳ; chính sách đất dịch vụ trải qua nhiều giai đoạn khác nhau... Và một khó khăn lớn khác hiện nay là việc các hộ chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng đất dịch vụ không hợp tác, không thỏa thuận được với nhau nên cơ quan chức năng không hoàn thiện được hồ sơ giao đất... Đáng tiếc, tình trạng này đang xảy ra ở không ít địa phương trên địa bàn thành phố.
Giao đất dịch vụ cho người bị thu hồi đất nông nghiệp là chủ trương vì sinh kế lâu dài của người dân. Chính vì thế, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải trong kỳ họp giao ban quý I-2018 giữa Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND thành phố với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã (ngày 29-3-2018) đã đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền coi đây là nhiệm vụ cấp bách, phải thực hiện với phương châm giao sớm được ngày nào tốt ngày đó.
Tuy đã có nhiều cố gắng, song đến nay tỷ lệ giao đất dịch vụ trên địa bàn thành phố mới đạt 66,48%. Điều này đồng nghĩa, để hoàn thành việc giao đất dịch vụ đến hộ dân trong tháng 6-2019 như chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội là khó khăn không nhỏ. Do đó, để không lỗi hẹn với người dân, các cấp, ngành chức năng phải vào cuộc với trách nhiệm và quyết tâm cao nhất.
Thực tế, đến thời điểm này, phần lớn các trường hợp chưa được giao đất dịch vụ đều có vướng mắc. Và hơn hết, ngay từ cấp cơ sở, những người có trách nhiệm phải gần dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân. Đặc biệt, công tác vận động, tuyên truyền, giải thích để người dân hiểu về chế độ chính sách là điều rất cần thiết. Nếu làm hiệu quả việc này, người dân sẽ hợp tác tốt hơn với cơ quan chức năng, hạn chế phát sinh đơn thư khiếu kiện.
Ở khía cạnh khác, trong giao đất dịch vụ cần tính đến yếu tố đặc thù của mỗi địa phương. Theo đó, những địa phương có thuận lợi trong kinh doanh dịch vụ, thì giao đất theo nguyện vọng của người được hưởng; song, ở những nơi là vùng sâu, vùng xa, nhu cầu về đất không nhiều thì có thể có chính sách đặc thù quy đổi bằng tiền. Nhưng làm theo phương thức nào, giá quy đổi ra sao... vẫn cần xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể, thống nhất. Hiện thành phố đã giao cho cơ quan chuyên môn nghiên cứu cơ chế này, song để có phương án linh hoạt, sát thực tiễn, rất cần sự sát sao, chủ động của mỗi cấp, mỗi ngành, từ đó có đề xuất và tham mưu phù hợp.
Không riêng cấp cơ sở, các sở, ban, ngành liên quan cũng phải vào cuộc với tinh thần khẩn trương, xác định rõ phần việc, trách nhiệm của mình; cần xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể để thực hiện. Cùng với đó, những cá nhân, hộ gia đình còn tranh chấp, có khiếu kiện nên hợp tác tích cực với cơ quan chức năng để hóa giải những vấn đề còn tồn tại.
Chỉ với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị thì những mong mỏi, kỳ vọng của nhân dân về giao đất dịch vụ mới được đáp ứng trọn vẹn, để công việc này về đích đúng hẹn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.