(HNMO) - Ngày 13-10, Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai tiếp tục họp khẩn chỉ đạo ứng phó với bão số 7 và khắc phục hậu quả mưa, lũ, bão xảy ra tại các tỉnh, thành phố miền Trung và Tây Nguyên những ngày vừa qua.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, sáng nay (13-10), bão số 7 cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 220km; sức gió vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, giật cấp 11. Đến 7h ngày 14-10, bão số 7 sẽ đi vào vùng biển vịnh Bắc Bộ; sức gió vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10, giật cấp 12. Thời gian tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km và đi vào đất liền các tỉnh phía Nam khu vực Đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ với sức gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10 sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới…
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 7, khu vực phía Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10, giật cấp 12; biển động rất mạnh; khu vực vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9-10, giật cấp 12; biển động rất mạnh…
Trên đất liền từ ngày 14 đến 16-10, các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Bắc Bộ (trong đó có thành phố Hà Nội) và Bắc Trung Bộ xảy ra đợt mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 150-350mm/đợt, có nơi cao hơn 400mm/đợt…
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về ứng phó với bão số 7, Bộ đội Biên phòng các tỉnh đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 52.100 phương tiện, tàu thuyền với 229.805 lao động hoạt động trên biển biết đường đi của bão để thoát khỏi khu vực nguy hiểm. Bộ Tư lệnh Quân khu 4 tiếp tục duy trì 8.574 cán bộ, chiến sĩ, 88 ô tô, 172 tàu, xuồng hỗ trợ các địa phương triển khai phương án phòng ngừa, ứng phó bão số 7, khắc phục hậu quả mưa, lũ, bão số 6...
Các tỉnh: Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi... đã có công điện chỉ đạo đơn vị, địa phương liên quan khẩn cấp triển khai các phương án ứng phó với bão số 7 và mưa, lũ; đồng thời, cử các đoàn công tác xuống cơ sở hướng dẫn người dân gia cố lồng bè nuôi trồng thủy sản, chằng chống nhà cửa; triển khai phương án bảo vệ an toàn hệ thống đê điều, hồ đập; kiểm tra, sẵn sàng triển khai phương án sơ tán dân từ nơi có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập úng đến nơi ở an toàn...
Cập nhật về tình hình thiệt hại do mưa, lũ, bão số 6 xảy ra tại các tỉnh, thành phố miền Trung, Tây Nguyên những ngày vừa qua, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai cho biết, đến sáng 13-10, các tỉnh, thành phố miền Trung vẫn còn 217 xã, phường với 111.329 hộ dân bị ngập sâu từ 0,3m đến 1,5m; trong đó, tỉnh Quảng Trị còn 81 xã, tỉnh Thừa Thiên - Huế còn 115 xã, phường… Các tỉnh, thành phố miền Trung đã sơ tán 21.785 hộ dân với tổng số 66.569 người từ nơi úng ngập, có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất đến nơi ở an toàn. Thống kê sơ bộ đến sáng 13-10, mưa, lũ, bão số 6 xảy ra tại các tỉnh miền Trung, khu vực Tây Nguyên đã làm 28 người chết, 12 người bị mất tích…
Kết luận cuộc họp, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT), Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai Vũ Xuân Thành đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc các công điện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tập trung ứng phó với mưa lũ lớn tại các tỉnh miền Trung, khắc phục hậu quả mưa lũ và ứng phó với bão số 7, áp thấp nhiệt đới; trong đó, tập trung triển khai công tác tìm kiếm người còn mất tích; thăm hỏi, động viên, hỗ trợ kịp thời các gia đình có người chết, mất tích, cứu chữa người bị thương; hỗ trợ lương thực, thực phẩm, vệ sinh môi trường, nhà ở, nước sạch cho người dân bị thiệt hại…
Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 7 và tình hình mưa lũ để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó, bảo đảm an toàn cho người và phương tiện, tàu thuyền hoạt động trên biển; quản lý, hướng dẫn tàu thuyền đang neo đậu, nhất là tàu vận tải, tàu neo đậu ở khu vực cửa sông. Sẵn sàng phương án bảo đảm an toàn hệ thống đê điều; bảo vệ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy, hải sản. Chỉ đạo, tổ chức giám sát, vận hành các hồ thủy lợi, thủy điện bảo đảm an toàn công trình và hạ du; hướng dẫn người dân tích trữ lương thực, thực phẩm, nước uống đề phòng mưa lũ dài ngày, nhất là các khu vực còn bị ngập sâu, có khả năng bị chia cắt...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.