(HNMO) - Chiều 6-10, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai họp trực tuyến với 10 tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Phú Yên, chỉ đạo ứng phó áp thấp nhiệt đới và mưa lũ.
Phát biểu tại cuộc họp, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết, áp thấp nhiệt đới sẽ mạnh thành bão số 7, hướng về phía quần đảo Hoàng Sa và sau đó có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Trung Trung Bộ, Bắc Trung Bộ từ ngày 8 đến 12-10. Ngoài gây gió mạnh trên biển, áp thấp nhiệt đới, bão còn gây ra đợt mưa rất to trên đất liền các tỉnh từ Quảng Trị đến Phú Yên và khu vực Bắc Tây Nguyên; trong đó, các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Định và Kon Tum có khả năng xảy ra đợt mưa đặc biệt lớn.
Từ ngày 9 đến 12-10, mưa lớn mở rộng ra các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Bắc Trung Bộ và Đồng bằng Bắc Bộ... "Sau cơn bão này, chúng tôi dự báo khoảng ngày 12 và 13-10, trên Biển Đông có khả năng xuất hiện thêm một cơn bão mới, cơn bão số 8 trong năm 2021", ông Mai Văn Khiêm thông tin thêm.
Ứng phó với diễn biến thời tiết nêu trên, Bộ đội Biên phòng đã phối hợp với các địa phương kêu gọi, hướng dẫn 61.468 tàu thuyền với 278.639 lao động hoạt động trong khu vực giữa Biển Đông và quần đảo Hoàng Sa thoát khỏi khu vực nguy hiểm. Thành phố Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ra lệnh cấm biển. Các tỉnh ven biển từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi đã rà soát các khu dân cư và sẵn sàng triển khai phương án sơ tán 71.559 hộ dân với 290.671 nhân khẩu đến nơi an toàn gắn với công tác phòng, chống dịch Covid-19...
Kết luận cuộc họp, Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT), Phó Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài đề nghị các tỉnh, thành phố phải nghiêm túc thực hiện Công điện số 1311/CĐ-TTg ngày 6-10-2021 của Thủ tướng Chính phủ về chủ động ứng phó với bão, mưa lũ; trong đó, khẩn trương kêu gọi các tàu, thuyền hoạt động trên biển, cửa sông vào nơi neo đậu an toàn; tuyệt đối không để người dân ở lại trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản. Bên cạnh đó, các địa phương rà soát, sẵn sàng phương án di dời dân cư vùng ven biển, trũng thấp, vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất; gia cố hệ thống lưới điện và sẵn sàng phương án khắc phục sự cố; bảo vệ công trình đê điều, hồ chứa...
"Các địa phương cần yêu cầu đơn vị quản lý các hồ chứa thủy điện phải xả lũ đúng quy trình, kịp thời thông tin cho chính quyền và người dân vùng hạ du biết sớm để chủ động phòng, tránh; đồng thời, chuẩn bị đủ nhu yếu phẩm phục vụ người dân khi xảy ra tình huống ngập lụt diện rộng, kéo dài, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19...", ông Trần Quang Hoài nhấn mạnh.
Về tình hình thời tiết, Đài Khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng Bắc Bộ cho biết, đêm nay (6-10) và ngày mai, thành phố Hà Nội không mưa, ngày nắng; nhiệt độ cao nhất 32-34 độ C, thấp nhất 25-27 độ C.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.