Nông nghiệp - Nông thôn

Khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó

Kim Nhuệ 01/07/2023 - 06:32

Hiện tại, nhiều công trình thủy lợi trên địa bàn thành phố bị xuống cấp; trong khi đó, dự báo thời tiết tháng 7 cho thấy, Hà Nội có khả năng xuất hiện nhiều đợt mưa lớn diện rộng, tạo nguy cơ ngập lụt hàng nghìn héc ta lúa mùa mới cấy và khu dân cư ở vùng trũng, thấp. Để bảo vệ diện tích sản xuất nông nghiệp, giảm ngập lụt ở khu dân cư, các đơn vị, địa phương đang khẩn trương đẩy mạnh công tác chuẩn bị, sẵn sàng ứng phó những tình huống mưa lớn, ngập lụt...

thuy-loi.jpg
Công nhân Xí nghiệp Đầu tư phát triển thủy lợi Mỹ Đức bảo dưỡng thiết bị tại Trạm bơm Phù Lưu Tế 1.

Nhiều nguy cơ hiện hữu

Trạm bơm Phù Lưu Tế 1 là công trình trọng điểm phòng, chống thiên tai của huyện Mỹ Đức, được xây dựng năm 1975, nhằm tưới, tiêu cho hơn 1.120ha đất sản xuất nông nghiệp, dân sinh các xã: Hợp Tiến, Phù Lưu Tế, Xuy Xá, Hồng Sơn và thị trấn Đại Nghĩa. Tuy nhiên, qua khảo sát công trình này của phóng viên Báo Hànộimới thì hiện nay, nhiều vị trí tường, trần nhà trạm bị nứt nẻ, bong tróc, phải che bạt để bảo đảm an toàn cho công nhân vận hành… Giám đốc Xí nghiệp Đầu tư phát triển thủy lợi Mỹ Đức Đoàn Văn Thắng cho biết, do công trình xây dựng đã lâu, thiết bị máy móc vận hành cũ kỹ, công nghệ lạc hậu, nên hiệu suất của trạm bơm hiện chỉ đạt 60-65% công suất thiết kế.

Tương tự, nhiều trạm bơm tiêu úng trên địa bàn thành phố cũng đang bị xuống cấp, suy giảm hiệu suất, như: Đầm Mới, An Sơn, Thượng Phúc, Yên Cốc (huyện Chương Mỹ); Ngọ Xá 1 và 2 (huyện Ứng Hòa); Duyên Thái (huyện Thường Tín); Đào Nguyên, Yên Thái (huyện Hoài Đức)...

Bên cạnh đó, nhiều tuyến kênh, trục tiêu chính của Hà Nội đang bị bồi lắng lòng dẫn, sụt sạt bờ. Nghiêm trọng nhất là trục sông Nhuệ, lòng dẫn nhiều đoạn thuộc địa bàn các quận: Bắc Từ Liêm, Hà Đông bị bồi lắng từ 0,5m đến 1,5m so với cao trình thiết kế, gây ách tắc dòng chảy. Nhiều đoạn bờ tả sông Nhuệ, đoạn thuộc địa phận huyện Thanh Trì bị sạt mái sâu trung bình từ 0,5m đến 1m, cao trình mặt đê thấp, nền đê yếu...

Ngoài xuống cấp tự nhiên, nhiều tuyến kênh, trục sông của Hà Nội đã bị một số hộ dân xâm hại bằng việc đổ rác thải sinh hoạt, phế thải xây dựng, xây dựng công trình vào lòng dẫn, vùng bảo vệ. Thống kê của các tổ chức thủy lợi thành phố cho thấy, từ đầu năm 2023 đến nay, các địa phương để phát sinh 131 vụ vi phạm pháp luật thủy lợi. Các địa phương đã quan tâm chỉ đạo, xử lý 42 vụ, nhưng chưa giải tỏa, xử lý triệt để 89 vụ; trong đó có nhiều vụ việc nghiêm trọng.

Theo kế hoạch của Sở NN&PTNT Hà Nội, vụ mùa năm nay, thành phố phấn đấu gieo trồng khoảng 92.283ha, trong đó có 72.382ha lúa. Dự kiến đến ngày 10-7, các quận, huyện, thị xã của Hà Nội sẽ hoàn thành kế hoạch gieo cấy lúa mùa. Với hiện trạng công trình và dự báo nêu trên, hàng nghìn héc ta lúa mùa mới gieo cấy của thành phố có nguy cơ bị ngập úng, gây thiệt hại lớn.

Chủ động vào cuộc

Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai (Sở NN&PTNT Hà Nội) Đào Quang Khải cho biết, hiện tại, nhiều dự án nâng cấp hệ thống tiêu úng khu vực ngoại thành đang được triển khai, như các trạm bơm: Bộ Đầu (huyện Thường Tín); Văn Khê (huyện Mê Linh); Nhân Lý, Đầm Buộm, Mỹ Thượng, Mỹ Hạ (huyện Chương Mỹ); La Làng (huyện Mỹ Đức)... Để theo kịp tốc độ đô thị hóa nhanh, thích ứng biến đổi khí hậu, Sở NN&PTNT Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị, địa phương kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình và đề nghị cơ quan có thẩm quyền bố trí kinh phí sửa chữa, nâng cấp, xây mới trong thời gian tới...

Trước mắt, để bảo vệ diện tích sản xuất nông nghiệp vụ mùa năm nay, giảm ngập lụt khu dân cư, Sở NN&PTNT Hà Nội đề nghị các địa phương, tổ chức thủy lợi thường xuyên kiểm tra, xử lý kịp thời các sự cố hư hỏng công trình thủy lợi thuộc trách nhiệm quản lý của địa phương, đơn vị, bảo đảm công trình vận hành an toàn, phục vụ công tác phòng, chống lụt, bão.

Thực hiện chỉ đạo trên, các địa phương, tổ chức thủy lợi thành phố đã kiện toàn Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai; xây dựng phương án phòng, chống úng ngập, phối hợp với các công ty điện lực trong bảo đảm an toàn, cung cấp đủ điện để vận hành hệ thống tiêu úng... Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Chủ tịch Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi sông Đáy Trần Đình Cường cho hay, công ty đã sửa chữa, bảo dưỡng máy móc, thiết bị các công trình chống úng; nạo vét, khơi thông bể hút và vận hành thử các trạm bơm tiêu, cống tiêu; chuẩn bị đủ vật tư, phương tiện, nhân lực, đáp ứng yêu cầu xử lý sự cố công trình thủy lợi theo phương châm “4 tại chỗ”.

Còn Chủ tịch Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi Hà Nội Trần Thanh Toàn cho hay, công ty đã xây dựng phương án phòng, chống úng ngập; đặt ra các tình huống: Mưa dưới 50mm trong 1 ngày; mưa từ 100mm đến 200mm trong 3 ngày; mưa từ 200mm đến 300mm hoặc lớn hơn trong 3 ngày; dự báo diện tích có thể úng ngập. Ứng với mỗi tình huống là các phương án tiêu úng cụ thể cho từng vùng...

Với giải pháp chi tiết, sự vào cuộc từ sớm của các cấp, ngành, hy vọng công tác phòng, chống úng ngập của thành phố Hà Nội trong vụ mùa này sẽ có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần giảm nỗi lo cho người dân khu vực ngoại thành.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.