(HNM) - Ban chỉ đạo PCLB trung ương chiều qua 30-10 cho biết, bão số 8 đã khiến 7 người bị chết (Hải Phòng 1, Nam Định 2, Thái Bình 3, Nghệ An 1); mất tích 5 người và bị thương 43 người.
Bà con nông dân huyện Vũ Thư, Thái Bình thu hoạch ngô gãy đổ do bão số 8 (ảnh chụp lúc 15h00 ngày 30-10-2012). Ảnh: TTXVN
Bão cũng làm hơn 13.000 ngôi nhà bị sập, tốc mái, nặng nhất là Thái Bình có gần 7.000 ngôi nhà; gần 90.000ha lúa, hoa màu, diện tích nuôi trồng thủy sản bị ngập, hư hại, nhiều nhất là tỉnh Thái Bình gần 44.000ha, tiếp đến là Nam Định gần 20.000ha; khoảng 5.000m đê, kè ở Thái Bình, Thanh Hóa, Nam Định bị sạt lở, thiệt hại; 174 tàu, thuyền bị hư hỏng, thiệt hại... Bão số 8 đã gây ảnh hưởng nặng đến hệ thống điện miền Bắc, đã xảy ra sự cố trên 2 đường dây 220kV, 29 đường dây 110kV, 7 trạm biến áp 110kV, 355 đường dây trung thế và hàng nghìn cột điện hạ thế bị gãy đổ, gây ảnh hưởng lớn đến khách hàng sử dụng điện. Ước tính thiệt hại của các tỉnh bị ảnh hưởng lên tới hàng nghìn tỷ đồng, trong đó, Thái Bình đã thiệt hại 1.400 tỷ đồng (còn 3 huyện chưa thống kê xong), Nam Định gần 900 tỷ đồng, Hải Phòng 400 tỷ đồng, Thanh Hóa 260 tỷ đồng...
Trước tình hình trên, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu 3 Tập đoàn, gồm Điện lực, Bưu chính Viễn thông, Viễn thông Quân đội cùng Bộ NN&PTNT khẩn trương khắc phục điện, thông tin liên lạc sau bão số 8. Thủ tướng yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam triển khai lực lượng, trang thiết bị khẩn trương khôi phục hệ thống điện, bảo đảm nguồn điện vận hành các trạm bơm tiêu chống úng, ngập và phục vụ đời sống nhân dân; Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam và Tập đoàn Viễn thông Quân đội khẩn trương khôi phục hệ thống thông tin, bảo đảm phục vụ công tác chỉ đạo khắc phục hậu quả và sinh hoạt bình thường của nhân dân; Bộ NN&PTNT chỉ đạo các địa phương thực hiện tiêu nước chống úng bảo vệ sản xuất.
Trong ngày 30-10, các địa phương đã phối hợp với các lực lượng cứu hộ tiếp tục khẩn trương khắc phục hậu quả sau bão. Tại tỉnh Nam Định, theo Sở NN&PTNT, đối với những diện tích rau màu không có khả năng phục hồi, ngành nông nghiệp sẽ hướng dẫn người dân trồng lại các loại cây khác thay thế có thời gian sinh trưởng ngắn như khoai tây, các loại rau, đậu. Ngành y tế tỉnh cũng triển khai công tác tiêu độc khử trùng, bảo vệ đàn gia súc, gia cầm phòng chống dịch bệnh… Tại Hải Phòng, ngay sau khi bão tan, Thành ủy, UBND TP Hải Phòng tổ chức các đoàn chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả bão, khôi phục sản xuất, ổn định đời sống nhân dân. Tại Thái Bình, sau bão, người dân tỉnh Thái Bình đang tập trung thu dọn nhà cửa, vật dụng, cây cối bị đổ. Theo thống kê sơ bộ của Điện lực Thái Bình, có gần 1.000 cột điện các loại bị gãy đổ, 20.000 công tơ một pha và 3 pha bị hư hỏng. Điện lực Thái Bình đã thực hiện các biện pháp khắc phục sự cố điện lưới để đề phòng điện giật, bảo đảm an toàn cho người dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.