(HNMO) - Sáng 6-7, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Doãn Toản chủ trì hội nghị sơ kết công tác quản lý chợ trên địa bàn thành phố 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019.
Theo Sở Công Thương Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có 454 chợ; trong đó có 15 chợ hạng một, 56 chợ hạng hai, 352 chợ hạng ba… Đến nay, thành phố đã thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác 167/454 chợ, đạt 36,8%. Sở Công Thương đã cùng UBND các quận, huyện, thị xã giải tỏa được 146 chợ cóc, chợ tạm trên địa bàn. Hoạt động của các chợ đã góp phần tăng mức lưu chuyển hàng hóa, tăng thu cho ngân sách địa bàn, thuận tiện cho việc mua bán, đáp ứng nhu cầu của dân cư, nhất là các vùng ngoại thành.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phát triển và quản lý chợ vẫn còn những bất cập cần khắc phục. Trong đó, hầu hết các chợ trên địa bàn, nhất là khu vực ngoại thành, đang bị xuống cấp nghiêm trọng, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường...
Thời gian tới, Sở Công Thương tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc các quận, huyện, thị xã thực hiện các nội dung quản lý nhà nước về chợ trên địa bàn, trong đó có công tác chuyển đổi mô hình quản lý chợ, phân hạng chợ, phương án tính giá sử dụng diện tích bán hàng tại chợ, phương án bố trí, sắp xếp ngành hàng tại chợ…
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Doãn Toản đã chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện, thị xã phối hợp thực hiện tốt những vấn đề về chợ đã được đặt ra. Sở Công Thương sớm trình UBND thành phố phê duyệt đề án quản lý, đầu tư, cải tạo phát triển hệ thống chợ trên địa bàn thành phố giai đoạn 2019-2025 và tổ chức triển khai thực hiện sau khi đề án được phê duyệt. Đồng thời, Sở phối hợp với các sở, ngành liên quan đẩy mạnh kiểm tra liên ngành và xử lý nghiêm các vi phạm về phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, bố trí ngành hàng…
Sở Công Thương phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã, các doanh nghiệp, Ban Quản lý chợ giải đáp các vướng mắc trong quá trình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ. Đặc biệt, chủ động phối hợp với Thanh tra thành phố, các địa phương giải quyết dứt điểm những tồn tại, vướng mắc về khiếu nại, tố cáo liên quan đến các chợ trên địa bàn, nhất là đối với chợ Bưởi (quận Tây Hồ), chợ Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy), chợ Phủ Lỗ (huyện Sóc Sơn), chợ Kim (huyện Đông Anh), chợ Sáng Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm)…
Sở cùng các đơn vị liên quan chỉ đạo các Ban Quản lý chợ, kinh doanh, khai thác chợ vận động các hộ kinh doanh trong chợ ký cam kết chống rác thải nhựa, phấn đấu đến hết ngày 31-12-2020 giảm 50% tỷ lệ sử dụng bao bì khó phân hủy tại các chợ dân sinh; 100% rác thải phát sinh tại chợ được thu gom, phân loại từ nguồn; thay thế hoàn toàn túi nilon khó phân hủy, nhựa sử dụng một lần bằng các sản phẩm nguyên liệu từ thiên nhiên, thân thiện môi trường như lá sen, lá chuối, túi phân hủy sinh học, màng bọc thực phẩm sinh học.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.