(HNM) - "Bay trên mái nhà thành phố", tập tản văn mới nhất của nhà văn Phong Điệp vừa ra mắt tiếp tục mạch sáng tác về đô thị của chị. Dù luôn nhận là "khách trọ" nơi phố phường nhưng cuộc sống đô thị vẫn hằng ngày hiện hữu và tràn ngập trong các trang viết của Phong Điệp với những trăn trở, âu lo.
Ở tập tản văn này, bằng cảm nhận của một người cầm bút và bằng giác quan tinh tế của người phụ nữ, chị đã mang đến cho bạn đọc những câu chuyện bình dị của đời sống mà ở đó ẩn chứa tâm trạng chung của nhiều người nhưng không phải ai cũng có thể viết ra thành lời…
Nhà văn Phong Điệp. |
- Từ tập truyện ngắn "Phòng trọ" đến truyện dài "Lạc chốn thị thành", gần đây là tiểu thuyết "Blogger" và lần này chị tiếp tục cho ra mắt tập tản văn mang tên "Bay trên mái nhà thành phố"… Có thể thấy đề tài đô thị luôn chiếm một vị trí khá lớn trong những sáng tác của chị?
- Cảm ơn bạn đã đọc tôi rất kỹ. Đúng là, đề tài đô thị chiếm lĩnh gần như toàn bộ các sáng tác của tôi. Vì sao ư? Vì mỗi buổi sáng mở mắt ra, âm thanh dội vào tai tôi đầu tiên không phải là tiếng gà gọi sáng mà là tiếng còi xe inh ỏi. Ám ảnh những giấc ngủ của các con tôi là tắc đường, kẹt xe. Ám ảnh đồng nghiệp tôi hằng ngày là ô nhiễm, dịch bệnh, cháy xe, sập nhà... Tôi không ngớt nghĩ về đời sống nơi đây, với những thân phận người đang cố neo vào đô thị này để tồn tại bằng mọi cách. Nơi mà những người bạn chung trường đại học, đã gần mười lăm năm chia tay nhau kể từ ngày tốt nghiệp, dù sống trong cùng một thành phố vẫn chưa thể gặp nhau vì bao nỗi ngổn ngang. Đô thị mang trong mình quá nhiều câu chuyện và thúc giục tôi viết ra.
- Và chị đã quyết định khám phá những tầng sâu của nó?
- Đúng vậy. Tôi nhìn nhận nó như trách nhiệm của một người cầm bút nữa. Rằng mình cần phải cất lên tiếng nói của đời sống này, một đời sống không thể nắm bắt được đầy đủ nếu chỉ nhìn nhận ở vẻ ngoài xô bồ hay hào nhoáng, mà ở tầng sâu của nó, với những số phận cần được chia sẻ, những nỗi éo le mà nếu bạn không biết cách để lắng nghe, thì bạn vĩnh viễn ở ngoài đô thị này, dù vẫn hằng ngày hít thở bầu không khí của nó.
- Tập tản văn mới của chị là những lát cắt tinh tế về cuộc sống đô thị nhưng cũng không kém phần sắc sảo, đó có phải là góc nhìn của một nhà văn làm báo?
- Tôi tạm gọi đó như là một "nhật ký sống". Nó ghi lại cảm xúc sống mỗi ngày, dù không thường xuyên, nhưng nó thực sự là những gì tôi trăn trở, ngẫm ngợi. Và nó cũng rất đỗi thành thực.
- Với những tập truyện ngắn, tiểu thuyết của chị, bạn đọc như được sống cùng nhân vật do tác giả xây dựng, còn ở tập tản văn này, độc giả lại thấy hiện lên một chân dung đời thường của chính nhà văn Phong Điệp. Liệu có thể nói, với "Bay trên mái nhà thành phố" chị đã tự họa chân dung mình?
- Có lẽ vì tôi đã thành thực nên bạn thấy được chân dung tôi trong đó chăng! Đúng là với truyện ngắn và tiểu thuyết, người viết thực hiện công việc tôi tạm gọi là hóa thân vào những nhân vật khác nhau, những tính cách khác nhau, thì với tản văn - tôi được là mình. Tôi được sống thật là mình khi trải lòng trên những trang viết. Được yêu ghét, trăn trở và cũng nhung nhớ thật lòng. Có những lúc khi đã viết xong, tôi còn ngồi lặng trước máy tính rất lâu. Cảm xúc này khác hẳn khi viết xong một truyện ngắn hay hoàn thành một cuốn tiểu thuyết. Tôi thấy mình sống chậm lại, sống đằm lại và nhìn sâu lại vào chính mình.
- Và ở bức chân dung ấy, bạn đọc thấy một phụ nữ trăn trở lo toan cho gia đình, một người con xa mẹ xa quê, một người mẹ xót xa và yêu thương các con mình… Chị đã dung hòa thế nào giữa cá tính và nữ tính, khi một thứ rất cần cho nghiệp văn còn một thứ rất cần để vun vén cho tổ ấm?
- Tôi thì không nghĩ hai thứ đó xung đột nhau. Cá tính không triệt tiêu nữ tính và ngược lại. Nhưng đúng là có sự thay đổi lớn khi bạn có gia đình, đặc biệt là khi bạn có con. Tôi có thể trở nên rất hung dữ nếu ai đó làm tổn thương con mình. Tôi thấy dường như khi làm mẹ, những cảm xúc yêu thương, đau đớn… mang một sắc thái khác hẳn. Cách hành xử hằng ngày cũng được điều chỉnh theo hướng tích cực hơn thì phải (cười).
- Sống và làm việc tại Hà Nội gần hai mươi năm, chị đã thấy mình là người của mảnh đất này?
- Chưa. Tôi vẫn nơm nớp tâm thế của kẻ ở trọ, ra đường gặp người đi tạt qua đầu xe, khiến mình ngã chỏng chơ rồi họ còn mắng mình như hát hay mà thẫn thờ cả ngày. Tôi hình như không hợp với đời sống đô thị.
- "Ở trọ" là tâm thế chung của dân nhập cư, nhưng Hà Nội cũng như nhiều đô thị khác luôn là mái nhà chung của cộng đồng dân cư từ khắp nơi và họ luôn coi đây cũng là mái nhà của họ, phải chăng chị đã quá nhạy cảm khi cứ mãi "bay trên mái nhà" mà không chịu "hạ cánh" vào làm chủ nhân ngôi nhà của chính mình?
- Câu hỏi của bạn đưa ra một vấn đề rất hay. Chúng ta có tư cách một công dân theo góc độ hành chính và tư cách một công dân ở góc độ tâm tư tình cảm. Ở góc độ hành chính, tôi làm rất tốt đấy chứ (cười). Ở góc độ tâm tư tình cảm, tôi nghĩ rằng điều bạn vừa nói chưa hẳn đã đúng, rằng những người dân nhập cư coi đây là mái nhà của họ. Bằng chứng là những ngày Tết, bạn có thấy Hà Nội vắng lặng một cách lạ kỳ không? Vâng, trong tâm hồn những người dân nhập cư tại các đô thị lớn, luôn có một vùng đất để trở về. Chỉ có điều, cuộc sống hằng ngày không cho phép họ làm điều đó. Và tôi cũng vậy thôi. Luôn có một cõi riêng để tôi trở về, dù cõi riêng đó - đôi khi chỉ còn là ký ức mà thôi. Nhưng cảm giác trở về cũng khiến cho chúng ta muốn sống tiếp, sống tử tế hơn tại chính đô thị này.
- Nếu nói một cách hình ảnh về tình cảm của chị với Hà Nội thì có thể ví như…?
- Tôi như người ngồi trong một căn phòng đã bắt đầu quen từng viên gạch, từng màu sơn cửa, nhưng vẫn canh cánh nỗi mình là khách.
- Cám ơn chị đã chia sẻ và hy vọng một ngày không xa chị sẽ thấy mình thực sự là chủ căn phòng ấy!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.