(HNMO) – Những thành phố có tên trong danh sách này đều có lịch sử lâu đời và là cái nôi của nền văn minh nhân loại.
1. Lisbon, Bồ Đào Nha (từ 1200 Tr.CN): Cho đến thế kỷ 16, thành phố cảng và cũng là thủ đô của Bồ Đào Nha từng được coi là điểm tận cùng của thế giới. Nhiều kiến trúc cổ xưa tại đây đã bị phá hủy sau một trận động đất lớn vào thế kỷ 18 nhưng vẻ đẹp của thành phố không vì thế mà phai tàn.
2. Varanasi, Ấn Độ (từ 1700 Tr.CN): Thành phố cổ nằm phía bắc bang Uttar Pradesh còn được mô tả là thủ phủ tinh thần của đất nước. Nơi đây từng là một đô thị sầm uất trước khi phần lớn các kiến trúc cổ xưa bị hư hại. Tuy nhiên, vào những năm đầu thế kỷ 18, một số công trình đã dần được khôi phục lại như chùa vàng Visvanatha.
3. Lạc Dương, Trung Quốc (từ 1900 Tr.CN): Được coi là cái nôi của nền văn minh Trung Hoa, thành phố miền tây này từng là nơi đóng đô của 9 triều đại trong lịch sử đất nước. Đây cũng là nơi có ngôi chùa Phật giáo đầu tiên và trở thành một trong những địa điểm quan trọng trong lịch sử Phật giáo Trung Quốc.
4. Luxor, Ai Cập (từ 3200 Tr.CN): Thành phố nằm trên vùng đồng bằng sông Nile mang tới vẻ hoài cổ với thủ phủ là “Thành phố trăm cửa” Thèbes. Đền chùa cổ kính nối tiếp nhau cùng những pho tượng sa thạch khổng lồ đưa du khách vào thế giới huyền bí của một trong những nền văn minh rực rỡ nhất trong lịch sử nhân loại.
5. Plovdiv, Bulgaria (từ 4000 Tr.CN): Thành phố Plovdiv được xây dựng dưới chân 3 ngọn núi và trở thành một trung tâm du lịch, thương mại trọng điểm thời Đế chế La Mã. Sau nhiều lần đổi chủ và cuối cùng trở thành một phần của Bulgaria vào thế kỷ 12, nó vẫn đóng vai trò quan trọng về khảo cổ và văn hóa.
6. Shush, Iran (từ 4500 Tr.CN): Nằm phía tây Iran, thành phố Shush là một trong những di sản thế giới được UNESCO công nhận.
7. Argos, Hy Lạp (từ 5000 Tr.CN): Được đặt theo tên con trai thần Zeus, thành phố này được biết đến là quê hương của nhiều chiến binh anh dũng trong cuộc chiến thành Troy nổi tiếng. Thành phố Argos cũng là nơi đăng cai Thế vận hội Panhellenic vào năm 400 TCN – khởi đầu cho Thế vận hội Olympic ngày nay.
8. Byblos, Lebanon (từ 5000 Tr.CN): Thành phố tại vùng Địa Trung Hải này là nơi đầu tiên sử dụng bảng chữ cái Phoenician – nguồn gốc của tiếng Do Thái hiện đại.
9. Çatalhöyük, Thổ Nhĩ Kỳ (từ 7500 Tr.CN): Là một trong những thành phố có người sinh sống lâu đời nhất trên thế giới, Çatalhöyük đã trở thành di tích của một trong những nền văn minh cổ xưa. Du khách sẽ có cơ hội tận mắt chứng kiến điều kiện sống của con người từ khoảng 10.000 năm trước đây.
10. Jericho, Bờ Tây (từ 8000 Tr.CN): Nằm gần sông Jordan, nguồn nước ngọt tại thành phố này đã thu hút sự chú ý của các bộ lạc vốn chỉ chuyên săn bắn, rồi hình thành nên một khu định cư nông nghiệp trù phú.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.