(HNM) - Di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của mảnh đất Thăng Long nghìn năm văn hiến có thể tìm thấy ở mọi chỗ, mọi nơi, từ địa danh, kiến trúc, loại hình nghệ thuật truyền thống, không gian văn hóa làng nghề, ẩm thực đến phong tục tập quán, tín ngưỡng, lối sống…
Số liệu thống kê được đưa ra tại hội thảo "Phát huy giá trị di sản văn hóa để phát triển du lịch Hà Nội" vừa được Sở VH, TT&DL TP Hà Nội tổ chức cho thấy, Hà Nội là địa bàn có số lượng di tích lịch sử nhiều nhất toàn quốc với 5.316 di tích, trong đó khoảng 1.151 di tích đã được xếp hạng quốc gia, 929 di tích cấp thành phố. Không chỉ đa dạng về chủng loại, phong phú về loại hình, di tích Thủ đô còn chứa đựng những giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật tiêu biểu cho các giai đoạn lịch sử, xuyên suốt chiều dài đất nước.
Du khách quốc tế tham quan căn nhà cổ 87 phố Mã Mây (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ảnh: Nhật Nam |
Từ lâu, nhiều địa danh văn hóa đã trở thành điểm đến hấp dẫn, nhiều hoạt động văn hóa đã không thể thiếu trong các chương trình tour đến Thủ đô. Những cái tên như phố cổ, hồ Hoàn Kiếm, hồ Tây, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng Lịch sử quân sự, làng nghề Bát Tràng, Vạn Phúc, Đường Lâm, rồi đến những loại hình truyền thống, món ăn như: rối nước, phở, bánh cuốn, nem, chả cá… đã làm cho sản phẩm du lịch của Hà Nội ngày càng phong phú, đa dạng và có bản sắc riêng. Tuy nhiên, đánh giá thực trạng hoạt động du lịch những năm qua, Phó Giám đốc Sở VH, TT&DL Hà Nội Mai Tiến Dũng thẳng thắn nhìn nhận, việc phát huy giá trị di sản văn hóa trong phát triển du lịch chưa thực sự tương xứng với tiềm năng. Bên cạnh những địa danh được nhiều du khách biết đến, Hà Nội còn rất nhiều địa điểm, di tích chưa được "phát lộ" và tập trung khai thác. Điển hình như chùa Đậu với hai pho "tượng táng" của hai thiền sư, đình cổ Chu Quyến, làng cổ Đông Ngạc, làng nghề Phú Vinh, Chuông Ngọ, những bộ môn nghệ thuật truyền thống như ca trù, chèo, xẩm cùng với võ thuật và ngay cả Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long, Hội Gióng, Thành Cổ Loa… cũng chưa được tổ chức, quảng bá và giới thiệu rộng rãi đến du khách trong và ngoài nước. Thậm chí, tại những điểm đến được đưa vào chương trình tour vẫn tồn tại nhiều bất cập từ cơ sở vật chất, môi trường, cách thức tổ chức tiếp đón và phục vụ khách, đến việc giới thiệu, chào bán sản phẩm… khiến hiệu quả khai thác bị hạn chế.
TS Hà Văn Siêu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cũng cho rằng, hệ thống di sản của Thủ đô hội tụ và là hiện thân của văn hóa Việt Nam. Lý do đó khiến bất kỳ du khách nào đặt chân đến đây cũng có nhu cầu tìm hiểu, khám phá mảnh đất nghìn năm tuổi với những giá trị đặc sắc không nơi nào có được. Với những giá trị văn hóa ấy, có thể nói Hà Nội được xếp vào hạng bậc nhất trong tất cả các điểm đến của cả nước và có thể xứng tầm cạnh tranh trên phạm vi toàn cầu. Tuy vậy, sự giàu có về văn hóa của Thủ đô vẫn chưa được khai thác tương xứng, chưa làm hài lòng người Hà Nội cũng như du khách thập phương. "Năng lực quản lý phát triển du lịch dựa trên nền giá trị văn hóa, điều phối gắn kết hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa với việc hình thành sản phẩm du lịch và phục vụ du khách còn rất hạn chế, thụ động, hiệu quả thấp. Người làm du lịch chưa biết khai thác giá trị văn hóa để gia tăng giá trị cho sản phẩm du lịch. Ngược lại, người làm văn hóa chưa thấy rõ động lực và tiếp nhận được những tác động tích cực từ hoạt động du lịch để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa" - TS Hà Văn Siêu nhấn mạnh.
Tìm "tiếng nói chung"
Ở góc độ quản lý, theo ông Mai Tiến Dũng, nhận thức của các điểm đến nói chung về vai trò, vị trí của ngành du lịch trong việc góp phần khôi phục, bảo tồn và giới thiệu văn hóa truyền thống còn hạn chế. Mặt khác, các doanh nghiệp du lịch cũng chưa thực sự quan tâm tìm hiểu, đầu tư xây dựng các sản phẩm mới dựa trên việc khai thác giá trị đích thực của các di sản mà chủ yếu vẫn là tận dụng một vài điểm đến đã có "thương hiệu". Để di sản thực sự phát huy tốt giá trị, góp phần vào sự phát triển du lịch bền vững, phải tạo dựng sự hợp tác, gắn kết rộng rãi giữa các điểm đến văn hóa với các đơn vị lữ hành.
Đồng ý với quan điểm trên, TS Hà Văn Siêu cho biết thêm, đưa những giá trị di sản vào phát triển du lịch nhưng vẫn bảo đảm được rằng, du lịch sẽ không làm ảnh hưởng, xâm hại tới di sản. Do đó, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhà quản lý, cộng đồng và người làm du lịch thì rất cần chủ trương định hướng phát triển những hoạt động du lịch lựa chọn, có trách nhiệm. Trong quá trình xây dựng, thiết kế tour, các đơn vị lữ hành cần đưa những chương trình du lịch tôn trọng, chung tay bảo tồn di sản. "Chính những du khách cũng cần xác định lại mục tiêu, sự quan tâm thực sự của mình đối với các di sản. Nên đến với di sản bằng sự đam mê, hiểu biết, thẩm mỹ, kiến trúc, lịch sử thay vì sự hiếu kỳ hoặc do hiệu ứng đám đông. Những du khách yêu quý di sản, biết tôn trọng di sản thì họ sẽ không xâm hại đến nó".
Dù bước đường khai thác du lịch di sản của Thủ đô còn lắm gian nan nhưng theo các nhà quản lý, nhà khoa học và nghiên cứu, việc khai thác giá trị di sản, biến tiềm năng thành sức mạnh, thành nguồn lực chủ yếu để phát triển du lịch Thủ đô là một hướng đi đúng. Việc khai thác có hiệu quả thế mạnh văn hóa không chỉ có ý nghĩa thúc đẩy sự phát triển du lịch mà ở một khía cạnh khác còn góp phần đưa những giá trị văn hóa đặc sắc của mảnh đất nghìn năm văn hiến đến gần hơn với bạn bè trong nước và quốc tế, tạo nguồn thu để tái đầu tư.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.