Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khai mạc trọng thể Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII

Đình Hiệp - Nguyệt Ánh| 10/03/2022 09:15

(HNMO) - Sáng 10-3, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia (Thủ đô Hà Nội), Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2022-2027, tổ chức phiên khai mạc trọng thể với sự tham dự của 959 đại biểu đại diện cho các tầng lớp phụ nữ Việt Nam trên mọi lĩnh vực, vùng miền, dân tộc, tôn giáo của cả nước.

Đại hội có chủ đề "Phát huy truyền thống, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập; xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, vì hạnh phúc của phụ nữ, vì sự phồn vinh của đất nước".

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến dự Đại hội.

Đại hội vinh dự được đón nhận lẵng hoa chúc mừng của các đồng chí: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến dự và phát biểu ý kiến chỉ đạo. Dự Đại hội có các đồng chí: Nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu dự Lễ khai mạc Đại hội. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Tham dự Đại hội còn có các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể, các địa phương trong cả nước; các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, các vị lão thành cách mạng, nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động; các đồng chí lãnh đạo Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam qua các thời kỳ.

Chương trình nghệ thuật chào mừng Đại hội.

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham dự Đại hội.

Các đại biểu thực hiện nghi thức chào cờ. Ảnh: TTXVN

Khẳng định vai trò phụ nữ trong gia đình, xã hội

Phát biểu khai mạc Đại hội, Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga cho biết, trong không khí phụ nữ cả nước đang hăng hái thi đua thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, kỷ niệm khởi nghĩa Hai Bà Trưng và Ngày Quốc tế phụ nữ 8-3, Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII được tiến hành trọng thể tại Thủ đô Hà Nội. Đây là sự kiện chính trị quan trọng, ngày hội lớn của các tầng lớp phụ nữ cả nước, đánh dấu sự phát triển của phong trào phụ nữ và tổ chức Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam.

Đoàn Chủ tịch Đại hội.

Thay mặt Đại hội, đồng chí Hà Thị Nga bày tỏ lòng kính trọng và biết ơn vô hạn, thành kính tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu - Người đã sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta. Quan điểm và tư tưởng về giải phóng phụ nữ và bình đẳng nam nữ của Người là định hướng quan trọng cho phong trào phụ nữ và công tác Hội trong suốt hơn 90 năm qua. Những tình cảm, sự quan tâm của Người đối với phụ nữ mãi mãi là nguồn động viên, khích lệ, cổ vũ tinh thần to lớn cho các thế hệ phụ nữ Việt Nam. Đại hội bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, các Anh hùng liệt sĩ, các thế hệ cán bộ, hội viên, phụ nữ đã cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và cả trong cuộc chiến với dịch Covid-19 vì sự phát triển của đất nước và sự tiến bộ của phụ nữ.

Bà Hà Thị Nga, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam phát biểu khai mạc Đại hội. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

“Trong nhiệm kỳ qua, Đảng, Nhà nước tiếp tục ban hành và triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách về bình đẳng giới và vì sự phát triển của phụ nữ: Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 21-CT/TƯ về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới; nhiều văn bản được ban hành, sửa đổi bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững và nguyên tắc bình đẳng giới; Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030; phê duyệt các chương trình mục tiêu quốc gia với nhiều nội dung quan trọng, tạo cơ hội hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện và từng bước thực hiện thúc đẩy bình đẳng giới một cách thực chất…”, đồng chí Hà Thị Nga cho biết.

Đồng chí Hà Thị Nga nhấn mạnh, trải qua 91 năm hình thành và phát triển, mỗi kỳ Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc đều có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Đại hội lần này được tổ chức trong bối cảnh công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo đã giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử; Đại hội lần thứ XIII của Đảng mở ra vận hội mới cho đất nước và cơ hội phát triển cho mọi tầng lớp nhân dân nói chung, phụ nữ nói riêng, nhưng cũng đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ to lớn cho cả hệ thống chính trị, trong đó có tổ chức Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam. Trong bối cảnh đó đòi hỏi Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng phong trào thi đua yêu nước và các hoạt động của tổ chức Hội.

“Từng cán bộ, hội viên phụ nữ tiếp tục phát huy truyền thống con cháu của Bà Trưng, Bà Triệu, phát huy truyền thống của dân tộc Việt Nam anh hùng, không ngừng nỗ lực học tập, lao động sáng tạo, chủ động tham gia vào nền kinh tế số, xã hội số và hội nhập quốc tế; xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh. Tổ chức Hội tiếp tục đoàn kết, vận động, tập hợp, khơi dậy khát vọng vươn lên và tiềm năng to lớn của phụ nữ, thực hiện tốt vai trò nòng cốt trong công tác phụ nữ của Đảng, là thành viên có trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Liên đoàn Phụ nữ dân chủ quốc tế, Liên đoàn các tổ chức phụ nữ ASEAN”, đồng chí Hà Thị Nga phát biểu.

Đoàn đại biểu phụ nữ thành phố Hà Nội tham dự Đại hội.

Trên cơ sở đó, Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII có nhiệm vụ kiểm điểm, đánh giá khách quan, toàn diện các kết quả, hạn chế và nguyên nhân; rút ra những bài học kinh nghiệm thật sự sâu sắc sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XII; tập trung trí tuệ, dân chủ thảo luận để xác định mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2022-2027; thông qua Điều lệ Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam (sửa đổi, bổ sung); bầu Ban Chấp hành Trung ương Hội khóa XIII thực sự tiêu biểu về phẩm chất chính trị, đạo đức, trí tuệ, sức sáng tạo, đủ năng lực lãnh đạo hoàn thành những nhiệm vụ to lớn của phong trào phụ nữ và công tác Hội trong nhiệm kỳ tới.

Các cấp Hội đã giúp đỡ hơn 2 triệu hộ nghèo

Trình bày dự thảo Báo cáo chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Đỗ Thị Thu Thảo nêu rõ, nhiệm kỳ qua, thực hiện vai trò nòng cốt trong công tác phụ nữ, các cấp Hội không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng về cơ sở; lấy nhu cầu thiết thân của phụ nữ và nhiệm vụ của địa phương, lĩnh vực là căn cứ để xác định nội dung, hình thức hoạt động; mở rộng kết nối, tăng cường ảnh hưởng đối với phụ nữ và xã hội, đề cao tính chủ động, trách nhiệm của từng cấp và người đứng đầu. Các hoạt động chăm lo, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, xây dựng gia đình tiếp tục được đổi mới và đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Trước ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19 và thiên tai, các cấp Hội đã nỗ lực vượt khó, bám sát địa bàn triển khai hoạt động Hội, chủ động quan tâm chăm lo sức khỏe và đời sống cho hội viên, phụ nữ. Các chương trình thiết thực như “Triệu phần quà san sẻ yêu thương”, “Vì nụ cười phụ nữ”, “Kiên cường Việt Nam”, “Mẹ đỡ đầu”… đã góp phần huy động sức người, sức của cho cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh và thiên tai. Trong hai năm 2020 và 2021, Hội đã vận động được hơn 480 tỷ đồng và 730 nghìn phần quà san sẻ yêu thương hỗ trợ hội viên, phụ nữ và trẻ em ổn định cuộc sống… Trong nhiệm kỳ, Hội đã vận động được 746 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa mái ấm tình thương và hơn 3.000 tỷ đồng cho các hoạt động xã hội, từ thiện.

Cùng với đó, công tác vận động, hỗ trợ phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp, phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường đã có những điểm khởi sắc, chuyển đổi mạnh mẽ. Thông qua các mô hình sinh kế tạo việc làm tại chỗ; hoạt động giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ; giúp nhau phát triển kinh tế gia đình; hỗ trợ vốn, đào tạo cho phụ nữ nghèo, gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, nông thôn mới…, các cấp Hội đã giúp hơn 2 triệu hộ nghèo, trong đó có gần 270.000 hộ thoát nghèo theo tiêu chí đa chiều. Đồng thời, các cấp Hội đã vận động, hỗ trợ gần 73.000 phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh; gần 12.000 mô hình kinh tế tập thể và gần 800 hợp tác xã được thành lập.

Mục tiêu chung trong 5 năm tới là: Phát huy truyền thống, tinh thần đoàn kết, sáng tạo, chủ động hội nhập, ý thức làm chủ của các tầng lớp phụ nữ; xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, tích cực xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của phụ nữ. Phấn đấu đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, khẳng định vị thế tổ chức tiên phong hành động vì hạnh phúc của phụ nữ, có tầm ảnh hưởng trong khu vực và quốc tế; góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển đất nước.

Để đạt được mục tiêu trên, nhiệm kỳ XIII đề ra 4 nhóm chỉ tiêu, 2 khâu đột phá; đồng thời xác định 3 nhiệm vụ trọng tâm theo 3 yếu tố quan trọng của phong trào phụ nữ và tổ chức Hội. Hội đã đặt các chỉ tiêu chủ yếu, gồm: Hằng năm, mỗi cơ sở Hội duy trì thường xuyên ít nhất một loại hình hoạt động để vận động phụ nữ nâng cao kiến thức, trau dồi đạo đức, rèn luyện sức khỏe. Các cấp Hội phụ nữ phấn đấu giúp 33.500 hộ có phụ nữ thoát nghèo, thoát cận nghèo; hỗ trợ nâng cao năng lực cho 17.000 phụ nữ là chủ doanh nghiệp, quản lý hợp tác xã, chủ hộ kinh doanh; đến cuối nhiệm kỳ, vận động, hỗ trợ thành lập mới 350 hợp tác xã có phụ nữ tham gia quản lý. Đến cuối nhiệm kỳ, các cấp Hội nỗ lực hỗ trợ 80% phụ nữ, trẻ em gái là nạn nhân của bạo lực gia đình, nạn nhân mua bán người trở về được phát hiện, tiếp cận ít nhất một dịch vụ trợ giúp xã hội…

Tại Đại hội, qua tham luận “Phụ nữ Hà Nội góp phần xây dựng thành phố hòa bình, thành phố sáng tạo” của Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội Lê Kim Anh và Clip “Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh - Khát vọng vươn cao” của Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh, các đại biểu đã hiểu rõ thêm truyền thống tốt đẹp, tinh thần tự chủ, sáng tạo, hội nhập, khát vọng vươn lên, nắm bắt cơ hội, vượt qua khó khăn thách thức, quyết tâm xây dựng tổ chức Hội vững mạnh của hai đơn vị đầu tàu cũng như cán bộ, hội viên phụ nữ cả nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Đại hội.

Gắn với các vấn đề thiết thực cho phụ nữ

Phát biểu chỉ đạo Đại hội, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhiệt liệt chúc mừng, ghi nhận và biểu dương những thành tích to lớn của phong trào phụ nữ và Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam trong nhiệm kỳ qua. Đồng thời, hoan nghênh, ghi nhận và cảm ơn sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của các cấp ủy Đảng, sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các ban, bộ, ngành, đoàn thể, sự ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp trong công tác phụ nữ và bình đẳng giới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng cho rằng: “Bên cạnh những kết quả tích cực, có ý nghĩa to lớn nêu trên, chúng ta cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, 5 năm qua, phong trào phụ nữ và hoạt động của tổ chức Hội vẫn còn những tồn tại, hạn chế và gặp phải nhiều khó khăn, thách thức. Phong trào chưa thực sự toàn diện, mạnh mẽ, đồng đều, chưa khơi dậy và phát huy đầy đủ tiềm năng, sức sáng tạo của phụ nữ trên các lĩnh vực. Ở một số nơi, cách thức tổ chức phong trào thi đua, cuộc vận động còn hình thức, chưa hấp dẫn, thiết thực. Công tác tuyên truyền, giáo dục, xây dựng người phụ nữ phát triển toàn diện chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc nắm bắt tâm tư, tình cảm; thấu hiểu và chia sẻ những khó khăn về đời sống, việc làm của hội viên, phụ nữ tại một số địa phương còn hạn chế…”.

Thủ tướng cơ bản đồng tình với phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2022-2027, những mục tiêu, các khâu đột phá và nhiệm vụ trọng tâm đã đề ra trong báo cáo của Đại hội. Trong giai đoạn tới, để Hội có thể khẳng định, nâng cao vai trò nòng cốt trong công tác phụ nữ, trở thành tổ chức hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả, chủ động tham gia giải quyết các vấn đề của phụ nữ, vận động xã hội thực hiện mục tiêu bình đẳng giới trong khu vực và quốc tế, Thủ tướng nhấn mạnh, gợi mở thêm một số vấn đề để Đại hội thảo luận, xem xét, quyết định.

Cụ thể, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam cần nắm vững, quán triệt sâu sắc, cụ thể hóa những quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng; có những giải pháp, biện pháp cụ thể, mạnh mẽ, khả thi để đưa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống. Cùng với đó, các cấp Hội cần tiếp tục kiện toàn tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để trở thành tổ chức hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả vì sự phát triển toàn diện của phụ nữ và sự hùng cường, phồn vinh, thịnh vượng của đất nước. Tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế là tổ chức tiên phong vì bình đẳng giới và sự phát triển của phụ nữ Việt Nam, có tầm ảnh hưởng trong khu vực và quốc tế.

Đồng thời, cần đa dạng hóa nội dung hoạt động, hướng mạnh về cơ sở; nắm vững tình hình và xử lý tốt các vấn đề phát sinh từ cơ sở, tham gia thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở; đẩy mạnh cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành, triển khai hoạt động. Tích cực tham mưu, đề xuất cơ chế, chính sách về công tác phụ nữ, công tác cán bộ nữ; luật pháp, chính sách về bình đẳng giới, trước mắt là các chính sách bảo đảm an sinh xã hội, gắn với các vấn đề thiết thực cho phụ nữ, nhất là các nhóm phụ nữ đặc thù.

Đặc biệt, các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, tổ chức xã hội, cơ quan thông tin đại chúng cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm về giới và thực hiện bình đẳng giới cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tiếp tục thúc đẩy bình đẳng giới, coi đó là một tiêu chí của tiến bộ, văn minh, thực hiện tốt các cam kết quốc tế về phụ nữ và phát triển mà Việt Nam tham gia, nhất là Chương trình Nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về phát triển bền vững. Xây dựng xã hội tốt đẹp trên nền tảng tôn trọng, tôn vinh, chăm lo, bảo vệ phụ nữ; phong cách ứng xử văn minh, văn hóa đối với phụ nữ; phát huy vai trò, tiềm năng, thế mạnh của phụ nữ. (Toàn văn phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính xem tại đây).

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tặng hoa chúc mừng Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tặng hoa chúc mừng Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chụp ảnh cùng các đại biểu.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng các đại biểu.

Tại Đại hội, Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga thay mặt lãnh đạo Hội trân trọng cảm ơn sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước và những ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Phiên khai mạc Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2022-2027 đã diễn ra thành công tốt đẹp. Chiều nay (10-3), Đại hội sẽ tiến hành 5 trung tâm thảo luận với các chủ đề: Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới; Phụ nữ trong nền kinh tế số; Vun đắp giá trị gia đình Việt Nam; Xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả; Xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, vận động xã hội thực hiện bình đẳng giới.

12 con số ấn tượng nhiệm kỳ 2017-2022

- Hỗ trợ gần 13 triệu gia đình hội viên phụ nữ đạt tiêu chí gia đình “5 không, 3 sạch”; gần 17 nghìn công trình, phần việc góp phần xây dựng nông thôn mới.

- Gần 12 nghìn mô hình kinh tế tập thể do phụ nữ tham gia quản lý được Hội hỗ trợ thành lập; hỗ trợ thành lập mới gần 800 hợp tác xã.

- Gần 164 nghìn tỷ đồng hỗ trợ gần 73 nghìn phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh. 87 nghìn doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh do nữ làm chủ được nâng cao năng lực về thương mại điện tử.

- Gần 482 tỷ đồng ủng hộ cán bộ, hội viên, phụ nữ và nhân dân chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, trong đó trên 730 nghìn phần quả san sẻ yêu thương.

- 255 xã được nhận hỗ trợ từ Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” với tổng nguồn lực huy động hỗ trợ gần 210 tỷ đồng (từ năm 2018 đến nay).

- Hơn 118 nghìn mô hình vận động hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội được xây dựng và nhân rộng. Hơn 25 triệu hội viên, phụ nữ, cha mẹ có con dưới 16 tuổi được cung cấp thông tin, kiến thức về giữ gìn, rèn luyện phẩm chất đạo đức, ý thức chấp hành pháp luật, về giáo dục làm cha mẹ, an toàn thực phẩm và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới.

- Gần 135 nghìn phụ nữ tiêu biểu được Hội giới thiệu kết nạp Đảng, trong đó gần 90 nghìn phụ nữ được kết nạp.

- Gần 13 nghìn đại hội phụ nữ các cấp đã thành công tốt đẹp, trong đó 158 đại hội cấp huyện và 22 tỉnh, thành phố được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Phát triển mới hơn 2 triệu hội viên, nâng tổng số hội viên cả nước lên 19 triệu hội viên.

- Gần 2 nghìn trang fanpage Facebook, hơn 11 nghìn nhóm Zalo được thành lập phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, tuyên truyền của các cấp Hội.

- Tham mưu tổ chức 700 cuộc đối thoại với cấp ủy, chính quyền các cấp, đề xuất hơn 600 chính sách; giám sát gần 6 nghìn chính sách; góp ý và phản biện xã hội vào trên 33 nghìn dự thảo văn bản.

- Hơn 95% Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, thành giáp biên của Việt Nam ký kết và hợp tác với đối tác láng giềng.

- Hơn 8 nghìn tập thể và 3 nghìn cá nhân được tặng Bằng khen của Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam; gần 420 nghìn công trình, phần việc trị giá trên 600 tỷ đồng chào mừng Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khai mạc trọng thể Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.