Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khai mạc Đại hội Đảng bộ Thái Nguyên lần XVIII

Theo Vietnam+| 21/10/2010 14:26

Ngày 21/10, tại thành phố Thái Nguyên, Đại hội đại biểu lần thứ XVIII Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên đã khai mạc.

Múa hát chào mừng Đại hội.

Phát biểu tại Đại hội, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh cho rằng qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên đã phát huy truyền thống cách mạng kiên cường, đoàn kết, nỗ lực phấn đấu với ý chí và quyết tâm cao, giành được những thành tựu quan trọng và khá toàn diện.

Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư biểu dương sự nỗ lực cố gắng và những thành tựu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thái Nguyên đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, Tổng Bí thư cũng đề nghị đại hội nghiêm túc nhìn nhận những mặt hạn chế, yếu kém, phân tích rõ các nguyên nhân, rút ra những bài học sâu sắc cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Cụ thể, những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ qua vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của tỉnh. Chất lượng tăng trưởng chưa cao; giá trị kim ngạch xuất khẩu thấp; hiệu quả, năng lực cạnh tranh của một số sản phẩm và doanh nghiệp còn hạn chế. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số tổ chức cơ sở đảng còn có mặt hạn chế...

Về phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu trong 5 năm tới, Tổng Bí thư nhấn mạnh Đảng bộ và nhân dân tỉnh Thái Nguyên cần nhận thức rõ những thời cơ, thuận lợi và các tiềm năng, lợi thế của địa phương để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khai thác và phát huy có hiệu quả cho phát triển.

Tỉnh cần tiếp tục phấn đấu để hoàn thành các mục tiêu như xây dựng Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm công nghiệp và đào tạo của cả nước; trung tâm kinh tế, văn hóa, y tế của vùng trung du miền núi Bắc Bộ và là vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc của thủ đô Hà Nội.

Với tinh thần đó, tỉnh Thái Nguyên phải phấn đấu ở mức cao hơn và quyết liệt hơn các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu như tốc độ tăng trưởng kinh tế, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, đào tạo nguồn nhân lực, chủ động tham gia hội nhập quốc tế để đưa nền kinh tế tỉnh nhà phát triển nhanh và bền vững.

Hai là, trong các nhiệm vụ, giải pháp, cần lựa chọn đúng những vấn đề trọng tâm, trọng điểm có tính đột phá trên một số lĩnh vực phát huy thế mạnh. Ngoài thép xây dựng truyền thống, Thái Nguyên cần có công nghệ sản xuất thép chất lượng cao, phục vụ cho các ngành công nghiệp phụ trợ trong nước, sản xuất điện năng, vật liệu xây dựng, chế biến sâu các kim loại quý hiếm; phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch theo hướng hiện đại; xây dựng các cơ chế, chính sách quản lý vừa thu hút vừa nâng hiệu quả đầu tư.

Trong xây dựng nông thôn mới, Thái Nguyên cần phát huy lợi thế của kinh tế đồi rừng, gắn với hiệu quả kinh tế-xã hội để nhân dân có cuộc sống ổn định, góp phần vào sự nghiệp phát triển chung của tỉnh nhà và của đất nước; quan tâm phát triển các lĩnh vực văn hóa-xã hội, giáo dục và đào tạo, y tế, giải quyết việc làm, giảm nghèo, chăm lo đời sống cho đồng bào các dân tộc ở vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ kháng chiến; tích cực kiềm chế, ngăn ngừa tội phạm và các tệ nạn xã hội, tạo môi trường lành mạnh cho đầu tư và phát triển.

Ba là, tỉnh phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành Trung ương để thực hiện có hiệu quả các dự án lớn trên địa bàn; tập trung đầu tư vào các dự án trọng điểm, nhất là các dự án giao thông, thủy lợi, thông tin truyền thông, trường học, bệnh viện, hạ tầng đô thị, đô thị sinh viên, khu dân cư nông thôn, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, khu du lịch...

Bốn là, Đảng bộ cần căn cứ vào tình hình cụ thể để xác định mục tiêu, nội dung xây dựng Đảng sát hợp, cụ thể và thiết thực nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của toàn Đảng bộ; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tư tưởng gắn với thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" trong toàn Đảng bộ.

Tỉnh cần quan tâm đến công tác xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ các cấp, lựa chọn những người thật sự có đức, có tài, có uy tín vào các vị trí lãnh đạo; coi trọng việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, kiên quyết đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; phải giữ vững đoàn kết, thống nhất trong Đảng, trước hết là trong Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ và Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.

Về tổ chức chỉ đạo thực hiện nghị quyết, Tổng Bí thư hoan nghênh cách làm của tỉnh Thái Nguyên, là cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ lớn thành các chương trình, đề án, công trình trọng điểm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo; phân công rõ trách nhiệm của các cấp, ngành và cá nhân phụ trách để kiểm tra, đôn đốc trong tổ chức thực hiện.

Báo cáo chính trị do ông Phạm Xuân Đương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh trình bày cho biết 5 năm qua, Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên đã giữ vững đoàn kết, nỗ lực, phát huy sức mạnh toàn dân, thực hiện thắng lợi phần lớn các chỉ tiêu kinh tế-xã hội đã đề ra.

Nổi bật là tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 11,11%/năm (cao hơn bình quân chung của cả nước), cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp-xây dựng và dịch vụ (so với đầu nhiệm kỳ, tỷ trọng khu vực công nghiệp-xây dựng tăng từ 38,71% lên 41,6%, dịch vụ tăng từ 35% lên 37%), nông lâm nghiệp giảm từ 26% xuống còn 21%; thu ngân sách trên địa bàn tăng bình quân 23%/năm và năm 2010 ước đạt 2.000 tỷ đồng.

Thu nhập bình quân đầu người của tỉnh năm 2010 ước đạt 17,4 triệu đồng (tương đương 950 USD) gấp 2,9 lần so với năm 2005)...

Trong phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, hàng năm tỉnh huy động trên 6.000 tỷ đồng cho đầu tư phát triển, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả 5 chương trình, 12 đề án, 22 công trình trọng điểm, làm tốt công tác giải phóng mặt bằng đường cao tốc Thái Nguyên-Hà Nội; kiên cố hoá trên 3.000 phòng học, xóa hơn 16.000 nhà dột nát cho hộ nghèo, xây dựng 52 công trình nhà ở sinh viên.

Trong lĩnh vực văn hóa-xã hội, 5 năm qua, toàn tỉnh đã xây dựng được 320 trường học đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 50% số trường học trên địa bàn, xây dựng 150 xã chuẩn về y tế; dự tính đến hết năm nay, toàn tỉnh giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn khoảng 11%.

Đặc biệt công tác xây dựng Đảng đã có nhiều tiến bộ, số tổ chức cơ sở Đảng đạt trong sạch vững mạnh hàng năm đạt trên 78%, hàng năm kết nạp gần 3.000 quần chúng ưu tú vào Đảng...

Đại hội làm việc đến ngày 23/10./.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khai mạc Đại hội Đảng bộ Thái Nguyên lần XVIII

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.