Phòng cháy chữa cháy

Khắc phục tư tưởng “thoái thác”, “trông chờ” vào lực lượng phòng cháy, chữa cháy

Hương Ly - Ảnh: Quang Thái 28/06/2024 18:55

Chiều 28-6, Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND thành phố Hà Nội chủ trì giao ban quý II-2024 với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Trọng Đông, chủ trì hội nghị.

9d01c6eb3ba299fcc0b3.jpg
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Quang Thái.

Dự hội nghị có các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hoàng Trọng Quyết, Trưởng ban Nội chính Thành ủy Nguyễn Quang Đức; các Phó Chủ tịch UBND thành phố: Nguyễn Mạnh Quyền, Hà Minh Hải, Vũ Thu Hà...

Hội nghị được tổ chức trực tuyến từ điểm cầu chính tại trụ sở Thành ủy tới các quận, huyện, thị xã trên địa bàn với gần 10.000 đại biểu tham dự.

Hội nghị đã nghe báo cáo ba nội dung: Công tác chủ động, sẵn sàng ứng phóng với thiên tai trong điều kiện biến đổi khí hậu, diễn biến thời tiết cực đoan, khó lường năm 2024; kết quả công tác phòng, chống cháy nổ trên địa bàn thành phố và kết quả thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TU ngày 1-9-2016 của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất trên địa bàn thành phố Hà Nội.

c214148be0c2429c1bd3.jpg
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cùng các đồng chí lãnh đạo thành phố chủ trì hội nghị. Ảnh: Quang Thái.

Hơn 60.000 người tham gia lực lượng phòng, chống thiên tai

Báo cáo về công tác chủ động, sẵn sàng ứng phó với thiên tai trên địa bàn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Đại cho biết, ngay từ đầu năm 2024, UBND thành phố, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT & TKCN) đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, quán triệt tới các cấp, ngành nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động xây dựng các phương án, kế hoạch phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai và TKCN.

gb-a-dai-.jpg
Giám đốc Sở NN và PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại báo cáo tại hội nghị. Ảnh: Quang Thái.

Đến nay, 30/30 quận, huyện, thị xã đã hoàn thiện việc kiện toàn bộ máy chỉ huy, chỉ đạo và Ban Chỉ huy PCTT & TKCN; 579/579 xã, phường, thị trấn đã thực hiện kiện toàn tổ chức lực lượng xung kích PCTT với sự tham gia của hơn 60.000 người.

Bộ Tư lệnh Thủ đô đã tổ chức hiệp đồng sử dụng lực lượng, phương tiện làm nhiệm vụ ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn với các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn, tổng quân số hiệp đồng 10.732 đồng chí và 303 phương tiện các loại.

Hà Nội hiện có tổng số 626,513km đê được phân cấp, 6 tháng đầu năm 2024, phát sinh 5 sự cố về đê điều. Hiện, trên địa bàn thành phố còn tồn tại 11 điểm úng ngập đối với các trận mưa có cường độ 50-70mm/h; 19 điểm úng ngập cục bộ và một số điểm ứ đọng nước do mặt đường trũng, thấp với những trận mưa đến 100mm/h trở lên, gây quá tải cho hệ thống thoát nước.

6 tháng qua, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 2 vụ cháy rừng, 2 vụ nổ, 3 vụ sập đổ công trình, 5 vụ tìm kiếm cứu nạn. Bộ Tư lệnh Thủ đô đã huy động tổng lực lượng, phương tiện tham gia khắc phục hậu quả 2.448 lượt người, 249 lượt phương tiện các loại.

Hơn 73% vụ cháy là do sự cố hệ thống, thiết bị điện

Báo cáo về kết quả công tác phòng, chống cháy nổ, Phó Giám đốc Công an thành phố Nguyễn Thành Long cho biết, 6 tháng năm 2024 đã xảy ra 594 vụ cháy, làm 20 người chết, 9 người bị thương, ước tính thiệt hại 5,1 tỷ đồng, trong đó 4 vụ gây thiệt hại nghiêm trọng...

gb-a-long-catp.jpg
Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội Nguyễn Thành Long báo cáo tại hội nghị. Ảnh: Quang Thái.

Nguyên nhân vụ cháy do sự cố hệ thống, thiết bị điện chiếm hơn 73%; còn lại là các nguyên nhân do sơ suất khi sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt hơn 10%; do vi phạm về quy định phòng cháy, chữa cháy (PCCC) 0,34% và các nguyên nhân khác.

Lực lượng PCCC và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) trực tiếp triển khai chữa cháy 289 vụ, chiếm hơn 48% tổng số vụ cháy. Còn lại hơn 51% số vụ cháy do lực lượng tại chỗ dập tắt.

Hoạt động tiếp nhận và xử lý thông tin báo cháy nổ, CHCN bảo đảm thông suốt 24/24h, 100% tin báo cháy, sự cố, tai nạn được tiếp nhận và xử lý theo quy định...

Qua rà soát, toàn thành phố còn gần 3.000 cơ sở không bảo đảm yêu cầu về PCCC. Hầu hết các cơ sở đã cam kết lộ trình thời hạn khắc phục. Đến nay, toàn thành phố đã hoàn thành kiểm tra đối với 36.972 cơ sở nhà trọ trên địa bàn, đạt 100%, xử phạt 3.134 trường hợp, tạm đình chỉ 672 trường hợp, yêu cầu 16.479 cơ sở dừng hoạt động, yêu cầu 100% chủ đầu tư ký cam kết thực hiện.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an, Ban Cán sự đảng thành phố đã chỉ đạo các đơn vị thường xuyên hướng dẫn, đôn đốc các chủ cơ sở, hộ gia đình, người dân thực hiện các giải pháp bảo đảm an toàn PCCC, như: Tạo lối thoát nạn khẩn cấp thứ hai, có giải pháp ngăn cháy, ngăn khói khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao với khu vực ở; trang bị các phương tiện, thiết bị PCCC...

Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu 1.678.912 thửa đất

Trình bày báo cáo về kết quả thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TU ngày 1-9-2016 của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất trên địa bàn thành phố Hà Nội, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Lê Thanh Nam cho biết, đến nay, tổng số thửa đất cần đăng ký, cấp giấy chứng nhận (GCN) lần đầu cho các hộ gia đình, cá nhân trong khu dân cư trên địa bàn là 1.678.912 thửa đất; trong đó có số thửa đất đã kê khai, đăng ký đất đai và cấp GCN là 1.672.222 thửa/1.678.912 thửa, đạt 99,6%...

gb-a-nam-tai-moi-.jpg
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Lê Thanh Nam báo cáo tại hội nghị. Ảnh: Quang Thái.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban Cán sự đảng UBND thành phố, vẫn còn nhiều tồn tại trong công tác cấp GCN quyền sử dụng đất. Một số quận, huyện hiện đang ở bước tiếp tục tiếp nhận và xử lý đơn đăng ký của người dân; chưa thẩm định xong hồ sơ cấp GCN lần đầu. Công tác bán nhà cho người mua nhà ở cũ thuộc sở hữu Nhà nước còn chưa dứt điểm, còn khoảng 1.000 căn nhà ở cũ thuộc sở hữu Nhà nước...

Một số dự án nhà ở có tình trạng vi phạm quy hoạch, thiết kế được duyệt làm gia tăng dân số cơ học, ảnh hưởng đến hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.

gb-soc-son-.jpg
Các điểm cầu trực tuyến tại hội nghị. Ảnh: Quang Thái.

Thời gian tới, thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC), niêm yết công khai, minh bạch TTHC…Đồng thời, thành phố sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc cấp GCN lần đầu tại các quận, huyện, thị xã; và thanh tra, kiểm tra việc đăng ký biến động đất đai tại các Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai trên toàn thành phố…

Thảo luận tại hội nghị, các quận, huyện, sở, ngành đã nêu nhiều ý kiến về triển khai công tác phòng, chống cháy nổ, PCTT và tìm kiếm cứu hộ; việc triển khai Chỉ thị số 09-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy.

gb-hong-ha-.jpg
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà phát biểu. Ảnh: Quang Thái.

Phát biểu tổng kết phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà đã ghi nhận, đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các quận, huyện, sở, ngành trong việc tham gia, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm trong việc triển khai các nhiệm vụ chính trị của thành phố. Các quận, huyện cũng đã nêu nhiều kiến nghị, đề xuất quan trọng, qua đó, giúp thành phố nâng cao chất lượng công tác PCCC, phòng, chống thiên tai và CNCH trên địa bàn thành phố.

Bảo đảm 100% thửa đất trên địa bàn được kê khai, đăng ký

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đã ghi nhận, đánh giá cao 8 ý kiến tham luận tại hội nghị.

e8cda1db5b92f9cca083.jpg
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Quang Thái.

Liên quan đến công tác chủ động, sẵn sàng ứng phó với thiên tai trong điều kiện biến đổi khí hậu, diễn biến thời tiết cực đoan, khó lường, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đánh giá cao những kết quả đạt được trong thời gian qua, đặc biệt là công tác chỉ đạo điều hành, xây dựng, triển khai các phương án, kế hoạch cũng như công tác truyền thông nâng cao nhận thức, kỹ năng PCTT trên địa bàn thành phố.

Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, các địa phương, đơn vị cần quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn Trung ương và thành phố trong công tác PCTT. Bên cạnh đó, cần duy trì nghiêm túc chế độ trực ban, tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến từng tình huống thiên tai, sự cố, biến đổi khí hậu, môi trường; chú trọng địa bàn hay xảy ra bão lũ; đẩy nhanh hoàn thiện các công trình PCTT.

Về tăng cường công tác PCCC và CNCH, đồng chí Nguyễn Thị Tuyến đánh giá, thời gian vừa qua, tình hình cháy, nổ diễn biến hết sức phức tạp. 9 tháng trở lại đây, trên địa bàn thành phố liên tiếp xảy ra một số vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản ở loại hình nhà ở, nhà ở kết hợp kinh doanh, nhà ở cho thuê trọ...

Trước diễn biến phức tạp này, thành phố đã ban hành nhiều Chỉ thị, Nghị quyết, đặc biệt là Chỉ thị số 25-CT/TU ngày 20-9-2023, Công văn số 1150-CV/TU ngày 29-5-2024 của Ban Thường vụ Thành ủy về tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác PCCC và CNCH trên địa bàn thành phố Hà Nội trong tình hình mới. Nhờ đó, công tác PCCC và CNCH cũng đã có chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực này chưa được khắc phục, dẫn đến nhiều vụ cháy làm chết nhiều người, thiệt hại nghiêm trọng về tài sản. Một số cấp ủy, chính quyền địa phương cấp huyện, xã còn có tư tưởng “thoái thác”, “trông chờ” vào lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH. Thêm vào đó, nhận thức, ý thức về PCCC của một bộ phận người đứng đầu cơ sở, chủ hộ gia đình còn hạn chế, chưa quan tâm đúng mức đến công tác PCCC; còn tư tưởng lơ là, chủ quan, đặt lợi ích kinh tế lên trên hết mà không quan tâm đến đầu tư cho công tác bảo đảm an toàn PCCC…

Để khắc phục tình trạng trên, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị, Ban Cán sự đảng UBND thành phố tiếp tục phát huy vai trò trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo; tập trung xây dựng, sớm hoàn thiện “Đề án nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn PCCC và CNCH trên địa bàn Thủ đô giai đoạn đến năm 2025, định hướng năm 2030”...

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng yêu cầu các địa phương, đơn vị xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân không thực hiện chỉ đạo của thành phố, trong đó tập trung vào một số chuyên đề, như: Xử lý các công trình vi phạm PCCC trong lĩnh vực đầu tư xây dựng; tập trung giải quyết dứt điểm những tồn tại liên quan PCCC và CNCH tại các khu dân cư, các loại hình cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao…

Về kết quả triển khai thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đánh giá, những năm qua, thành phố đã ban hành nhiều văn bản và tập trung chỉ đạo thực hiện bằng nhiều biện pháp quyết liệt, có hiệu quả.

Thời gian tới, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị, các địa phương, đơn vị tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhóm giải pháp nêu tại Chỉ thị số 09-CT/TU, Chương trình số 10-CTr/TU ngày 17-3-2021 của Thành ủy Hà Nội; tiếp tục chỉ đạo thực hiện hoàn thành Dự án tổng thể xây dựng hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu quản lý đất đai đã được UBND thành phố phê duyệt, để làm cơ sở kê khai, cấp GCN cho các trường hợp còn lại.

Đối với UBND các quận, huyện, thị xã, cần chỉ đạo UBND cấp xã phối hợp với đơn vị tư vấn rà soát kết quả đo đạc bản đồ địa chính của xã để thông báo cho người sử dụng đất thực hiện việc kê khai, đăng ký, bảo đảm 100% các thửa đất trên địa bàn được kê khai, đăng ký.

Nhấn mạnh, thành phố Hà Nội đã từng giải quyết thành công nhiều nhiệm vụ khó, phức tạp, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy tin tưởng, với tinh thần đoàn kết, thống nhất, quyết tâm cao, các cấp, ngành sẽ khắc phục được những khó khăn, thách thức, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII đã đề ra, xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khắc phục tư tưởng “thoái thác”, “trông chờ” vào lực lượng phòng cháy, chữa cháy

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.