UBND thành phố Hà Nội vừa có kế hoạch tuyên truyền, phổ biến và triển khai thực hiện Nghị định số 50/2024/NĐ-CP ngày 10-5-2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24-11-2020 và Nghị định số 83/2017/NĐ-CP ngày 18-7-2017 của Chính phủ.
Kế hoạch nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ (CNCH); vai trò, trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, thủ trưởng cơ quan, đơn vị và chính quyền địa phương trong thực hiện công tác PCCC và CNCH; nhận thức, ý thức, trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở, chủ hộ gia đình và cá nhân trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về PCCC và CNCH.
Để thực hiện tốt nội dung này, UBND thành phố triển khai 6 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, quán triệt, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị định số 50/2024/NĐ-CP và các văn bản quy phạm pháp luật chi tiết thi hành đến thủ trưởng các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương các cấp, người đứng đầu cơ sở, chủ hộ gia đình và mọi tầng lớp nhân dân, người dân, người lao động, sinh sống, làm việc và học tập trên địa bàn Thủ đô.
Tuyên truyền, phổ biến Nghị định số 50/2024/NĐ-CP và các văn bản quy phạm pháp luật chi tiết thi hành trên các trang báo, Cổng thông tin điện tử của các đơn vị, các trang mạng xã hội… Tuyên truyền, phổ biến các nội dung mới thay đổi, điều chỉnh của Nghị định. Biên tập, biên soạn nội dung tuyên truyền chuyên sâu theo từng chủ đề, lĩnh vực gắn với từng diện đối tượng cụ thể, phù hợp với từng hình thức tuyên truyền khác nhau.
Tập huấn, hướng dẫn Nghị định số 50/2024/NĐ-CP và các văn bản quy phạm pháp luật chi tiết thi hành cho cơ quan trực tiếp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về PCCC và CNCH theo phân cấp của Chính phủ; các cơ quan có trách nhiệm phối hợp trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước có liên quan đến công tác PCCC và CNCH; các cơ quan có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến pháp luật; tập huấn cho đối tượng thuộc diện quản lý của cơ quan quản lý nhà nước về PCCC và CNCH.
UBND thành phố cũng yêu cầu rà soát, điều tra cơ bản và phân cấp quản lý trong công tác PCCC: Các đơn vị tổ chức rà soát, điều tra cơ bản lập danh sách, hồ sơ, tiếp nhận, bàn giao cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC trên địa bàn; thực hiện công tác quản lý nhà nước về PCCC và CNCH theo đúng quy định. Rà soát, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện Nghị định số 50/2024/NĐ-CP.
Bên cạnh đó, thường xuyên đào tạo, nâng cao trình độ, chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở làm công tác PCCC và CNCH đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Ưu tiên đầu tư cơ sở, vật chất, bảo đảm về kinh phí hoạt động, có chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng, kỹ thuật về PCCC; nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất và mua sắm các phương tiện, thiết bị PCCC và CNCH; bố trí địa điểm, đầu tư kinh phí xây dựng trụ sở làm việc cho các đội Cảnh sát PCCC và CNCH đáp ứng yêu cầu công tác sinh hoạt và luyện tập. Duy trì, phát huy hiệu quả hoạt động các đội dân phòng, đội PCCC cơ sở, đội PCCC chuyên ngành; hỗ trợ thường xuyên các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng trên địa bàn thành phố theo quy định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.