Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khắc phục ô nhiễm môi trường không khí: Việc làm cấp bách

Nguyễn Mai| 14/11/2017 06:32

(HNM) - Những ngày qua, vấn đề môi trường không khí ở Hà Nội lại “nóng” lên khi thông số đo đạc thu thập từ các trạm quan trắc tự động có nhiều chỉ số tăng cao hơn mức bình thường, nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe người dân.

Khói, bụi làm không khí ở Thủ đô Hà Nội có ngày bị ô nhiễm cao. Ảnh: Việt Hùng


Chỉ số ô nhiễm tăng cao

Quá trình đô thị hóa và kiến thiết hạ tầng thành phố khiến Hà Nội đang chịu tác động tiêu cực về ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. Theo số liệu thu được từ các trạm quan trắc không khí trên địa bàn Thủ đô, hàm lượng benzen vượt QCVN 06:2009/BTNMT từ 1,2 đến 2,5 lần. Một số khu vực có nồng độ ô nhiễm bụi cao tập trung ở các quận: Hà Đông, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm… Đặc biệt gần đây, theo số liệu quan trắc từ ngày 25 đến 29-10 từ các trạm quan trắc không khí của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, chỉ số chất lượng không khí (AQI) tăng hơn so với các tuần trước đó. Cụ thể, chỉ số AQI lớn nhất là 195 tại trạm Hàng Đậu (vào ngày 25-10). Dựa vào mức độ cảnh báo theo QCVN 05:2013, thời điểm đó, chất lượng không khí tại trạm Hàng Đậu ở mức kém và các trạm còn lại cũng ở mức kém hoặc trung bình...

Riêng về chỉ số bụi PM10 và PM2.5 trong các ngày từ 16-10 tới 29-10, nồng độ bụi tăng nhẹ và đạt đỉnh vào ngày 20-10, sau đó giảm trở lại. Tuy nhiên, đến ngày 24-10, nồng độ bụi lại có xu hướng tăng và đạt đỉnh vào ngày 26-10, vượt ngưỡng cho phép của QCVN 05:2013. Theo số liệu ngày 26-10 tại Trạm quan trắc Minh Khai - Bắc Từ Liêm, nồng độ bụi PM đạt giá trị cao nhất là 201,67 (μg/m3), gấp hơn 1,3 lần so với quy chuẩn; nồng độ bụi PM2.5 đạt giá trị cao nhất là 97,29 (μg/m3) gấp 2 lần so với quy chuẩn. Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, dựa vào mức độ cảnh báo theo QCVN, có thể thấy chỉ số không khí ở Hà Nội nằm trong mức kém.

Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Lê Tuấn Định, môi trường không khí ở Hà Nội ô nhiễm do nhiều nguyên nhân như: Quá trình đô thị nhanh với mật độ công trình xây dựng quy mô lớn; sự gia tăng dân số cơ học; lượng phương tiện giao thông cơ giới tăng mạnh... Ngoài ra, theo nhận định của Sở Tài nguyên và Môi trường, có thể do thời điểm cuối vụ, nông dân ở ngoại thành đốt rơm rạ, khói bụi tăng cao hoặc do hiện tượng mù quang hóa - thường xảy ra ở Hà Nội trong các tháng 10, 11, 12, sương mù xuất hiện trong đêm khi nhiệt độ hạ thấp, duy trì tới sáng sớm hôm sau cho tới khi mặt trời xuất hiện và gió bắt đầu hoạt động...

Tập trung khắc phục hạn chế

Để bảo đảm chất lượng cuộc sống trong lành cho người dân, duy trì môi trường đầu tư, kinh doanh tốt, những yếu kém trong lĩnh vực môi trường là vấn đề được Hà Nội đặc biệt quan tâm khắc phục. Thời gian qua, thành phố đã đầu tư cho công tác kiểm soát và xử lý ô nhiễm không khí. Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã tiếp nhận và vận hành ổn định 10 trạm quan trắc (2 trạm cố định, 8 trạm cảm biến).

Tuy vậy, công tác quản lý môi trường của thành phố vẫn còn một số hạn chế như: Việc triển khai các dự án đầu tư cho môi trường chậm; hoạt động quan trắc và kiểm soát nguồn thải còn yếu; ý thức chấp hành quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường của các tổ chức và cá nhân chưa cao; công nghệ sản xuất lạc hậu... Để giải quyết các tồn tại, Sở Tài nguyên và Môi trường đang triển khai Kế hoạch 160/KH-UBND của UBND TP Hà Nội về thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TU của Thành ủy về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố đến năm 2020 và những năm tiếp theo.

Hiện Sở Tài nguyên và Môi trường đã triển khai một số nội dung cụ thể nhằm giảm thiểu ô nhiễm không khí như: Tiếp tục phối hợp với tổ chức AirParif triển khai Dự án hỗ trợ kỹ thuật nghiên cứu đánh giá hiện trạng môi trường không khí tại Hà Nội do Chính phủ Pháp tài trợ; triển khai Dự án đầu tư hệ thống mạng quan trắc môi trường trên địa bàn thành phố, trong đó đầu tư lắp đặt thêm 70 trạm quan trắc không khí. Ngoài ra, Sở tiếp tục vận hành liên tục, ổn định hệ thống dữ liệu quan trắc môi trường; kiểm soát chặt các biện pháp bảo vệ môi trường, có biện pháp che chắn giảm bụi, khí thải tại các công trường thi công, nhất là khu vực nội thành; đồng thời, yêu cầu các dự án, cơ sở có phát sinh chất thải quy mô lớn phải lắp đặt các trạm quan trắc tự động, truyền dẫn số liệu về Sở để giám sát kịp thời mọi diễn biến…

Với những giải pháp đang được thành phố tích cực triển khai, hy vọng chất lượng môi trường không khí của Hà Nội sẽ từng bước cải thiện, qua đó tạo môi trường sống trong lành cho người dân Thủ đô.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khắc phục ô nhiễm môi trường không khí: Việc làm cấp bách

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.