(HNM) - Với người dân Hà Nội cũng như du khách trong và ngoài nước, không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận - nơi diễn ra các sự kiện lớn của Thủ đô - lâu nay đã trở thành một điểm đến đặc biệt mỗi dịp cuối tuần. Đó là không gian vui chơi, giải trí; không gian sáng tạo; không gian biểu diễn; không gian giao lưu, hội nhập quốc tế... Và hơn tất cả, không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận còn là sản phẩm du lịch giàu sức hấp dẫn.
Là một sản phẩm quy hoạch đô thị độc đáo, không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận vừa đóng vai trò như điểm hẹn nhiều chức năng vừa đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của quận Hoàn Kiếm nói riêng, góp phần xây dựng thành phố sáng tạo, Thủ đô xanh - văn hiến - văn minh - hiện đại nói chung.
Nhìn rộng ra, không gian đi bộ - một loại hình của không gian công cộng, tiêu chí quan trọng để được công nhận là thành phố sáng tạo mà Hà Nội đã nộp hồ sơ ứng cử (Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO) - với những sản phẩm văn hóa - nghệ thuật, du lịch... đặc sắc tại nhiều nước đã trở thành dấu ấn không thể quên. Thông qua việc triển khai chính thức và mở rộng, trên cơ sở giá trị phong phú hiện hữu, không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận chắc chắn sẽ giàu sức hấp dẫn hơn với người dân Thủ đô, với du khách.
Định hướng và những yêu cầu có tính tiên quyết đã được thành phố đặt ra. Việc xem xét với những phương án cụ thể đã và đang được nghiên cứu thấu đáo, để sản phẩm quy hoạch đô thị độc đáo này của Hà Nội thực sự đáp ứng yêu cầu là một không gian đa chức năng, phục vụ nhiều mục tiêu phát triển.
Trước hết, kinh nghiệm từ 3 năm thí điểm vừa qua cho thấy một yêu cầu quan trọng đặt ra với công tác quản lý: Sức hấp dẫn, giá trị đặc biệt của không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận là không phải bàn cãi, nhưng vẫn còn đó những tồn tại cần sớm khắc phục. Đó là hiện tượng bán hàng rong, chèo kéo, biểu diễn nghệ thuật không phép; đó là hoạt động xe điện tự cân bằng, ô tô, xe kéo trẻ em... đôi khi có thể gây nguy hiểm. Việc triển khai chính thức với hướng mở rộng còn đặt ra yêu cầu chuẩn bị về mặt “hậu cần” với phương án về tổ chức giao thông (phân luồng di chuyển và hệ thống bãi đỗ xe) nhằm tránh ùn ứ khu vực lân cận cũng như hiện tượng lộn xộn, tự phát trong trông giữ xe. Công tác bảm đảm vệ sinh môi trường cùng còn không ít chuyện cần bàn, nhất là khi có sự kiện lớn.
Bởi thế, khi chính thức vận hành quản lý không gian này với mục tiêu mở rộng và tổng hợp một cách bền vững, việc đầu tiên cần làm là phải xác lập tốt hơn, rõ hơn trách nhiệm và cơ chế tham gia quản lý của các cấp ủy, chính quyền quận, sự phối hợp của các sở, ngành, lực lượng hữu quan như: Giao thông - Vận tải, Du lịch, Công an thành phố... Cần tập trung khắc phục sớm những hạn chế "kinh niên" như bãi đỗ xe, vệ sinh môi trường... để thật sự tạo bền vững trong duy trì các hoạt động, cũng như tạo hình ảnh văn minh thương mại, ứng xử văn hóa ở một không gian công cộng đa chức năng này.
Thứ hai, cần tiếp tục chú trọng, phát huy tốt hơn sức hấp dẫn của các hoạt động văn hóa - nghệ thuật; giao lưu, hợp tác trong nước - giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố - và hợp tác quốc tế - giữa Hà Nội với các đô thị, vùng, tổ chức quốc tế... vốn được tổ chức rất hiệu quả thời gian qua. Cùng với đó là tiếp tục khai thác hiệu quả những di sản vật thể và phi vật thể đặc thù của mảnh đất Thăng Long.
Một điều cũng rất cần lưu ý là tiếp tục làm tốt hơn công tác tuyên truyền, quảng bá để nâng cao nhận thức, ý thức và đóng góp về trí tuệ, sáng tạo của cư dân gắn bó (cả về cư trú lẫn lợi ích kinh tế) với không gian này cũng như của mỗi người dân và du khách tìm đến.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.