Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kết thúc buồn của hệ trung cấp chuyên nghiệp

Anh Thư| 22/01/2014 06:35

(HNM) - TP Hồ Chí Minh vừa tổng kết công tác tuyển sinh hệ giáo dục chuyên nghiệp. Hàng loạt trường trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) tuyển sinh không đủ chỉ tiêu, trong đó nhiều trường tuyển sinh chưa đạt tới 30%, đặc biệt, khối ngành kỹ thuật không có một thí sinh đăng ký.


Chưa có năm nào mà khối ngành kỹ thuật tại các trường TCCN thê thảm như năm 2013, đến mức lãnh đạo một trường đào tạo khối ngành này phải buột miệng: "Thí sinh đi đâu hết rồi"! Thống kê của cơ quan chức năng cho thấy, hàng loạt ngành như Bảo trì và sửa chữa thiết bị cơ khí, Công nghệ điện tử viễn thông, Công nghệ hàn, Công nghệ sinh học, Điều khiển phương tiện thủy nội địa, Khai thác vận tải thủy nội địa, Công nghệ kỹ thuật điện tử, Công nghệ kỹ thuật điều khiển tự động, Quản lý công trình nhà cao tầng, Thiết kế nội thất, Trắc đại địa hình đại chính, Xây dựng công trình thủy… không có một thí sinh ngó ngàng. Đại diện Trường Trung cấp Kinh tế kỹ thuật Nguyễn Hữu Cảnh, cho biết, mùa tuyển sinh vừa qua, trường chỉ tuyển được khoảng 50% chỉ tiêu. Trong đó, có nhiều ngành chỉ tuyển được rất ít khiến nhà trường phải ghép chung với học sinh của các ngành khác có chung môn cơ sở, ví dụ Tài chính ngân hàng ghép với Kế toán, Cơ điện tử ghép với Tự động hóa.

Giờ thực hành tại Trường Trung cấp Kinh tế kỹ thuật Nguyễn Hữu Cảnh.



Nguyên nhân khiến hàng loạt trường TCCN không tuyển sinh được, nhiều trường tuyển sinh chưa đạt tới 30% trong tổng chỉ tiêu, đặc biệt, khối ngành kỹ thuật không có thí sinh đăng ký học, theo nhận định của Thạc sĩ Đặng Văn Sáng - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Ánh Sáng thì do năm 2013 là năm có nhiều đổi mới sâu rộng trong lĩnh vực đào tạo TCCN. Nhiều trường đổi hướng từ đào tạo theo "số lượng" sang nâng cao "chất lượng" đã làm thay đổi cơ bản quy mô đào tạo. Mặt khác, việc kiểm soát và siết chặt chỉ tiêu đối với các trường cũng làm cho quy mô giảm. Hơn thế nữa, năm 2013 là đáy của suy thoái kinh tế, việc thu hẹp quy mô sản xuất của doanh nghiệp đã kéo theo cắt giảm lao động. Những ngành vắng bóng học sinh đa phần là những ngành cơ bản đã bão hòa về cung cầu lao động - cầu lao động, ví dụ ngành Thiết kế thời trang cần rất ít lao động. Ngoài ra, ở nước ta có 97% là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vì vậy có nhiều công việc chưa cần người lao động phải có trình độ chuyên môn hóa cao.

Ngoài nguyên nhân khách quan, nhiều hiệu trưởng các trường TCCN cho rằng, việc tuyển sinh TCCN không đạt chỉ tiêu còn do năm 2013, Bộ GĐ&ĐT tập trung xác định chỉ tiêu và điểm sàn ĐH, CĐ, còn TCCN hầu như chưa được quan tâm đúng mức cần thiết. Việc các trường ĐH, CĐ được phân bổ chỉ tiêu quá lớn làm hết nguồn tuyển sinh TCCN. Bên cạnh đó, quy định của Bộ GD&ĐT không cho học sinh thi liên thông ngay mà phải chờ đến 3 năm đã tác động đến việc lựa chọn trường trung cấp của thí sinh. Ngoài ra quy định của ngành chức năng về các tiêu chí bảo đảm chất lượng quá cao (1 giáo viên 25 học sinh, 1 học sinh 1,5m2 sàn xây dựng…), làm tăng chi phí đào tạo các trường TCCN buộc họ phải tăng học phí để bù đắp, người học khó khăn về khả năng thanh toán.

Ông Hoàng Ngọc Vinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp Bộ GD&ĐT, cho rằng, các trường TCCN phải tìm cách tự cứu mình trước. Tương tự, ông Phạm Ngọc Thanh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh nhìn nhận, để thu hút người học, bản thân các trường TCCN cũng phải tự thay đổi: "Một vấn đề không thể thiếu được là năng lực của các trường. Chúng ta phải đầu tư, chứ vận động người học mà các trường dạy chất lượng không cao, không trúng thì sẽ gây lãng phí lớn cho xã hội", ông Thanh nói.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kết thúc buồn của hệ trung cấp chuyên nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.