(HNM) - Chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) nhà nước giai đoạn 2001-2010 đi qua một thập niên với 4 nội dung (cải cách thể chế; cải cách tổ chức bộ máy hành chính; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức (CBCC) và cải cách tài chính công) đã tạo được chuyển biến trong nền hành chính. Tuy nhiên, kết quả chưa đạt mục tiêu đề ra, chưa tương xứng với yêu cầu phát triển của đất nước.
Tinh giản thủ tục, rõ hơn chức năng
Tiếp nhận hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại “bộ phận một cửa” UBND huyện Đông Anh. Ảnh: Trung Kiên
Công tác cải cách thể chế được xác định là một trong 4 nội dung của CCHC và đã được thực hiện tích cực trong thời gian qua. Quy trình xây dựng và thông qua văn bản pháp luật đã có nhiều đổi mới, trong đó đáng chú ý là làm rõ trách nhiệm của cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan phối hợp, lấy ý kiến người dân, xã hội vào các văn bản dự kiến sẽ ban hành… Mỗi năm, trung bình Chính phủ ban hành gần 200 nghị định, thông qua đó đã tạo lập cơ sở vững chắc cho cải cách thể chế, thực hiện sự kết hợp giữa cải cách lập pháp và CCHC. Đặc biệt, cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và thực hiện cơ chế "một cửa, một cửa liên thông" đã được triển khai mạnh trong 10 năm qua và thu được kết quả tích cực. TTHC trên hầu hết các lĩnh vực đã được rà soát, sửa đổi, quy định mới theo hướng đơn giản hóa, thuận tiện cho người dân. Điển hình là cải cách trong lĩnh vực thuế và hải quan. Đến nay, doanh nghiệp đã có thể tự tính, tự khai, tự nộp thuế, tự in hóa đơn thuế, cải tiến thủ tục trong cấp mã số thuế nên đã rút ngắn thời gian chờ đợi của doanh nghiệp. Quy trình TTHC trong lĩnh vực hải quan đã bỏ nhiều khâu trung gian theo hướng tổ chức dây chuyền hải quan hoàn chỉnh, một cửa, giảm đáng kể thời gian thông quan. Các quy trình hải quan được xây dựng theo hướng minh bạch, rõ ràng và công khai.
Việc điều chỉnh, làm rõ chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan trong hệ thống hành chính, khắc phục những chồng chéo, trùng lắp về chức năng đã đạt được kết quả tích cực. Một số loại công việc trước đây do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giải quyết, nay đã được chuyển giao cho các bộ, ngành trung ương và phân cấp cho chính quyền địa phương thực hiện. Một kết quả quan trọng nữa trong làm rõ chức năng, nhiệm vụ của cơ quan hành chính nhà nước là bước đầu phân biệt hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước với hoạt động của đơn vị sự nghiệp, dịch vụ công. Bên cạnh đó, công tác xây dựng, nâng cao chất lượng của đội ngũ CBCC tiếp tục được cải cách theo hướng rõ hơn về phân công, phân cấp. Đặc biệt, thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp, dịch vụ công được nâng cao đáng kể phù hợp với các cơ chế đã có về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp, dịch vụ công.
Nhiều mục tiêu vẫn chưa thực hiện được trọn vẹn
Theo ông Đinh Duy Hòa, Vụ trưởng Vụ CCHC (Bộ Nội vụ), mục tiêu 10 năm trước đề ra hơi... nóng, chưa lường hết được những gì phải đối mặt nên đến nay, về cơ bản mục tiêu chung đề ra trong giai đoạn 2001-2010 vẫn "còn nguyên giá trị". Cụ thể, mục tiêu "Xây dựng một nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại hóa, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả theo nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng; xây dựng đội ngũ CBCC có phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu của công cuộc xây dựng, phát triển đất nước. Đến năm 2010, hệ thống hành chính về cơ bản được cải cách phù hợp với yêu cầu quản lý nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" chưa điều nào thực hiện được trọn vẹn. Thực tế hiện nay, hệ thống thể chế vẫn thiếu đồng bộ, không thống nhất, do chưa thay đổi căn bản công tác xây dựng thể chế; giảm đầu mối trực thuộc Chính phủ nhưng bộ máy trong các bộ, ngành thì phình lớn, còn ở địa phương lại thiếu ổn định; thiếu quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính các cấp… Vì thế, mục tiêu chung của 10 năm trước vẫn là mục tiêu phải tiếp tục trong giai đoạn tới. Hơn nữa, trong 9 mục tiêu cụ thể cũng chưa thật sự "chuẩn", đưa cải cách thể chế vào trong nội dung CCHC là không đúng bản chất của vấn đề cải cách. Mục tiêu cải cách tài chính công đề ra quá rộng, chỉ cần tập trung vào cơ chế tài chính mà thôi.
Tại cuộc lấy ý kiến góp ý vào dự thảo báo cáo tổng kết mới đây của Bộ Nội vụ, nhiều ý kiến cho rằng hạn chế lớn nhất của CCHC 10 năm qua là chỉ đạo chưa đúng mức, quyết tâm chưa cao, tuyên truyền chưa đạt (không ít người còn nhầm lẫn giữa cải cách TTHC với CCHC). Để chương trình CCHC nhà nước giai đoạn 2011-2020 dễ thực hiện, hiệu quả, thiết thực, ông Đinh Duy Hòa cho rằng, mục tiêu cần khả thi, định lượng nhiều hơn định tính, tránh chung chung. Quan điểm các bộ, ngành đều đồng tình mục tiêu không nên quá xa vời; cần đưa công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý nhà nước và đẩy mạnh hơn nữa công tác giáo dục, tuyên truyền.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.