Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kết nối tiêu thụ nông sản an toàn

Sơn Tùng| 14/11/2018 06:59

(HNM) - Nhằm khắc phục tình trạng nông sản

Chăm sóc rau an toàn tại xã Thụy Hương (huyện Chương Mỹ). Ảnh: Bá Hoạt


Thực hiện chỉ đạo của Hội Nông dân thành phố và Sở NN&PTNT Hà Nội, thời gian qua, Hội Nông dân xã Thụy Hương (huyện Chương Mỹ) đã tích cực vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát triển mô hình trồng rau an toàn. Nhờ vậy, giá trị kinh tế trên một héc ta canh tác ở địa phương này đã đạt 275 triệu đồng/năm. Đáng nói, thông qua Chương trình kết nối từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản an toàn, trên địa bàn xã Thụy Hương đã xuất hiện nhiều mô hình trồng rau an toàn, rau hữu cơ và 40 hộ gia đình tham gia mô hình nuôi lợn sinh học.

Cũng thông qua Chương trình kết nối này, đến nay, trên địa bàn thành phố đã xây dựng, duy trì 80 chuỗi liên kết nông sản an toàn từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, trong đó 36 chuỗi có nguồn gốc động vật và 44 chuỗi có nguồn gốc thực vật. Đáng chú ý, giá tiêu thụ nông sản an toàn, nông sản hữu cơ trong Chương trình kết nối cao hơn so với giá bán nông sản đại trà khác từ 10 đến 30% tùy loại.

Tuy nhiên, không riêng xã Thụy Hương mà nhiều nơi ở khu vực ngoại thành Hà Nội, khâu kết nối tiêu thụ nông sản an toàn lâu nay vẫn gặp khó khăn. Lượng nông sản an toàn tiêu thụ thông qua liên kết ở Hà Nội đạt 15%, dù cao hơn mức trung bình của cả nước, nhưng vẫn ở mức thấp. Ông Nguyễn Văn Tài, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thụy An (huyện Ba Vì) chia sẻ, chăn nuôi an toàn sinh học đòi hỏi nông dân không chỉ tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chăn nuôi, mà thời gian cũng thường kéo dài hơn chăn nuôi truyền thống từ 2 đến 3 tháng. Trong khi đó, có thời điểm giá sản phẩm chăn nuôi thấp, các hộ chăn nuôi an toàn sinh học cũng phải hạ giá sâu mới bán được hàng hóa, ngoài ra nông sản an toàn của địa phương bị cạnh tranh khốc liệt với nhiều sản phẩm chăn nuôi đại trà khác.

Tại buổi tọa đàm "Tìm giải pháp tiêu thụ nông sản an toàn cho nông dân" do Sở NN&PTNT Hà Nội, Hội Nông dân thành phố phối hợp tổ chức mới đây, các ý kiến đã đưa ra một số giải pháp trọng tâm khắc phục hạn chế trên, như: Đối với Hội Nông dân các cấp, cần tiếp tục tuyên truyền vận động để người dân nhận thức được con đường tất yếu của nông dân là liên kết hợp tác với nhau trong quy trình sản xuất, tiêu thụ nông sản. Theo ông Bùi Xuân Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Thụy Hương (huyện Chương Mỹ), nông dân cần liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp, hợp tác xã, không để tình trạng khi giá nông sản lên cao thì đưa hàng hóa ra ngoài bán cho thương lái và ngược lại, khi giá sản phẩm xuống thấp mới bán cho doanh nghiệp, hợp tác xã...

Để chủ động hình thành các liên kết ổn định giữa người sản xuất và đơn vị tiêu thụ nông sản an toàn, Chủ tịch Hội Nông dân TP Hà Nội Lê Trọng Khuê cho biết, thời gian tới, Hội sẽ thường xuyên tổ chức giao lưu, học tập kinh nghiệm trong quá trình vận động nông dân tham gia sản xuất, tiêu thụ nông sản an toàn cho Hội Nông dân các cấp. Mặt khác, các đơn vị liên quan cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng trong lựa chọn, sử dụng thực phẩm an toàn.

Còn ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho hay: Doanh nghiệp và hợp tác xã đóng vai trò then chốt trong khâu tiêu thụ nông sản an toàn cho nông dân. Do đó, ngành Nông nghiệp Hà Nội tiếp tục tham mưu thành phố hỗ trợ thành phần kinh tế này đẩy mạnh phát triển chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ nhằm kiểm soát chất lượng, nâng cao giá trị sản phẩm, điều tiết lợi ích giữa các khâu trong chuỗi liên kết. Ngoài ra, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã khi đầu tư vào lĩnh vực chế biến, liên kết, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, xây dựng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kết nối tiêu thụ nông sản an toàn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.