(HNM) - Một hội chợ được tổ chức thành công hơn cả mong đợi - Hội chợ
Một hội chợ tấp nập, chỉ sau 2 giờ đồng hồ khai chợ đã cháy hàng và hơn cả là ở đó người mua và người bán đều cảm nhận được tấm lòng nhân ái của các thành viên đại gia đình Hànộimới trong từng sản phẩm handmade (thủ công), từng gói đồ ăn nhanh.
Khởi nguồn
Đôi lần tôi thấy phóng viên Nguyễn Lan Anh, Báo Tuổi trẻ thành phố Hồ Chí Minh (văn phòng Hà Nội) tất bật với việc giao bán ruốc nấm, kẹo lạc, khoai môn, miến dong... Vẫn biết Lan Anh từ nhiều năm nay cứ Tết đến lại đi vận động, bán hàng nhặt từng đồng lẻ để mua quà tết tặng trẻ em vùng cao, nhưng lần này thấy chị trăn trở hơn. Hỏi chuyện mới biết, chị đang thực hiện dự án quyên góp xây tặng điểm trường Huổi Chổn, xã Nà Nhạn, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Trường gồm 2 phòng học dành cho trẻ mẫu giáo và lớp 1. Tổng số tiền xây trường là 235.000.000 đồng. Được sự hỗ trợ 3 buổi của nhóm tình nguyện Minh Tuệ, cộng với tiền bán ruốc, kẹo và bạn bè quyên góp, Lan Anh đã có 168.000.000 đồng.
Quầy bán bánh Trung thu tự làm của Đoàn My luôn đông khách. |
Nhìn đồng nghiệp bận rộn với dự án nhân đạo, chợt nghĩ đến - Hànộimới nơi mình đang cống hiến cũng có biết bao tấm lòng nhân ái từng tham gia nhiều dự án nhân đạo. Các thành viên của Hànộimới còn rất khéo tay, làm được nhiều loại bánh từ bánh dẻo, bánh nướng đến bánh ngọt, bánh pía, đồ ăn nhanh; rồi cả đồ handmade như gối, ví, váy trẻ em... Nghĩ là làm, tôi "rón rén" bàn với các bạn trẻ của Hànộimới ý định tổ chức một hội chợ bán các mặt hàng do các thành viên của “đại gia đình” Hànộimới làm. Vừa trình bày vừa run... nhưng thật không ngờ, tất thảy đều hưởng ứng nhiệt tình. Thanh Huyền nhận làm xúc xích, patê; gia đình phóng viên Vũ Ngọc Hà góp món kim chi; gia đình Đoàn My, Phạm Vinh đã có ngay đơn đặt hàng gần 60 hộp bánh Trung thu chay; Vũ Dung góp món Kimbap; Nguyễn Tuyết Mai cùng vài bạn nữa làm sữa ngô; gia đình phóng viên Triệu Hoa và Dương Hiệp nhận làm gối bí. Thấy tự tin, phấn chấn hẳn, tối lên facebook tôi quyết định mở chiến dịch kêu gọi các thành viên Hànộimới tham dự với tên gọi: Hội chợ “Kết nối yêu thương”. Một hội chợ được mở ra để hỗ trợ phần tiền còn thiếu cho dự án xây trường học ở bản Huổi Chổn.
Những tấm lòng
Sau thông báo hội chợ trên mạng xã hội Facebook, chúng tôi có 7 ngày để chuẩn bị. Các gia đình nhận làm món ăn hoặc đồ dùng tất bật chuẩn bị. Thanh Huyền cho biết, mỗi ngày chị phải mua ruột non của lợn về, làm sạch chỉ lấy màng mỏng và chế biến được khoảng 1kg xúc xích. Thật kỳ công và mất thời gian. Gia đình Đoàn My thì làm thử bánh dẻo chay và bánh nướng với nhiều loại nhân rồi để “ban tổ chức” nếm và góp ý cả về độ ngọt của bánh, độ dẻo của vỏ. Cuối cùng My quyết định chọn nhân đỗ xanh hạt dưa và khoai môn. Vì phải làm gấp gần 300 chiếc bánh nên đã rất nhiều thành viên của Hànộimới xung phong giúp My nhào bột, gấp hộp...
Quầy bánh tẻ của Đỗ Thế Dũng đã “cháy hàng” ngay trong buổi sáng. Ảnh: CẨM MAO THỬ |
Còn nhớ khi vận động Nguyễn Thanh Thủy tham gia hội chợ, sau một hồi băn khoăn Thủy trả lời trên facebook "Thôi em liều vậy!". Sau cái sự "liều" vài hôm, Thủy post lên facebook 5 mẫu váy. Tất cả những ai kết bạn cùng Thuy Nguyen (nickname của Thủy) thực sự bất ngờ về kiểu dáng, cách phối màu các mẫu váy dành cho bé 2-3 tuổi. Ngay lập tức các đơn hàng đã gửi về địa chỉ của Thủy. Nguyễn Thủy cho biết vì là sản phẩm khâu tay, đơn hàng nhiều nên không chỉ chồng mà mẹ đẻ của Thủy cũng phải thu xếp việc nhà để khâu giúp cho kịp đơn hàng.
Gối bí của gia đình nhà báo Triệu Hoa và Dương Hiệp cũng "gây sốc". Chiếc gối được phối màu rực rỡ, hài hòa, tròn trịa và thật duyên dáng. Triệu Hoa cho hay: Sau khi đẩy lên facebook mẫu vải, mẫu gối đơn hàng cũng về tới tấp. Một quy trình sản xuất gối được đưa ra: Vợ may, khâu; chồng nhồi bông và nắn chỉnh để gối được căng và tròn trịa; các con giúp việc nhà để bố mẹ kịp sản xuất hàng mang đến hội chợ. Còn phóng viên Hoàng Anh (Ban Hànộimới Cuối tuần), sau khi bàn với chồng đã chủ động lên facebook rao bán: 1 máy in và tủ lạnh đã qua sử dụng, 2 ba lô, 2 va ly mới hoàn toàn. Hầu hết các sản phẩm đã bán hết ngay, chỉ còn lại 2 ba lô và sau khi khai chợ được ít phút đã có người rinh.
Ngày thông tin về hội chợ được đăng lên facebook lập tức Thư ký Tòa soạn Thế Dũng (nickname Đan Nhiễm) comment nhiệt tình giới thiệu ngay sản vật quê mình: Bánh tẻ răng bừa của vùng đất Văn Giang (tỉnh Hưng Yên). Thế Dũng đã chứng tỏ mình quả là một CEO xuất sắc, bán hàng không chỉ khéo mà cách giới thiệu cũng chuyên nghiệp. Đêm nào cũng vậy, 11-12h đêm vẫn trên mạng. Thấy "nhà ai sáng đèn" là Thế Dũng vào “gõ cửa” chào hàng cùng với lời giới thiệu khiến người nghe phải siêu lòng. Kết quả là chỉ trong hai ngày chào mời và giới thiệu ý nghĩa hội chợ từ thiện, Thế Dũng đã bán được 1.300 chiếc bánh. Kim Huệ ở Trung tâm Phát hành thì thông báo “em bán món nem thính chùa Hương quê em nhé”; rồi Phó Trưởng phòng Tài chính Thu Hằng cũng tự tay hái những cành rau gia vị do chính mình trồng mang đến để chúng tôi quyết định "mở” cửa hàng rau gia vị sạch"... Cứ thế, một chiến dịch rầm rộ, trên facebook mỗi ngày chúng tôi lại khai trương một hoặc hai mặt hàng. Nữ phóng viên Khánh Ly vừa đi làm trở lại sau thời gian nghỉ thai sản cũng nhắn: "Gia đình em đang trên đường đến chợ. Chúng em góp ổi Đông Dư". Phó Trưởng ban Phóng sự Tống Ngọc Thanh ngày nào cũng dạo vài vòng facebook để nắm tình hình và "thổi" không khí cho chợ. Có thể nói, chúng tôi mỗi người mỗi việc đều hăng say chuẩn bị cho ngày khai chợ.
Vui hơn nữa, nhiều gian hàng có cả gia đình tham gia: Chồng bán hàng, vợ thu tiền, con ngồi bên cạnh. Bạn bè, đồng nghiệp trong và ngoài báo đến chợ với tâm trạng vui. Các gian hàng được bày trí đẹp mắt, hàng hóa phong phú. Hút khách nhất là sản phẩm may vá: Gối bí, váy của Triệu Hoa và Nguyễn Thanh Thủy, đến nỗi đã xảy ra tình trạng "tranh giành" vì "nó quá đẹp, không thể đừng được", như bạn Anh Thư ở Bảo hiểm xã hội Việt Nam phải thốt lên.
Sen hồng kết nối yêu thương
Thành công của hội chợ đã khiến chúng tôi - những thành viên đại gia đình Hànộimới đã nghĩ đến việc sáng lập ra chương trình "Sen hồng kết nối yêu thương". Những ý tưởng về logo đã được trao đổi với họa sĩ Nguyệt Thơ và Hoài Hương; chiến lược bán hàng để xây dựng quỹ đã hình thành; mục tiêu của Quỹ cũng đã định hình. Nhiều phóng viên, bạn bè và cư dân mạng đã hỏi "Bao giờ tới hội chợ kế tiếp!" hoặc "vật quá, tổ chức tiếp đi chị ơi" vân vân và vân vân. Các thành viên yêu quý gọi tôi là "bà chủ chợ" - thật thân thương. Các bạn hỏi tôi sao hình thành ý tưởng và chiến lược triển khai nhanh vậy. Thật chân thành, tôi bộc bạch: Đối ngoại, PR và event là "nghề" của tôi vì tôi đã học lỏm nhiều kinh nghiệm tổ chức qua các sự kiện quảng bá sản phẩm. Và hơn cả, một hội chợ chứa đựng đầy ý nghĩa nhân văn, được "đại gia đình" tôi tiếp nhận hào hứng thì sao lại không tiếp tục. Hy vọng từ đây chúng tôi sẽ có thêm điều kiện để cùng Quỹ Trái tim nhân ái của Hànộimới chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn.
► Xem video tại hội chợ:
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.