Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kết luận vụ thiếu nữ bị đánh dập môi khi tranh cãi với CSGT

Theo Trung Kiên/Dân trí| 05/10/2015 08:29

Thượng úy Võ Chí Công có sai phạm khi nhờ Phạm Minh Trí (hành nghề tiếp thị sữa, không phải là CSGT) đứng nghe bộ đàm, ghi chép vi phạm tốc độ, biển kiểm soát phương tiện vi phạm,... dẫn đến việc Trí đánh chị Hoàng Anh dập môi.

Phạm Minh Trí (nhân viên tiếp thị sữa) đứng ghi biên bản vi phạm giúp Thượng úy Võ Chí Công


Công an tỉnh Đồng Nai vừa có kết luận kiểm tra, xác minh vụ thiếu nữ bị đánh dập môi khi tranh cãi với CSGT.

Theo kết quả xác minh của Công an tỉnh Đồng Nai, ngày 4/9, anh Nguyễn Võ Dương (ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) điều khiển xe máy chở theo bạn gái là Đỗ Vũ Hoàng Anh (22 tuổi, ngụ quận 9, TP.HCM) lưu thông trên quốc lộ 51, hướng từ thị trấn Long Thành (Đồng Nai) về TP.HCM thì bị Tổ tuần tra của Trạm kiểm soát giao thông Ngã ba Thái Lan (thuộc phòng PC67, Công an tỉnh Đồng Nai) ra hiệu lệnh dừng xe. Thượng úy Võ Chí Công kiểm tra giấy tờ và thông báo lỗi chạy quá tốc độ 56/40km/h với mức phạt là 750.000 đồng, về Trạm kiểm soát giao thông Ngã ba Thái Lan đóng phạt.

Lúc này, chị Đỗ Vũ Hoàng Anh móc trong giỏ xách ra 200.000 đồng rồi để trên bệ nâng của xe ô tô CSGT trước mặt Thượng úy Công và hỏi: “Có được hay không?”. Thượng úy Công trả lời chị Hoàng Anh: “Cô không phải là người điều khiển, đi ra ngoài”. Chị Hoàng Anh cầm tiền lại và đi ra phía ngoài đường, Thượng úy Công lập biên bản và yêu cầu anh Dương ký vào biên bản. Ký xong và anh Dương nhận biên bản vi phạm hành chính.

Khi thấy anh Dương bị lập biên bản, chị Hoàng Anh lấy điện thoại di động của mình ra đưa về hướng Thượng úy Công và quay video, đồng thời hỏi “Tại sao ở đây đưa 500.000 đồng là được đi mà về Trạm lại phạt 750.000 đồng, giam bằng lái 1 tuần”. Lời nói này của chị Hoàng Anh lặp đi lặp lại nhiều lần. Thượng úy Công giải thích: “Tôi đâu có đòi 500.000 đồng gì, theo quy định cán bộ, chiến sĩ CSGT là chỉ được phạt tối đa 500.000 đồng theo thủ tục đơn giá, mức phạt của anh là 750.000 đồng thì phải về xử lý ở Trạm”.

Kết quả xác minh của Công an tỉnh Đồng Nai cũng nêu rõ: Thấy chị Hoàng Anh đang quay video và lớn tiếng, Phạm Minh Trí (35 tuổi, ngụ xã Long An, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, nhân viên tiếp thị sữa, đang ở chốt kiểm tra của CSGT) đi thẳng đến hất vai trái vào người chị Hoàng Anh, mục đích làm rơi điện thoại, không cho chị Hoàng Anh quay video nữa. Chị Hoàng Anh hỏi Trí: “Chú lớn, chú là đàn ông, chú làm gì kỳ vậy?” và đẩy Trí ra, Trí quay lại dùng tay phải tát vào mặt chị Hoàng Anh một cái gây chảy máu miệng. Sau đó Tổ công tác cùng chị Hoàng Anh, anh Dương về Trạm kiểm soát giao thông Ngã ba Thái Lan giải quyết.

Công an tỉnh Đồng Nai xác định, có việc Phạm Minh Trí đánh vào miệng chị Hoàng Anh. Thượng úy Võ Chí Công có sai phạm khi nhờ Phạm Minh Trí (hành nghề tiếp thị sữa, là bạn của Thượng úy Công, không phải là CSGT) đứng nghe bộ đàm, ghi chép vi phạm tốc độ, thời gian, biển kiểm soát phương tiện vi phạm giúp Thượng úy Công dẫn đến việc Trí đánh chị Hoàng Anh.

Chưa có cơ sở kết luận Thượng úy Võ Chí Công đòi 500.000 đồng để bỏ qua lỗi vi phạm tốc độ của anh Nguyễn Võ Dương.

Thượng úy Công và Phạm Minh Trí có xin lỗi về hành vi Trí đánh chị Hoàng Anh, chị Hoàng Anh và Trí đã hòa giải với nhau, Trí đã bồi thường cho chị Hoàng Anh 2 triệu đồng và chị Hoàng Anh đã viết giấy bãi nại, không thắc mắc, khiếu nại gì nữa.

Công an xã Long Đức (huyện Long Thành) đã hoàn chỉnh hồ sơ phạt 2,5 triệu đồng đối với Phạm Minh Trí về hành vi “Xâm hại sức khỏe chị Hoàng Anh”.

Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo Ban lãnh đạo PC67 kiểm điểm Thượng úy Võ Chí Công, đồng thời kiểm điểm, chấn chỉnh cán bộ, chiến sĩ Trạm kiểm soát giao thông Ngã ba Thái Lan cũng như toàn bộ cán bộ, chiến sĩ Phòng PC67 trong công tác tuần tra kiểm soát giao thông, phòng ngừa sai phạm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kết luận vụ thiếu nữ bị đánh dập môi khi tranh cãi với CSGT

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.