(HNM) - Bốn văn kiện trình bày tại ĐH lần thứ XI của Đảng (Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011); Báo cáo Chính trị của BCH TƯ Khóa X trình Đại hội XI; Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020; Báo cáo tổng kết việc thi hành Điều lệ Đảng và đề xuất bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng) đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của các đại biểu. Các ý kiến đều cho rằng, các văn kiện có nhiều điểm mới, khẳng định bước phát triển mới về tư duy của Đảng.
Bước phát triển mới về tư duy của Đảng
Trao đổi về dự thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), đại biểu Lê Hữu Nghĩa (Đoàn Khối Các cơ quan TƯ) tán thành cao với những điểm mới. Cụ thể, đặc trưng của xã hội chủ nghĩa về cơ bản kế thừa Cương lĩnh năm 1991 và có sự bổ sung, phát triển. Ví dụ, trước đây nhấn mạnh: xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh". Lần này, chúng ta quan tâm hơn đến vấn đề dân chủ... Nói đến dân chủ không có nghĩa là chúng ta coi nhẹ kỷ cương, phép nước mà phát huy dân chủ đồng thời phải tăng cường kỷ luật, kỷ cương, phép nước. Một điểm mới nữa, theo đại biểu Lê Hữu Nghĩa, văn kiện nêu "do nhân dân làm chủ", khác so với Cương lĩnh năm 1991 nói "do nhân dân lao động làm chủ". Điều này khẳng định, mỗi người dân Việt Nam đều thấy được mình là người chủ của đất nước, đều phải có trách nhiệm xây dựng đất nước. "Do nhân dân làm chủ" - cách diễn đạt này phù hợp hơn và có lợi hơn cho việc phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế 2011-2020, Đảng ta nêu ra 5 quan điểm phát triển, trong đó nhấn mạnh: "Phát triển nhanh gắn liền với phát triển bền vững…". Có ý kiến cho rằng "nhanh" và "bền vững" mâu thuẫn nhau, nhưng đại đa số khẳng định - rất biện chứng. Nhanh nhưng phải bền vững, bền vững nhưng phải nhanh - đó là yêu cầu; không vì nhanh mà kém bền vững và không vì bền vững mà lại đi chậm, tụt hậu. Tại Đại hội lần này, Đảng ta đã đặt vấn đề, phải kết hợp đồng bộ và phù hợp giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị. Đổi mới chính trị không phải là thay đổi đường lối chính trị, mục tiêu lý tưởng của Đảng ta mà đổi mới chính trị ở đây là đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động cụ thể trong cơ chế chính trị, đổi mới mối quan hệ trong hệ thống này sao cho phù hợp với đổi mới kinh tế và có tác dụng thúc đẩy cho đổi mới kinh tế tốt hơn, tránh những nhân tố kìm hãm sự đổi mới kinh tế.
Đại biểu Phan Thanh Bình (Đoàn TP Hồ Chí Minh) cảm nhận: Một bước tiến, một nhận thức mạnh mẽ ở Đại hội lần này đó là vấn đề con người, nguồn nhân lực chất lượng cao, một trong ba mũi đột phá trong thời gian tới. Nói về chính sách chung, Đảng, Nhà nước đặt giáo dục, khoa học công nghệ là quốc sách. Là người công tác tại ngành giáo dục, đại biểu Phan Thanh Bình kiến nghị, phải đổi mới cơ chế, chính sách tài chính cho nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, bản thân các trường đại học phải nhìn nhận lại mình và phải chuyển đổi từ đội ngũ, chương trình, phương pháp quản lý. Tiếp đó, cần một sự gắn kết chặt chẽ giữa nhà trường với xã hội, đặc biệt là với DN và một cơ chế, chính sách đồng bộ.
Ủng hộ việc kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân vào Đảng
Đại hội lần thứ XI của Đảng đề ra chủ trương: "Thực hiện thí điểm việc kết nạp những người là chủ DN tư nhân đủ tiêu chuẩn vào Đảng". Có thể nói đây là vấn đề rất mới về lý luận trong công tác xây dựng Đảng và phát triển đảng viên của Đảng ta, được dư luận đánh giá cao, đặc biệt là giới doanh nhân Việt Nam. Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Đoàn Khối Doanh nghiệp TƯ) khẳng định, chủ trương này phản ánh được yêu cầu của sự phát triển đội ngũ doanh nhân trong thời gian tới cũng như yêu cầu phát triển Đảng, nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong khu vực kinh tế tư nhân.
Cùng quan điểm với đại biểu Vũ Tiến Lộc, đại biểu Nguyễn Thị Tuyến (Đoàn Hà Nội) nhấn mạnh, kinh tế tư nhân ngày càng phát triển và đóng góp lớn cho sự phát triển chung của đất nước, nhưng hiện nay vai trò lãnh đạo của Đảng trong khu vực này chưa được quan tâm đúng mức. Vì vậy, cần đẩy mạnh phát triển đảng viên ở các DN ngoài quốc doanh, đặc biệt là DN tư nhân. Đại biểu Lê Hữu Nghĩa cũng khẳng định, từ chủ trương thí điểm kết nạp những người là chủ DN tư nhân đủ tiêu chuẩn vào Đảng, chúng ta sẽ làm thí điểm, từ đó rút ra bài học, kinh nghiệm để triển khai thực hiện cho phù hợp. Bên cạnh đó, trong các văn kiện của Đảng tại Đại hội lần này đã nhấn mạnh đến việc xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong tình hình mới, là lực lượng quan trọng trong khối đại đoàn kết dân tộc, cùng với giai cấp công nhân, nông dân và đội ngũ trí thức. Đây cũng là điểm mới, nhằm thực hiện tốt xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.