Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kéo dài thời hạn nộp thuế đối với DN ưu tiên sẽ dễ bị lợi dụng

Bảo Hân| 21/10/2015 16:12

(HNMO) - Sáng 21/10, bước sang ngày làm việc thứ 2, Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi)

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng. Ảnh: Đình Nam/QH


Trình bày tờ trình về dự án Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi) (Luật Thuế XNK), Bộ trưởng bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết dự thảo Luật gồm 22 điều, được bố cục thành 5 chương. Những nội dung cụ thể của từng chương được sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng những yêu cầu nhiệm vụ đặt ra cho công tác quản lý thuế trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay.

Luật quy định về đối tượng chịu thuế, người nộp thuế, căn cứ tính thuế, miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; thời hạn nộp thuế và thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, thuế tự vệ áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Trong báo cáo thẩm tra về Luật Thuế XNK (sửa đổi), Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính -Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng, Luật Thuế XNK số 45/2005/QH11 được Quốc hội thông qua ngày 14/06/2005, qua 10 năm thực hiện, đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Để phù hợp với Hiến pháp năm 2013, các luật chuyên ngành đã được Quốc hội sửa đổi, bổ sung và đáp ứng yêu cầu đặt ra trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, cũng như việc thực hiện các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, thì việc sửa đổi Luật Thuế XNK là cần thiết.

Ủy ban TCNS nhận thấy, Dự thảo Luật Thuế XNK sửa đổi có 22 điều, trong đó còn khá nhiều điều, khoản giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết, như: định mức miễn trừ ngoại giao; định mức quà biếu quà tặng; hạn mức hàng hóa cư dân biên giới được mua sử dụng, hàng mẫu không có giá trị thương mại, Danh mục hàng hóa miễn thuế... Do đó, đề nghị Chính phủ cần rà soát các điều, khoản để quy định cụ thể và chi tiết ngay trong Luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển


Về đánh giá tác động của dự án Luật, trong thời gian qua, để đáp ứng được yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế, hệ thống chính sách thuế của Việt Nam liên tục có sự điều chỉnh, đặc biệt việc điều chỉnh giảm thuế suất đối với thuế XNK và một số sắc thuế nội địa quan trọng, có số thu NSNN lớn . Ngoài ra, để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất trong nước, trong giai đoạn vừa qua Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách miễn, giảm, giãn, hoãn tiền thuế cho người dân và doanh nghiệp. Đây là những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ động viên từ thuế và phí trên GDP thấp, có xu hướng giảm qua các năm . Trong bối cảnh sản xuất kinh doanh chưa thoát khỏi thời kỳ khó khăn, nhu cầu chi NSNN lại ngày một tăng, việc giảm tỷ lệ động viên đã gây khó khăn trong cân đối NSNN.

Cùng với đó, việc sửa đổi Luật Thuế XNK lần này nhằm đáp ứng được các yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, phù hợp với các Hiệp định thương mại về thuế quan mà Việt Nam đã và đang ký kết, theo đó dự kiến trong vòng 10 năm tới mức độ tự do hóa thương mại sẽ đạt 97-98% số dòng thuế. Vì vậy, Ủy ban TCNS đề nghị Chính phủ, ngoài việc đánh giá tác động tăng, giảm thu NSNN trong việc sửa đổi Luật Thuế XNK và thực hiện các cam kết quốc tế về thuế quan, cần đánh giá một cách tổng thể các chính sách thuế tác động đến sản xuất kinh doanh trong nước và các giải pháp về quản lý thuế nhằm tăng thu, bù đắp số hụt thu NSNN, đảm bảo không làm giảm tỷ lệ huy động từ thuế, phí trên GDP trong giai đoạn tới, góp phần bảo đảm an ninh tài chính quốc gia.

Với một số nội dung cụ thể như về thời hạn nộp thuế (Điều 10), có ý kiến cho rằng, việc quy định như Dự thảo luật chỉ tập trung ưu tiên cho một số DN lớn, chủ yếu là DN FDI, các doanh nghiệp trong nước, nhất là các DN vừa và nhỏ khó có thể đáp ứng được các điều kiện để thực hiện chính sách này, dẫn đến thiếu công bằng cho DN trong nước.

Có ý kiến khác cho rằng, nếu quy định cho phép kéo dài thời hạn nộp thuế đối với các DN ưu tiên là không công bằng, dễ bị lợi dụng, gây thất thu cho ngân sách nhà nước. Do đó, đề nghị chỉ nên cho phép đối tượng DN nêu trên được áp dụng chế độ ưu tiên về thủ tục thông quan hàng hóa nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn so với các doanh nghiệp khác, về thời hạn nộp thuế áp dụng theo các quy định hiện hành.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kéo dài thời hạn nộp thuế đối với DN ưu tiên sẽ dễ bị lợi dụng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.