Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2025

Tiến Thành| 10/06/2020 15:25

(HNMO) - Chiều 10-6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ chín, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp; Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.

Các đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết tại kỳ họp thứ chín.

Cụ thể, 94,41% đại biểu tán thành thông qua Nghị quyết quy định kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp được quy định tại Nghị quyết số 55/2010/QH12 ngày 24-11-2010 của Quốc hội về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 28/2016/QH14 đến hết ngày 31-12-2025. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2021.

Sau đó, với 94% đại biểu có mặt tán thành, Quốc hội đã quyết nghị bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 các dự án, dự thảo: Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) (cho ý kiến tại kỳ họp thứ mười); Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) (cho ý kiến tại kỳ họp thứ mười); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn (cho ý kiến tại kỳ họp thứ mười); Nghị quyết của Quốc hội về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc (cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ mười theo quy trình tại một kỳ họp); Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi).

Nghị quyết cũng điều chỉnh thời gian trình đối với dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) từ Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ mười, Quốc hội khóa XIV (tháng 10-2020) sang cho ý kiến tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV (tháng 10-2021).

Đồng thời, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 gồm: Kỳ họp thứ mười một, Quốc hội khóa XIV (tháng 3-2021) trình Quốc hội thông qua 4 dự án luật, gồm: Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi); Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS).

Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV (tháng 7-2021), trình Quốc hội thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022. Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV (tháng 10-2021) trình Quốc hội cho ý kiến 6 dự án: Luật Cảnh sát cơ động; Luật Điện ảnh (sửa đổi); Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

Cũng tại phiên họp hôm nay, với 92,96% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp. Trong đó, luật đã bổ sung 1 điều; sửa đổi, bổ sung nội dung 26 điều và chỉnh lý kỹ thuật 3 điều so với luật cũ, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2021.

Trước khi biểu quyết toàn bộ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp, các đại biểu đã biểu quyết thông qua việc sửa đổi, bổ sung nội dung Điều 12 về tổ chức giám định tư pháp công lập; Điều 25 về trưng cầu giám định tư pháp và Điều 26a về thời hạn giám định tư pháp trong trường hợp trưng cầu giám định.

* Cuối chiều 10-6, Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại Đoàn về dự kiến nhân sự để Quốc hội bầu Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia; phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ đối với đồng chí Vương Đình Huệ và miễn nhiệm chức vụ Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với đồng chí Nguyễn Thanh Hải do được Bộ Chính trị phân công nhiệm vụ mới tại Thành ủy Hà Nội và Tỉnh ủy Thái Nguyên.

Cũng trong chiều 10-6, Quốc hội đã tiến hành thảo luận ở hội trường về việc bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank).

Đa số các đại biểu đều bày tỏ sự đồng tình với chủ trương bổ sung vốn điều lệ cho Agribank. Tuy nhiên, trước tình hình ngân sách nhà nước gặp nhiều khó khăn, một số đại biểu nêu giải pháp nhà nước cần giảm tỷ lệ vốn điều lệ tại Agribank như các ngân hàng thương mại nhà nước khác.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn Hà Nội) cho rằng, một mặt nhà nước cần bảo đảm an toàn của các tổ chức tín dụng nhưng cũng phải bảo đảm chính sách phù hợp với cơ chế thị trường, không tạo áp lực cho ngân sách.

Giải trình một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, năm 2020 dự kiến lợi nhuận sau thuế nộp ngân sách của Agribank là khoảng 3.500 tỷ đồng, do đó đề xuất bổ sung vốn điều lệ cho ngân hàng sẽ không ảnh hưởng lớn đến cân đối ngân sách nhà nước.

Kết luận về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, Quốc hội đã nhất trí việc bổ sung không quá 3.500 tỷ đồng vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2019, để ngân hàng này gia tăng nguồn lực phát triển cho giai đoạn tới…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2025

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.