(HNM) - Năm nay, trước thềm xuân Kỷ Hợi 2019, TP Hà Nội sẽ dành gần 380 tỷ đồng tiền ngân sách để tặng quà Tết cho gần 872.000 đối tượng chính sách gồm người có công, các hộ nghèo, người lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn…
Không chỉ giúp tiền, hiện vật, tặng quà Tết cho đối tượng chính sách, lãnh đạo thành phố, các ngành, địa phương đã và đang thực hiện những chuyến thăm hỏi, động viên, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của các gia đình thuộc diện chính sách; tiếp tục tìm cách giúp những hoàn cảnh khó khăn được đón Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 trong không khí an vui.
Trên tất cả, chính những chương trình hành động cụ thể, thiết thực hướng về người có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách là minh chứng rõ nét cho phương châm “Không để ai không có Tết” của TP Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung.
Cũng như nhiều tỉnh, thành phố khác, điều xứng đáng được đánh giá cao trong công tác chăm sóc gia đình chính sách, nhóm đối tượng có hoàn cảnh khó khăn là sự tham gia tích cực của các tổ chức xã hội, doanh nghiệp vào phần việc thể hiện rõ ý nghĩa nhân văn. Cộng đồng cũng dành sự quan tâm cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn bằng cách tích cực tham gia chương trình “Xuân nhân ái - Tết sẻ chia”, “Tết sum vầy”…, qua đó thể hiện sự cảm thông, ý thức giúp đỡ người có hoàn cảnh không may mắn với tinh thần “lá lành đùm lá rách”.
Tuy vậy, cũng cần thấy rằng những tín hiệu vui liên quan tới việc chăm sóc, tạo điều kiện cho nhân dân vui đón Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 chỉ là điểm nhấn quan trọng trong hành trình giúp các đối tượng chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn ổn định cuộc sống một cách bền vững.
Nhìn lại khoảng thời gian đã qua, không chỉ là năm 2018, dễ thấy phương châm, kế hoạch hành động vì mục tiêu lớn “Không để ai bị bỏ lại phía sau” đã thu được kết quả tích cực. Những chương trình, kế hoạch đã và đang thực hiện không chỉ giúp người dân nói chung, người có hoàn cảnh khó khăn, đối tượng chính sách nói riêng có được niềm vui trong những ngày lễ, Tết, mà hướng tới những mục tiêu lớn hơn, mang tính bền vững.
Thành phố, thông qua chi ngân sách và tạo cơ chế khuyến khích, vận động nhà hảo tâm, doanh nghiệp, cộng đồng chung tay giúp sức, đã và đang tập trung vào việc giúp nhóm yếu thế có điều kiện, có kế sách thoát nghèo bền vững. Đó là việc tập trung đầu tư cho giáo dục, giúp trẻ có hoàn cảnh khó khăn được đến trường, tặng bò sinh sản hay hỗ trợ hộ nghèo vay vốn sản xuất, đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho thành viên hộ gia đình gặp khó khăn…
Như thường nói, giải pháp “cho cần câu thay vì cho con cá” sẽ giúp các hộ gia đình thuộc diện nghèo, các đối tượng chính sách, người chịu ảnh hưởng từ thiên tai… có thêm điều kiện để thoát nghèo, ổn định cuộc sống trong dài hạn.
Để giải pháp đó phát huy hiệu quả lâu dài, chính quyền các cấp cần có biện pháp phù hợp nhằm bảo đảm sự trợ giúp đến được với đúng người cần, giúp họ sử dụng hiệu quả nguồn lực trợ giúp trên tinh thần hướng tới sự ổn định về đời sống, việc làm, từ đó ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống. Muốn có được điều đó thì cần thường xuyên tìm hiểu, điều tra nhằm điều chỉnh cũng như xác định rõ nhóm yếu thế gồm những ai, cần hỗ trợ gì… để có thể tự lực vươn lên.
Nói một cách khác, công việc này đòi hỏi không chỉ tình yêu thương, sự tận tâm, mà còn cần cách làm việc khách quan, trách nhiệm, khoa học.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.