(HNM) - Người ta nói Kinh kỳ - Kẻ Chợ. Nhiều ghi chép cho thấy, Thành Đại La xưa đã là một cái chợ của cả lưu vực sông Hồng.
(HNM) - Người ta nói Kinh kỳ - Kẻ Chợ. Nhiều ghi chép cho thấy, Thành Đại La xưa đã là một cái chợ của cả lưu vực sông Hồng. Người dân tứ xứ đến định cư ở đây, đầu tiên cốt để buôn bán và dần dần tụ họp theo phường nghề. Đây chính là cơ sở để hình thành các phố “hàng” trên đất Thăng Long - Hà Nội. Và nữa, chợ được xem là cái “dạ dày” của thành phố. Nhà văn Thạch Lam viết: “Tất cả của ngon vật lạ các nơi đều đem đến đây để hiến cho sự thưởng thức sành sỏi của người Hà Nội”.
Kẻ Chợ và câu chuyện 36 phố phường
Trước hết nói về Kẻ Chợ, theo Từ điển Bách khoa Việt Nam, Kẻ Chợ là tên gọi dân gian của kinh thành Thăng Long xưa và còn có nghĩa hẹp chỉ khu phố phường dân cư của kinh thành thời Lê - Trịnh nhằm phân biệt với khu hoàng thành của vua quan...
Nôm na có thể hình dung, Thăng Long là kinh đô của Đại Việt, nơi hội tụ của người dân tứ xứ, cũng là đầu mối giao thương với các trấn, các miền nên có nhiều chợ. Và nữa, chữ thị có nghĩa là chợ - thị trấn, thị tứ đều có nguồn gốc từ chợ. Chợ thường họp nơi trên bến dưới thuyền nên có từ chợ búa - búa là bến. Một vị giáo sĩ phương Tây đến Thăng Long vào thế kỷ XVIII ghi lại cảnh buôn bán bên bến sông Hồng: “Số lượng thuyền bè lớn lắm, đến nỗi rất khó mà lội được xuống bờ sông: Những sông, những bến buôn bán sầm uất nhất của chúng ta (Âu châu), ngay thành phố Venise với tất cả những thuyền lớn, thuyền nhỏ cũng không thể đem đến cho người ta một ý niệm về sự hoạt động buôn bán và dân số trên sông Kẻ Chợ”.
Thực tế không phải đến thế kỷ XVII, XVIII, Thăng Long mới sầm uất bán buôn, Trước ngày Đức Lý Thái Tổ định đô ở đất này, Đại La đã là một cái chợ của cả vùng lưu vực sông Hồng. Dân tứ xứ tụ về, trước cốt để bán hàng, sau rồi lập phường thợ để không phải toan lo việc vận chuyển hàng hóa. Vùng đất có mặt Bắc, mặt Đông áp sông Hồng, mặt Tây là thành cổ, mặt Nam có hồ Thủy Quân, lại có các sông Tô Lịch, Kim Ngưu dẫn ra nhiều đường thủy được lựa chọn, các phường hình thành. Gốc gác từ các làng nghề, có ông tổ nghề, thần hoàng làng, cư dân theo Đạo Phật nên các phường đều dựng cổng, hưng công xây đình, đền, chùa. Khu 36 phố phường làm nên cái chất riêng có của Thăng Long - Hà Nội hình thành từ đó - ban đầu nhà tre gỗ, mái lá sau xây gạch, lợp ngói.
Cũng vào cuối thế kỷ XVIII, người phương Tây miêu tả: “Hà Nội không có chợ mái che, cũng không có nơi quy định để họp chợ. Cả thành phố biến thành cái chợ mênh mông ở ngoài trời. Vào ngày phiên, lái buôn và thợ thủ công đủ các loại từ các làng mạc xung quanh kéo tới. Những người bán tơ lụa tới phố Hàng Đào, những người làm cuốc xẻng tới phố Hàng Đồng, những người làm nón đến phố Hàng Nón, tóm lại, thợ gì thì tới phố dành cho thợ ấy. Người ta đi lại, dạo chơi, chuyện trò, râm ran tiếng nói của số người gấp đôi ngày thường vốn đã đông như kiến. Việc họp chợ chẳng tốn kém gì, chỉ cần thời tiết tốt. Những người nông dân bày bán sản phẩm của mình trong chiếc túi vải hoặc trong rổ, hoặc ngay trên mặt đất nếu hàng không sợ hư hỏng. Mặt phố tràn ngập người”.
Cũng cần nói thêm, dân ở các phường thợ chủ yếu làm hàng thủ công nên lương thực, thực phẩm trông cả vào bên ngoài. Do vậy, cùng với chợ của các phường nghề như chợ gốm Bát Tràng, chợ giấy Yên Thái, Hạ Yên Quyết (Cót), chợ Đình bán yếm lụa ở phường Đồng Lạc..., đất Kinh kỳ còn có chợ cổng thành như: Chợ Cửa Đông, Cửa Nam, chợ Đình Ngang; chợ cửa ô như: Chợ Ô Yên Hoa, chợ Yên Thọ - Ô Cầu Dền, chợ Dừa - Ô Thịnh Quang, chợ Đống Mác - Ô Ông Mạc, chợ Ô Cầu Giấy..., xa hơn có chợ Dịch Vọng, Đông Ngạc, Phù Diễn... Có thể nói, bằng cách hết sức tự nhiên, Kẻ Chợ đã tạo ra một hệ thống chợ từ ngoại thành vào cửa ô và khu vực 36 phố phường. Chợ được xem là cái “dạ dày” của thành phố.
Thăng Long - Hà Nội có hàng trăm chợ to nhỏ. Chợ là nơi bán mua, nhưng dần dần theo cách mà người ta đến với nơi này cũng như những nét riêng tích tụ cùng thời gian, chợ trở thành một không gian văn hóa. Chợ Hôm, chợ Bưởi, chợ Mơ, chợ Cửa Nam, Quảng Bá... không chỉ là địa chỉ giao thương mà còn chứa đựng những trầm tích của đất Kinh kỳ - Kẻ Chợ. Và nói đến chợ Hà Nội, không thể không nói đến Đồng Xuân.
Chợ Đồng Xuân trong lòng Kẻ Chợ
“Vui nhất là chợ Đồng Xuân/Thức gì cũng có xa gần bán mua” - đó là hai câu trong một bài ca dao cũ. Còn với nhà văn Thạch Lam: “Chợ Đồng Xuân là chợ của người Hà Nội, không giống các chợ nhà quê, mà cũng không giống các chợ Bến Thành - Sài Gòn, hay Chợ mới ở Chợ Lớn. Bạn hãy vào chợ một ngày phiên và để mắt mua; từ bác bồi bếp, cậu nhỏ, cô sen, cho đến các bà sành sỏi hay các cô thiếu nữ rụt rè sợ hớ, tất cả chừng ấy người hoạt động trước mắt ta, hình dáng phức tạp và thu nhỏ lại của cái xã hội người phường phố. Không có bức tranh nào linh hoạt và thắm màu hơn”. Nói chợ Đồng Xuân là “niềm thao thức trong làng Hà Nội” cũng không ngoa. Bởi lẽ ngôi chợ này là một phần không thể thiếu của Kinh kỳ - Kẻ Chợ - nó ẩn chứa những nét văn hóa đậm chất Thăng Long - Hà Nội.
Cách nay hơn trăm năm, khi đoạn “nghịch thủy” của con sông Tô chưa bị lấp, người dân tụ họp ở hai cái chợ nhỏ bên đền Bạch Mã - phường Hà Khẩu (Hàng Buồm) xưa và bến, chùa Cầu Đông (Hàng Đường), lan sang cả đền Huyền Thiên (Hàng Khoai). Chợ họp ngoài trời, bến thuyền tấp nập. Người Pháp lấp sông, dồn mấy chợ vào bãi đất này, đặt tên là Place du Commerce (bãi rộng buôn bán). Bãi đất nằm ở phường Đồng Xuân, xung quang là phố Hoa Kiều có nghề cân đong và xay xát gạo nên chợ gạo nhanh chóng sầm uất. Người ta dựng một cầu chợ lợp tôn để che mưa che nắng và đến năm 1890 thì xây chợ mới. Công ty thầu khoán Poinsard Veyret của Pháp cung cấp phần khung thép và mái, một nhà thầu khác đảm nhận phần thi công. Chợ có diện tích khoảng 6.500m2, thiết kế tương đối đơn giản, mặt tiền theo kiến trúc Pháp gồn năm phần hình tam giác, có trổ lỗ như tổ ong, dãy nhà bên trong phân cách bởi các đường đi giữa các vòm. Chợ có ba cổng vào và hai ngách, một thông sang Hàng Khoai, một sang Hàng Chiếu. Trong văn bản chính thức, người Pháp gọi là “Les Halls centrales” hay “Grand Marché” nhưng dân Kinh kỳ - Kẻ Chợ vẫn nôm na là Đồng Xuân.
Lúc đầu, chợ họp hai ngày một phiên, dần dần họp từ sáng đến tối. Đến đầu thế kỷ XX, hệ thống xe điện hình thành, có tuyến chạy ngang qua cổng chợ. Cùng với việc khánh thành cầu Long Biên (Doumer) và ga đầu cầu đổ xuống bờ sông Hồng, đoạn Hàng Khoai, chợ Đồng Xuân càng sầm uất hơn, nổi tiếng khắp Bắc Kỳ, thương nhân Pháp, Tây Ban Nha, Ấn Độ cũng tới đây làm ăn, buôn bán. Trên trời dưới hàng, thượng vàng hạ cám - sản phẩm, sản vật bốn phương tụ về đây, từ máy móc của Pháp; vải vóc, tơ lụa, nhung gấm của Trung Hoa, Ấn Độ đến đồ gốm, đồ thêu, cái áo dài, của cư dân Kinh kỳ và vùng phụ cận; từ con cua, con ngao, con cá của miền đồng bể đến mộc nhĩ, nấm hương, măng lưỡi lợn của miền đồng rừng... Và hàng quà có một cầu chợ riêng với những cháo lòng, tiết canh, bún riêu, bún ốc, xôi vò, chè đường, bánh trôi, bánh chay, bánh dày, bánh giò, thuốc lá, thuốc lào... Bún thang bà Ẩm nổi tiếng chợ Đồng Xuân xưa, nay vẫn là món ngon Hà Nội.
Ngày toàn quốc kháng chiến, nơi đây đã diễn ra trận quyết chiến, sáng rõ tinh thần quả cảm của người Hà Nội. Trong các ngày 11, 12, 13-2-1947, Pháp ném bon dữ dội rồi huy động xe tăng, thiết giáp cùng hơn 400 lính lê dương đánh vào khu chợ. 19 con người với vũ khí thô sơ, chủ yếu là mã tấu, dao bầu, phản thịt, chai lọ đã kiên gan chiến đấu từ sáng đến chiều, để lại hàng trăm xác giặc rồi mới chịu rút lui. Thành phố đã dựng bức phù điêu Hà Nội mùa đông năm 1946 bên chợ Đồng Xuân để tưởng nhớ những người con đã anh dũng ngã xuống vì Hà Nội, vì Tổ quốc.
Theo các nhà văn Băng Sơn, Trần Chiến, năm đầu những năm 50 của thế kỷ trước, cửa 5 cầu chợ còn che chắn đủ thứ màn bằng vải xọc, cót, bao tải để đỡ nắng cho các cô mặt hoa da phấn ngồi trên hàng loạt quầy gỗ cao, bán vàng mỹ ký. Tối đến gầm quầy là nơi trú ngụ của hành khất, trẻ vô gia cư, dân bốc vác... Sau năm 1954, các quầy nhếch nhác này được dỡ bỏ. Đến năm 1990, chợ được xây dựng lại, phá hai bên, ba dãy giữa lên tầng nhưng vẫn giữ lại cột trụ và các bức tường trước mặt như một phần di sản văn hóa đô thị. Năm 1994, trong một vụ cháy được xem là lớn nhất tại thành phố, gần như các gian hàng bị thiêu trụi. Và giờ đây, trong không gian phố cũ, phố đi bộ của người Hà Nội, chợ Đồng Xuân đã trở thành một điểm đến hấp dẫn. Có thể nói, dù thay đổi thế nào theo năm tháng thì Đồng Xuân vẫn được các nhà nghiên cứu về Thăng Long - Hà Nội xếp loại “đàn chị” của các chợ ở Thủ đô.
Và nữa, có một chợ Đồng Xuân - Đồng Xuân Center trên con đường Herzberg, quận Lichtenberg giữa lòng Thủ đô Berlin của nước Đức. Ngôi chợ bày bán hầu hết các mặt hàng thường có tại Việt Nam, từ thịt cá, rau củ, quần áo, giày dép, mỹ phẩm, đồ thủ công mỹ nghệ đến băng đĩa, sách báo, tạp chí và cả... phở Hà Nội. Chợ Đồng Xuân Berlin là địa chỉ mua sắm thân thiết, gặp gỡ giao lưu của cộng đồng người Việt tại đất nước châu Âu này, cũng là nơi làm ăn buôn bán của các cộng đồng người Ấn Độ, Trung Hoa, Thổ Nhĩ Kỳ...
Câu chuyện về Đồng Xuân Hà Nội và Đồng Xuân Berlin có cho chúng ta những liên tưởng thú vị về sự kết nối giữa chợ xưa và nay, cũng như cái tên Đồng Xuân trong lòng người Việt?
Một phần riêng có của Thăng Long - Hà Nội
“Đất lành chim đậu”, người tứ xứ tới đất “thượng đô của muôn đời” với mong muốn không phải “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” và điểm đến đầu tiên là chợ. Từ chợ ra phường, ra phố - phố có gốc gác từ chợ. Người quê mang theo nghề sinh nhai, nếp sống, tín ngưỡng ra chốn Kinh kỳ để rồi tích tụ, kết tinh thành văn hóa, phẩm cách người Thăng Long - Hà Nội. Và nói đến chợ là nói đến không gian văn hóa phản ánh lối sống của cư dân Kinh thành. Chợ là nơi làm ăn buôn bán, cũng là địa điểm giao lưu. Có nhiều người đến chợ vì thói quen hay đơn giản, chỉ để thỏa mãn một nỗi niềm - không có gì quan trọng: “Có cô thì chợ cũng đông/Cô đi lấy chồng thì chợ vẫn vui”.
Phần nào có thể nói, Thăng Long - Hà Nội là một cái chợ to, trong đó chứa đựng nhiều chợ nhỏ. Năm tháng đổi dời, không ít chợ cũ vẫn tồn tại, dù đã khác xưa, có chợ không còn trong đời sống phố phường, một số chợ được nâng cấp thành trung tâm thương mại, siêu thị hay chuyển mục đích sử dụng và cũng có rất nhiều chợ mới được xây. Chợ là một phần không thể thiếu của Hà Nội - cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Và ai đã từng đặt chân đến Đồng Xuân hay bất kỳ một ngôi chợ cũ nào ở thành phố này, chắc hẳn không thể nguôi quên cái cảm giác rất quen mà rất lạ của chợ Hà Nội. Đó là một phần riêng có của mảnh đất mang tên Kẻ Chợ - Kinh kỳ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.