Thị trường

Hà Nội: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 4 tháng tăng 13,4%

Thanh Hiền

Theo Chi cục Thống kê thành phố Hà Nội, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4 ước tính đạt 76,8 nghìn tỷ đồng, tăng 2,1% so với tháng trước và tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước.

2-5-go-thanglong.jpg
Siêu thị Go!Thăng Long triển khai nhiều chương trình khuyến mại, kích cầu tiêu dùng. Ảnh: Thanh Hiền

Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 49.000 tỷ đồng, tăng 2,4% và tăng 13,9%; doanh thu lưu trú, ăn uống đạt 10,4 nghìn tỷ đồng, tăng 1,5% và tăng 17,9%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 2,7 nghìn tỷ đồng, tăng 1,2% và tăng 20,2%; doanh thu dịch vụ khác đạt 14,7 nghìn tỷ đồng, tăng 1,8% và tăng 6,6%.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2025, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 303,5 nghìn tỷ đồng, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 194,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 64,1% tổng mức và tăng 13%. Doanh thu lưu trú, ăn uống đạt 40,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 13,2% và tăng 17,7%. Doanh thu du lịch lữ hành đạt 10,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 3,4% và tăng 22,1%. Doanh thu dịch vụ khác đạt 58,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 19,3% và tăng 10,7%.

Ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đánh giá, để đạt tăng trưởng GDP trên 8%, tổng mức tăng bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng phải đạt tốc độ 12%.

Đây là con số rất thách thức bởi qua theo dõi 10 năm trở lại đây, chưa năm nào vượt mức 9%, thậm chí có giai đoạn tăng rất thấp là trong dịch COVID-19.

Về giải pháp, các chuyên gia kiến nghị trước hết là thực hiện kích cầu tiêu dùng nội địa. Với chiến dịch truyền thông quốc gia, tăng cường các hoạt động truyền thông để khuyến khích người dân sử dụng sản phẩm và dịch vụ Việt Nam. Các chương trình khuyến mãi và ưu đãi được thiết kế để kích thích sức mua, đặc biệt trong các giai đoạn tiêu dùng thấp điểm.

Bên cạnh đó, thúc đẩy du lịch nội địa thông qua phối hợp triển khai các gói khuyến mãi, kết nối trải nghiệm du lịch với các sản phẩm và dịch vụ địa phương, qua đó thúc đẩy tiêu dùng và quảng bá văn hóa Việt Nam.

Củng cố niềm tin tiêu dùng, tạo điều kiện để doanh nghiệp mở rộng thị phần và khẳng định thương hiệu trong nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 4 tháng tăng 13,4%

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.