Đô thị

Hà Nội: Hướng đến kiến trúc giàu bản sắc, vì cộng đồng

Bảo Hân 02/05/2025 - 19:22

Từ nhận diện về bản sắc kiến trúc Hà Nội, đặc biệt chỉ ra những thách thức gây ảnh hưởng đến bản sắc này, các chuyên gia, nhà quản lý khẳng định thành phố đang đứng trước nhiều cơ hội chủ động định hình phong cách kiến trúc mới cho Thủ đô.

Hiện tượng nhà đẹp lên nhưng… phố xấu đi

nghia-tan-toan-canh.jpg
Thành phố đang tập trung cải tạo, xây dựng lại các khu tập thể cũ. Ảnh: Quang Thái

Nhận định về bản sắc kiến trúc của thành phố Hà Nội, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh cho rằng, trải qua quá trình hình thành và phát triển, Hà Nội là thành phố đặc biệt có giá trị về kiến trúc với tuổi đời của một Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Trong không gian kiến trúc đô thị Hà Nội vẫn còn lưu giữ và thẩm thấu các lớp di sản, công trình kiến trúc đại diện của các thời kỳ phong kiến, thuộc địa đến thời bao cấp và đổi mới, hiện đại theo hướng hội nhập phát triển. Sự đa dạng của hình thái kiến trúc Hà Nội cũng như sự phong phú của hình thái thiên nhiên đã tạo nên một hình ảnh riêng độc đáo của Hà Nội.

Tuy nhiên, nhìn nhận khách quan, KTS Nguyễn Trọng Kỳ Anh cũng chỉ rõ, kiến trúc Hà Nội đang có những tồn tại làm ảnh hưởng đến bản sắc. Đó là sự phát triển “nóng” của kinh tế - xã hội, mà lĩnh vực bất động sản là một trong những động lực chính và nhu cầu dịch cư đô thị từ các địa phương ngoài Hà Nội, đã dẫn đến các hệ lụy về sức ép sử dụng đất, thu hẹp cảnh quan không gian mở, chất tải hệ thống hạ tầng đô thị làm ảnh hưởng cảnh quan kiến trúc…

Sự lộn xộn, manh mún trong xây dựng tại các khu vực dân cư hiện hữu; việc cơi nới, lắp đặt các không gian, quảng cáo ngoài kiểm soát; các thiết bị, mái tạm, mái vẩy, bồn chứa nước… đặc biệt tại các khu vực dự án chậm triển khai, các nút giao lộ với các khu nhà tạm manh mún đã làm xấu xí bộ mặt kiến trúc của thành phố.

Thêm vào đó, sự thực dụng trong đầu tư, tư vấn thiết kế kiến trúc cũng đã góp phần tạo nên nhiều khu vực, nhiều công trình có ngôn ngữ hình khối, tỷ lệ, vật liệu… chất lượng kém.

TS.KTS Ngô Doãn Đức, nguyên Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cũng cho rằng, kiến trúc Hà Nội trong thời kỳ nào cũng có những công trình được thiết kế công phu, tạo ra hình thức kiến trúc đặc trưng cho mỗi thời cuộc và trở thành hình ảnh của mỗi địa điểm. Nhưng hình thức kiến trúc tốt của những công trình riêng rẽ lại chưa tập hợp thành yếu tố quyết định được bộ mặt kiến trúc đô thị, hiện tượng Hà Nội “nhà đẹp lên nhưng phố xấu đi” đã diễn ra.

"Tuy công trình ngày một nhiều nhưng hiện tại Hà Nội vẫn thiếu vắng những nhà cao tầng có tầm hiện đại - bản địa, bản sắc; thiếu công trình kiến trúc biểu tượng cho Hà Nội văn minh - hiện đại. Những công trình viện trợ trước đây từ các nước xã hội chủ nghĩa hoặc những công trình được nước ngoài đầu tư đều do kiến trúc sư nước ngoài thiết kế, phần lớn mang đến Hà Nội những mẫu hình hiện đại, như tòa Landmark72, tòa nhà Lotte Center, tòa nhà PetroVietnam, Bảo tàng Hà Nội… mới xây dựng gần đây".

"Cũng có những ý tưởng kiến trúc của kiến trúc sư nước ngoài đề xuất, như Nhà hát Thăng Long, Tổ hợp nhà cao tầng Lotus, được giải qua các cuộc thi tuyển trong nước, vừa mang tính hiện đại vừa thể hiện bản sắc văn hoá Việt. Hình thức kiến trúc đã khắc họa lên những hình tượng nghệ thuật không khỏi làm chúng ta suy nghĩ và học hỏi”, KTS Ngô Doãn Đức nêu.

1e0388a7b59407ca5e85.jpg
Thành phố chú trọng tạo lập các không gian mở, cây xanh cùng các hình ảnh kiến trúc cảnh quan tích cực. Ảnh minh hoạ: Trung Nguyên

Sửa chữa, khắc phục các điểm “tối” của không gian đô thị

Ngày 27-12-2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 1668/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Đồ án bao gồm cả nội dung phân vùng văn hóa - kiến trúc, định hình không gian kiến trúc cảnh quan toàn thành phố và các khu vực, phân khu, các định hướng bảo vệ, phát huy di sản kiến trúc, cảnh quan và sinh thái; chỉnh trang sắp xếp các khu vực hiện hữu; xây dựng và phát triển các khu đô thị mới…

Trên cơ sở đó, thành phố đã hoàn thành và ban hành Quy chế Quản lý kiến trúc với các nhiệm vụ: Rà soát, lập danh mục các công trình, khu vực cảnh quan và các thực thể kiến trúc di sản và hiện tại có giá trị; đề xuất các biện pháp bảo vệ và phát huy hữu hiệu, định hướng việc sửa chữa, khắc phục kiến trúc các khu vực hiện hữu; kiến trúc và xây dựng các khu đô thị mới với tinh thần bảo vệ và đề cao các giá trị cộng đồng, các di sản thiên nhiên, lịch sử và truyền thống.

Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh cho biết, trên cơ sở xem xét đánh giá cảnh quan kiến trúc đô thị toàn thành phố, đặc biệt tại khu vực đô thị trung tâm và các khu vực cửa ngõ, kết hợp với các khu vực phát triển theo định hướng kết nối giao thông (TOD) được xác định tại đồ án Quy hoạch chung Thủ đô, thành phố sẽ lập kế hoạch, danh mục các khu vực cần nâng cấp cảnh quan hoặc sửa chữa, khắc phục, trong đó trọng tâm là các điểm “tối” về không gian đô thị trên các khu vực đô thị trung tâm.

Về định hướng xây dựng các khu đô thị mới văn minh, hiện đại, thành phố chú trọng tạo lập các không gian chức năng sử dụng và giao tiếp cộng đồng, các không gian mở, cây xanh cùng các hình ảnh kiến trúc cảnh quan tích cực.

Trong tổ chức không gian, ngoài việc coi trọng tính giao tiếp và tiếp cận thân thiện với cộng đồng, từ tổ hợp không gian đô thị cho đến các công trình riêng lẻ cần coi trọng tính tập quán, truyền thống, phù hợp với khí hậu và cảnh quan xung quanh, trong khi vẫn hướng đến các giải pháp kiến trúc có tính mới, tiền phong, hiện đại, thể hiện đúng với thời đại phát triển.

“Thành phố khuyến khích tìm tòi các hình thức ấn tượng mới, hiện đại cho các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị, coi đó là cơ hội tạo điểm nhấn kiến trúc của khu vực. Đối với kiến trúc công trình, thành phố cũng đặc biệt khuyến khích tính hiện đại, tính mới trong khi vẫn giữ được tổng thể cảnh quan thống nhất, cảnh quan truyền thống và phù hợp tập quán, khí hậu cũng như khuyến khích việc tạo lập các điểm nhấn không gian cảnh quan công trình có hình thức kiến trúc khác biệt tích cực”, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội nhấn mạnh.

Ngoài ra, nhằm bảo vệ, giữ gìn và phát huy cảnh quan không gian truyền thống khu vực nông thôn, cơ quan quản lý sẽ tăng cường các giải pháp giảm chất tải hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, giảm thiểu ùn tắc và ô nhiễm môi trường sống trên cơ sở kết hợp, tôn trọng cảnh quan kiến trúc không gian.

Hà Nội sẽ ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình phục vụ cộng đồng dân sinh, các công trình công cộng, văn hóa cộng đồng; các dạng nhà ở xã hội, các cơ sở hạ tầng xã hội phục vụ đời sống, sức khỏe và tinh thần của người dân.

Để cụ thể, hiện thực hóa các định hướng mục tiêu đó, tới đây Hà Nội sẽ lập kế hoạch quản lý và phát triển kiến trúc, giữ gìn, phát huy bản sắc kiến trúc Hà Nội, đồng thời có thể nghiên cứu bổ sung thêm các chính sách kiểm soát phù hợp về dân cư và phát triển tại cả khu vực đô thị và nông thôn.

KTS Nguyễn Trọng Kỳ Anh cho rằng, với sự gọn gàng, ngăn nắp và văn minh, hiện đại, cùng sự xuất hiện của nhiều công trình tạo ấn tượng sâu sắc, được hình thành từ các chủ đầu tư tích cực, các kiến trúc sư mới tài năng và cả các nhà quản lý đầy khát vọng; với quỹ di sản các công trình kiến trúc di tích, lịch sử; các công trình kiến trúc có giá trị…, Thủ đô Hà Nội có nhiều điều kiện để định hình nền kiến trúc giàu bản sắc, vì cộng đồng cho một thành phố văn hiến - văn minh - hiện đại

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Hướng đến kiến trúc giàu bản sắc, vì cộng đồng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.