(HNM) - Nhân dịp nghỉ Tết Dương lịch, ông Tấn (ở số nhà 14-OBT1-X1 khu đô thị Bắc Linh Đàm) được đón ông bà thông gia ở Thái Bình lên chơi và thăm cháu đích tôn mới chào đời. Để bà thông gia ríu rít với thằng nhỏ, ông Tấn hồ hởi kéo ông thông gia đi vòng quanh để giới thiệu căn biệt thự của mình.
- Trồng rau sạch mà còn chăm bón bằng thứ mất vệ sinh thế này sao?
- Rau sạch 100% đấy ông ạ. Còn thứ ông ngửi thấy là ở nhà bên cạnh bay sang đấy.
Đó là một căn biệt thự xây thô bị bỏ hoang từ mấy năm nay. Tường gạch đã phủ rêu, lối vào mọc đầy cỏ dại. Mấy tháng nay, 2 căn biệt thự ở liền kề đang hoàn thiện, thợ nề, thợ mộc, thợ sơn đến thi công đã biến căn biệt thự bỏ hoang này thành nhà vệ sinh công cộng lộ thiên, gây ô nhiễm môi trường. Do ở ngay sát bên cạnh, gia đình ông Tấn lĩnh đủ hậu quả, mùi xú uế xông từ tầng 1 lên tầng thượng suốt ngày đêm.
Ông Tấn thở dài than thở: Hợp đồng mua bán nhà đất ghi rõ, trong 1 năm bên mua phải hoàn thành xây dựng nhà ở, không hiểu sao có những căn biệt thự bỏ hoang gần chục năm nay mà không hề bị xử lý.
Còn ông thông gia của ông Tấn thì xót xa: Hà Nội là nơi đất chật người đông, trong khi nhiều người vẫn còn phải ở những ngôi nhà chật chội, không đủ diện tích tối thiểu theo quy định hoặc phải ở nhà thuê, thì lại có những ngôi biệt thự bỏ hoang, rồi thành nhà vệ sinh công cộng. Đúng là "kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.