Như Báo Hànộimới đã đưa tin, mới đây Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đánh giá kế hoạch xả nước thải phóng xạ đã qua xử lý từ Nhà máy điện hạt nhân Fukushima của Nhật Bản đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, tác động đến môi trường và sức khỏe không đáng kể.
Tuy nhiên, nhận định của IAEA không xua tan được nỗi lo và những tranh cãi của ngư dân địa phương, các nước láng giềng cũng như giới chuyên gia về mức độ an toàn của nguồn nước thải phóng xạ xả ra biển.
Trận động đất và sóng thần tàn khốc năm 2011 đã làm hỏng hệ thống cung cấp điện và làm mát của Nhà máy điện hạt nhân Fukushima - khiến lõi lò phản ứng quá nóng, gây ô nhiễm nước trong nhà máy bằng chất phóng xạ cao. Kể từ đó, nước mới đã được bơm vào để làm mát các mảnh vụn nhiên liệu trong lò phản ứng. Đồng thời, nước ngầm và nước mưa rò rỉ vào trong, tạo ra nhiều nước thải phóng xạ cần được lưu trữ và xử lý.
Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO), đơn vị vận hành nhà máy, phải sử dụng lượng lớn nước để làm mát lò phản ứng và thu gom chúng trong các bể chứa tại khuôn viên nhà máy.
TEPCO đã xây hơn 1.000 bể khổng lồ chứa 1,32 triệu tấn nước ô nhiễm dùng để làm mát lò phản ứng, đủ lấp đầy hơn 500 bể bơi tiêu chuẩn Olympic. Nhưng TEPCO giờ đây không còn đất để xây dựng thêm bể chứa. Họ cần giải phóng không gian để tiến hành tháo dỡ nhà máy an toàn.
TEPCO cho biết, nước thải phóng xạ có một số thành phần nguy hiểm nhưng chúng đều có thể được tách khỏi nước. Vấn đề thực sự của nước thải từ Nhà máy điện hạt nhân Fukushima là tritium, một dạng phóng xạ của hydrogen (H) rất khó để tách khỏi nước.
IAEA và nhiều cơ quan khác cho hay, các nhà máy hạt nhân trên thế giới đều xả nước thải qua xử lý có hàm lượng tritium thấp một cách thường xuyên và an toàn. Và rằng, tritium tồn tại ở tự nhiên, trong nước biển, nước máy, thậm chí trong cơ thể con người, vì vậy việc thải một lượng nhỏ ra biển sẽ an toàn. Nhưng các chuyên gia không thống nhất về rủi ro mà việc này có thể gây ra.
Bất chấp sự chấp thuận của IAEA và một số quốc gia đồng minh như Mỹ, kế hoạch xả nước thải phóng xạ ra biển của Nhật Bản đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của các nước láng giềng, những quốc gia Thái Bình Dương và cộng đồng ngư dân địa phương.
Cộng đồng ngư dân Nhật Bản lo lắng rằng kế sinh nhai mà họ đã dày công gây dựng lại sau trận động đất kinh hoàng năm 2011 sẽ một lần nữa bị phá hủy.
Sau thảm họa năm 2011, một số quốc gia, trong đó có Hàn Quốc đã cấm hải sản và nông sản từ Fukushima vì lo ngại về an toàn. Một số hòn đảo ở Thái Bình Dương đang phải đối phó với di sản thử nghiệm vũ khí hạt nhân của Mỹ, Pháp và Vương quốc Anh từ những năm 1940 đến cuối thế kỷ trước đã phản đối bất kỳ hoạt động hạt nhân nào trong khu vực vì lo ngại ô nhiễm thêm.
Đặc biệt, những quốc gia láng giềng trong khu vực Đông Bắc Á là Trung Quốc và Hàn Quốc đều chỉ trích kế hoạch này. Giới chức Trung Quốc phản đối việc xả thải, cho rằng đánh giá của IAEA chỉ giới hạn ở phương án xả nước vào đại dương, thay vì tìm kiếm các phương án khác để xử lý nước.
Kế hoạch trên cũng đang gây tranh cãi ở Hàn Quốc. Hàng nghìn người bao gồm các chính trị gia và ngư dân đã tổ chức các cuộc biểu tình kêu gọi ngăn chặn kế hoạch xả nước thải phóng xạ đã qua xử lý từ Nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Chính quyền Tổng thống Yoon Suk Yeol tổ chức các cuộc họp thường xuyên để giảm sự lo ngại của công chúng trong nỗ lực hàn gắn quan hệ với Nhật Bản.
Tuy nhiên, các nhà lập pháp đối lập Hàn Quốc đã chỉ trích đánh giá của cơ quan giám sát hạt nhân quốc tế. Trong nỗ lực hợp tác khu vực, họ đã kêu gọi Nhật Bản từ bỏ kế hoạch xả thải và hợp tác với các nước láng giềng tìm ra giải pháp thay thế an toàn hơn để xử lý chất thải hạt nhân.
Tranh cãi về nước thải ở Fukushima nhấn mạnh sự cần thiết của một giải pháp được quốc tế chấp nhận cho vấn đề xử lý chất thải hạt nhân. Tình hình đòi hỏi phải tăng cường tính minh bạch và hợp tác giữa các quốc gia, cùng với các đánh giá khoa học và môi trường nghiêm ngặt để bảo đảm an toàn và sức khỏe không chỉ cho người dân địa phương mà còn cho cộng đồng toàn cầu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.