Ngày 5-10, The Mainichi cho biết, đoàn chuyên gia đa quốc gia từ Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA) sẽ tiến hành lấy mẫu môi trường biển gần Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi.
Các hoạt động giám sát và đánh giá môi trường sẽ được thực hiện từ đầu tuần tới, dự kiến kéo dài đến ngày 15-10, bởi một nhóm các nhà khoa học và chuyên gia của IAEA từ các phòng thí nghiệm ở Trung Quốc, Hàn Quốc và Thụy Sĩ.
Các mẫu lấy gồm: Mẫu nước biển và trầm tích biển, cá và rong biển.
Thông qua đợt lấy mẫu, các chuyên gia kỳ vọng có thể cung cấp chứng thực độc lập về khả năng giám sát môi trường của Nhật Bản trong quá trình xả nước thải nhiễm phóng xạ đã qua xử lý.
Đợt lấy mẫu này diễn ra ngay sau khi Trung Quốc và Nhật Bản đạt nhất trí về việc hoạt động nhập khẩu thủy sản từ Nhật Bản vào Trung Quốc có thể được nối lại, dựa trên kết quả hoạt động giám sát do các chuyên gia từ các nước thứ ba - trong đó có Trung Quốc - triển khai theo khuôn khổ của IAEA.
Kể từ tháng 8-2023, Tokyo Electric Power Company Holdings Inc. (TEPCO) đã bắt đầu xả nước thải, được xử lý thông qua một hệ thống xử lý chất lỏng tiên tiến (ALPS) để loại bỏ hầu hết các chất gây ô nhiễm (ngoại trừ tritium tương đối không độc hại) ra biển từ Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi bị hư hại trong thảm họa động đất và sóng thần năm 2011.
Ngay sau động thái này, Trung Quốc đã áp đặt lệnh cấm nhập khẩu thủy sản từ Nhật Bản, bất chấp Chính phủ Nhật Bản nhiều lần kêu gọi Bắc Kinh bãi bỏ lệnh cấm.
Về phần mình, IAEA lâu nay vẫn bảo lưu quan điểm, nồng độ tritium trong nước được xử lý qua ALPS thấp hơn nhiều so với các tiêu chuẩn an toàn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.