(HNM) - Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 12, năm 2014 ở TP Hồ Chí Minh sẽ diễn ra trong hai ngày 14 và 15-2 dương lịch, mở màn bằng Đêm thơ Nguyên tiêu (14-2) tại khuôn viên Hội Liên hiệp VHNT thành phố (81 Trần Quốc Thảo, quận 3).
Điều đáng nói, đây có lẽ là lần đầu tiên, Ngày Thơ Việt Nam ở một thành phố lớn - không gian thi ca sôi động của cả nước được tổ chức với một kế hoạch "bài bản" do một đạo diễn đảm nhiệm. PV Báo Hànộimới có cuộc trao đổi với đạo diễn của Ngày Thơ Việt Nam 2014 tại TP Hồ Chí Minh - nhà văn, nhà biên kịch trẻ Nguyễn Thu Phương.
Đạo diễn Nguyễn Thu Phương. |
- Việc mời một đạo diễn sân khấu chuyên nghiệp dựng chương trình Ngày Thơ Việt Nam tại thành phố, theo chị có phải là một sự đổi mới?
- Tôi nhận được lời mời từ nhà thơ Lê Quang Trang - Chủ tịch Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh - từ trước Tết âm lịch. Và khi trao đổi với các nhà văn, nhà thơ trong Ban chấp hành thì các anh đều nói tất cả những Đêm thơ Nguyên tiêu - Ngày Thơ Việt Nam trước đây ở thành phố đều là chương trình "xếp hàng", lần lượt từng người lên đọc bài thơ của mình hoặc nhờ người khác diễn ngâm. Như vậy, nếu tôi dàn dựng hẳn hoi từng tiết mục cho cả một chương trình xuyên suốt thì rõ ràng là đổi mới. Tuy nhiên, rất có thể cũng chỉ là "cũ người - mới ta" thôi. Dù sao tôi cũng hy vọng với tinh thần này, Đêm thơ Nguyên tiêu tại thành phố sẽ dễ xem, dễ cảm nhận và dễ nhớ hơn. Và chương trình này sẽ đọng lại chút gì trong lòng khán giả cũng như trong chính những nhà thơ tham gia "đi đầu" trong lần đổi mới này.
- Hình như chị chưa hoặc ít xuất hiện với vai trò nhà thơ? Vậy làm đạo diễn một chương trình thơ mang tính "sự kiện" văn hóa của thành phố, chị có băn khoăn gì không?
- Tôi có sáng tác thơ, nhưng cho riêng mình là chính. Tôi cũng đọc thơ mình đôi lần trong một số hoạt động văn học, nhưng có lẽ những trải nghiệm đó vẫn là chưa đủ. Bù lại, tôi được đào tạo về nghề đạo diễn và đã dàn dựng nhiều chương trình đa dạng về thể loại… Với chút kinh nghiệm đó thì chương trình năm nay cũng vừa sức. Tôi tiếp nhận và triển khai công việc cùng ê-kíp của mình khá nhẹ nhàng thoải mái.
- Chị có thể chia sẻ với bạn đọc đôi nét phác thảo về tổng thể Ngày Thơ Việt Nam ở TP Hồ Chí Minh?
- Chương trình chính là giới thiệu các tác phẩm thơ tiêu biểu của nhiều thế hệ nhà thơ của thành phố, bên cạnh đó là các hoạt động phong phú như biểu diễn những bài hát phổ thơ hay được sáng tác trong năm 2013; tổ chức các gian hàng, cuộc thi, triển lãm thi phẩm, viết thư pháp, tranh thơ, phát hành thơ; giao lưu, sinh hoạt của các CLB Hoa văn của người Hoa, CLB tiếng Kh'me, CLB tiếng Chăm. BTC cũng dành một sân thơ để cho các bạn thơ trẻ thể nghiệm sự sáng tạo…
- Vậy còn Đêm thơ Nguyên tiêu?
- Hầu hết các nhà thơ trong chương trình tự thể hiện bài thơ của mình. Sẽ có sự phối hợp ăn ý trong từng tiết mục, có khi hai hoặc ba bài cùng trình diễn chung. Có khi nhà thơ kết hợp cùng diễn viên. Có cả nhà thơ người Chăm, người Tày, nhà thơ gốc Huế, gốc Bình Định, gốc Nghệ An, có nhiều thế hệ nhà thơ với độ tuổi khác nhau, những giọng điệu thơ khác nhau... Khi tiếp nhận nội dung các bài thơ từ Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh chuyển qua để lên khung kịch bản dàn dựng, tôi đã cảm thấy rất thú vị.
- Nếu không xuất hiện với vai trò đạo diễn mà là một nhà thơ, chị thích một Ngày Thơ Việt Nam ở TP Hồ Chí Minh sẽ như thế nào?
- Vấn đề kinh phí cũng hạn chế những ý tưởng dàn dựng bay bổng và ngẫu hứng của tôi. Nếu có điều kiện thoải mái hơn, tôi sẽ thả sức và cố gắng tạo điều kiện cho các nhà thơ "nâng" thơ của họ trong quá trình thể hiện đến hết tầm, hết mức. Vẫn biết rằng với nhà thơ, đôi khi làm thơ rất hay nhưng trình diễn thơ thì lại không tự nhiên. Song sự hồn nhiên nguyên bản rất dễ chịu của nhà thơ chính là chất liệu đặc biệt mà tôi trân trọng và phát huy tối đa. Như vậy, tôi vẫn thích tưởng tượng về Ngày Thơ Việt Nam ở TP Hồ Chí Minh như một đạo diễn hơn.
- Xin chân thành cảm ơn chị!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.