(HNM) - Thanh Trì là huyện ven đô, đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp. Đến nay huyện đã tạo dựng được một số vùng sản xuất chuyên canh tập trung và đang triển khai liên kết với doanh nghiệp trong khâu tiêu thụ nông sản giúp nông dân ổn định sản xuất.
Chăm sóc cây ăn quả tại xã Vạn Phúc (huyện Thanh Trì). Ảnh: Bá Hoạt. |
Định hình nhiều vùng sản xuất
Tết năm 2017 là vụ đầu tiên cho thu hoạch đào nhưng gia đình ông Khúc Tiến Dũng ở xã Yên Mỹ đã thu được ngót 100 triệu đồng. Ông Dũng cho biết: "Năm đầu kinh nghiệm chưa nhiều, các năm sau chắc chắn sẽ khá hơn, bởi sau vụ đào Tết, tôi tiếp tục trồng mới thêm 500 gốc đào phủ kín 1,5ha".
Theo Chủ tịch UBND xã Yên Mỹ Trần Quang Khải, khu vực chuyển đổi sang trồng đào của xã có diện tích 3ha đã giao cho 3 hộ làm điểm. Vụ đầu tiên, kết quả khả quan, cây đào phát triển tốt và cho giá trị cao hơn so với các cây trồng khác. Thời gian tới, xã Yên Mỹ dự kiến sẽ nhân rộng diện tích trồng đào từ 8ha đến 10ha. Xã Yên Mỹ có 150ha đất nông nghiệp thuộc vùng bãi, đến nay đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh trồng rau an toàn, cây ăn quả…
Bà Nguyễn Thị Tuyết Anh, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Trì cho hay, diện tích đất nông nghiệp của huyện không nhiều, phần lớn đều nằm vào quy hoạch phân khu đô thị của thành phố. Huyện đã chỉ đạo hoàn thành việc dồn điền đổi thửa 816,3ha; quy hoạch xây dựng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung tại các xã Đông Mỹ 12ha và Đại Áng 74ha...
Đi đôi với xây dựng vùng sản xuất tập trung, huyện Thanh Trì đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào phát triển các mô hình kinh tế làm tiền đề nhân rộng như: Sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu 3,1ha tại xã Vĩnh Quỳnh, từ đó nhân rộng thêm 14 hộ vệ tinh; xây dựng Hợp tác xã Chăn nuôi lợn công nghiệp khép kín theo quy trình VietGAP quy mô 6ha tại xã Đại Áng...
Tháo gỡ khó khăn khâu tiêu thụ
Dù đã hình thành được những vùng sản xuất chuyên canh tập trung nhưng sản xuất nông nghiệp của huyện Thanh Trì vẫn còn gặp khó khăn, nhất là khâu tiêu thụ sản phẩm. Để hỗ trợ nông dân, huyện đã chủ động liên hệ và hướng dẫn các xã, hợp tác xã, hộ sản xuất ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với tập đoàn, doanh nghiệp. Đến nay, lượng nông sản được tiêu thụ thông qua hợp đồng chiếm khoảng 30% sản lượng rau toàn huyện, trong đó, có các doanh nghiệp lớn như: Công ty cổ phần Vineco thuộc Tập đoàn Vingroup, Công ty Đông Nam Á, Công ty BigGreen…
Năm 2017, huyện Thanh Trì tiếp tục duy trì ổn định 140ha trồng rau đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất an toàn. Nhân rộng mô hình trồng rau xanh sử dụng các giống mới, rau chất lượng cao, rau hữu cơ, rau trái vụ theo nhóm hộ sản xuất có liên kết tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp.
Tháo gỡ khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm, huyện Thanh Trì sẽ hỗ trợ tổ chức 3 điểm kinh doanh rau an toàn kết hợp với một số nông sản sạch của huyện tại chợ nông thôn, khu chung cư dự kiến đặt tại xã Tân Triều, Khu đô thị Đại Thanh và thị trấn Văn Điển; bố trí vị trí để nông dân họp chợ bán buôn rau an toàn cho các xã trọng điểm trồng rau...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.