Theo dõi Báo Hànộimới trên

Huyện Gia Lâm: Thu nhập bình quân đầu người đạt 41,2 triệu đồng

Nguyễn Mai - Ảnh: Bá Hoạt| 13/09/2018 10:37

(HNMO) - Sáng 13-9, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020” cùng đoàn công tác đã kiểm tra tiến độ thực hiện Chương trình 02-CTr/TU tại huyện Gia Lâm.


Đoàn công tác tham quan mô hình nuôi trùn quế ở xã Phù Đổng.


Đoàn công tác đã tham quan mô hình nuôi trùn quế, vùng trồng cam của xã Phù Đổng và Hợp tác xã Chế biến sữa bò Phù Đổng. Đây là những điển hình trong phát triển nông nghiệp cho giá trị thu nhập cao trên địa bàn huyện Gia Lâm.

Theo báo cáo, nhờ triển khai thực hiện Chương trình 02-CTr/TU, huyện Gia Lâm đã có nhiều chuyển biến tích cực trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi nên giá trị sản xuất nông nghiệp, thủy sản của huyện bình quân đạt 212 triệu đồng/ha; giá trị sản xuất tại các vùng chuyên canh trồng rau, quả tại các xã Văn Đức, Đặng Xá, Đa Tốn... đạt từ 500 đến 700 triệu đồng/ha; cá biệt có mô hình thu nhập hàng tỷ đồng/ha như trồng cam Báo Đáp ở xã Kiêu Kỵ...

Đến nay, huyện Gia Lâm đã phê duyệt 75 phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và phát triển kinh tế trang trại; hình thành 18 chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chủ lực; 123 trang trại, gia trại quy mô vừa và lớn.

Toàn huyện đã có 20/20 xã đạt chuẩn nông thôn mới; đối với tiêu chí huyện nông thôn, có 8/9 tiêu chí đạt và 1 tiêu chí cơ bản đạt là môi trường. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện chỉ còn 1%; thu nhập bình quân đầu người đạt 41,2 triệu đồng/năm. Tổng nguồn vốn huy động thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện từ năm 2016 đến 2018 là hơn 2.049 tỷ đồng.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU
Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu tại hội nghị


Kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đánh giá cao sự nỗ lực, quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện Gia Lâm đã đạt, đặc biệt là những kết quả nổi bật trong thực hiện Chương trình 02-CTr/TU và ghi nhận, huyện Gia Lâm đã chủ động, bài bản, sáng tạo, quyết liệt, đồng bộ trong công tác chỉ đạo, lãnh đạo phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới nên đạt kết quả toàn diện. Đến nay, các tiêu chí xây dựng nông thôn mới của huyện đều hoàn thành và cơ bản hoàn thành. Gia Lâm cũng có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ các mô hình sản xuất mới, đem lại hiệu quả kinh tế cao. 


Về nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị huyện Gia Lâm thực hiện quyết liệt một số nội dung, trong đó, cần phát động công tác vệ sinh môi trường trên toàn huyện, tạo thành phong trào để đạt tiêu chí huyện nông thôn mới. 

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh, huyện Gia Lâm cần duy trì, nâng cao các tiêu chí đã đạt; tập trung huy động mọi nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới gắn với mục tiêu phấn đấu trở thành quận vào năm 2020 theo quy hoạch. Bên cạnh đó, phát triển song hành: Nông nghiệp - Công nghiệp - Dịch vụ và làng nghề... để nâng cao thu nhập cho nhân dân; triển khai lấy ý kiến hài lòng của người dân về nông thôn mới; làm tốt công tác tuyên truyền, tạo đồng thuận trong cán bộ, nhân dân về xây dựng nông thôn mới...

Về những khó khăn của huyện Gia Lâm hiện nay, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị các sở, ban, ngành của thành phố phối hợp với huyện và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng nông thôn mới của cả thành phố.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Huyện Gia Lâm: Thu nhập bình quân đầu người đạt 41,2 triệu đồng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.